Thứ sáu, 19/04/2024 04:27 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/12/2018

MTĐT -  Thứ năm, 27/12/2018 10:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/12/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/12/2018.

Mỗi ngày Việt Nam xả khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa

Mỗi năm Việt Nam xả ra biển tới 0,5 triệu tấn rác thải nhựa. Việt Nam đang là nước đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa xả ra biển, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Tại một số vùng biển ở nước ta, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá thì có 1 phần rác thải nhựa.

Trên thực tế, đa số người dân đều biết việc sử dụng túi nylon là có hại cho môi trường nhưng họ vẫn dùng và việc sử dụng này ngày càng nhiều. Chỉ một phần nhỏ trong số rác thải nhựa nói trên được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ ở khắp nơi. Biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi nylon.

Việc rác thải nhựa tấn công môi trường biển không còn là mối đe dọa mà là thực tế trước mắt, gây tác động ngược lại đối với chính người dân. Tác hại nguy hiểm nhất của túi nylon chính là tính chất rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái.

Khi đã được xả ra biển, rác thải nhựa phải mất tới hơn 400 năm để có thể phân hủy. Theo thống kê, cứ mỗi phút trôi qua lại có hơn 1.000 chiếc túi nylon được tiêu thụ. Việc hạn chế, tiến tới không còn rác thải nhựa đang là biện pháp khẩn thiết để bảo vệ đại dương và cũng chính là bảo vệ tương lai của thế hệ mai sau. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tuyên chiến với rác thải nhựa.

Công ty mía đường Tuy Hòa xả thải chưa qua xử lý ra môi trường

Chiều 26/12, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phú Yên báo cáo lên UBND tỉnh này về kết quả kiểm tra Công ty CP mía đường Tuy Hòa (đóng tại xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa) xả nước thải trái phép ra môi trường.

Theo đó, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy Nhà máy mía đường Tuy Hòa sử dụng nước dịch hèm sau khi qua xử lý biogas tưới vào khu đất của nhà máy gần khu dân cư, tiếp giáp nhiều khu canh tác. Đây là nguyên nhân gây ra mùi hôi thời gian qua.

Cụ thể, kết quả phân tích mẫu nước thải tại điểm xả thải ra môi trường cho thấy có đến 7/12 thông số vượt quy chuẩn môi trường. Trong đó, độ màu vượt 3,8 lần, BOD vượt gần 2 lần, COD vượt 1,2 lần, Clo dư vượt 16,3 lần, tổng P vượt 1,7 lần, CN- vượt 3 lần, Coliforms vượt 1,2 lần.

Ngoài ra, Công ty CP mía đường Tuy Hòa không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo Sở TN&MT Phú Yên cho biết đang hoàn tất thủ tục để xử lý theo quy định của pháp luật đối với Công ty CP mía đường Tuy Hòa.

Đảo du lịch Bali của Indonesia cấm nhựa sử dụng một lần

Jakarta Post cho biết, Thống đốc Bali Wayan Koster ngày 24-12 tuyên bố, lệnh cấm mới nhằm cắt giảm 70% rác thải nhựa đổ vào vùng biển Bali trong năm 2019.

Chính sách này nhằm vào các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà cung cấp và nhà kinh doanh, gồm cả các cá nhân, để ngăn chặn dùng nhựa sử dụng một lần, phải thay thế nhựa bằng các vật liệu khác.

"Với những người không tuân thủ lệnh cấm, chúng tôi sẽ có hành động, như không gia hạn giấy phép kinh doanh cho họ", ông Koster cho biết.

Các chuyên gia ước tính có đến 80% rác thải trên các bãi biển Bali có nguồn gốc từ chính hòn đảo này.

Rác thải từ các khách sạn và làng mạc thường bị đổ vào các con sông rồi tấp vào các bãi biển trên đảo do thủy triều và hải lưu.

Năm ngoái, Indonesia đã công bố kế hoạch hành động quốc gia, cam kết 1 tỷ USD để cắt giảm 70% rác thải đổ vào đại dương vào năm 2025.

Tiền Giang: Chú trọng công tác phòng, chống thiên tai

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, trong năm 2018, tình hình mưa bão, áp thấp nhiệt đới diễn biến tương đối thuận lợi không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh nhưng các loại hình thiên tai khác như: triều cường, lốc xoáy, sạt lở bờ biển, bờ sông, kênh, rạch thường xảy ra làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, do có sự chủ động, tập trung cao độ về công tác phòng, chống nên đã khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất. Tỉnh Tiền Giang đã ưu tiên đầu tư mạnh mẽ các công trình chống sạt lở, triều cường, đầu tư mới các cống phục vụ tưới tiêu, đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước, phòng chống thiên tai góp phần hạn chế mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm, các sở, ban, ngành tỉnh đã chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả với nhiều tình huống khác nhau. Riêng với các địa phương tổ chức kiện toàn Ban chỉ huy, rà soát các phương án, xây dưng kế hoạch tu bổ các công trình trọng điểm, xung yếu; bố trí lịch thời vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thiên tai ở địa phương.

Trong năm 2018, Tiền Giang đã đầu tư gần 504 tỷ đồng cho công trình thủy lợi để phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai. Trong đó, xử lý 110 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 24,1km; tổ chức thi công 37 công trình phòng chống hạn mặn, chiều dài 93,3km. Ngoài ra, tổ chức 1.960 lớp tập huấn, lồng ghép cuộc họp để tuyên truyền về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/12/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.