Thứ năm, 25/04/2024 11:44 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/4/2019

MTĐT -  Thứ ba, 23/04/2019 09:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/4/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/4/2019.

Cháy hơn 10ha rừng tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Cả 2 vụ cháy tập trung ở khu vực rừng phòng hộ tiểu khu Long Hải, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền.

Hiện nay, nhiều địa phương của tỉnh này đang trong tình trạng báo cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Thời tiết hanh khô, lớp thảm thực vật dày nên việc dập lửa gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm này cũng đang là giữa mùa xuống giống. Người dân khi đốt nương làm rẫy cũng phải cẩn thận, hoặc làm đường băng cản lửa theo quy định.

Thuốc diệt cỏ chứa Glyphosate vẫn phổ biến ở Việt Nam

Thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate đang rất phổ biến ở Việt Nam và nhiều nông dân vẫn vô tư sử dụng.

Phun thuốc diệt cỏ lâu nay vốn được xem là một khâu bắt buộc trong trồng trọt, đối với đa số bà con nông dân. Tuy nhiên, nhiều người dân không hề để ý xem thuốc diệt cỏ mình đang sử dụng có chưa chất gì, có an toàn hay không.

Tại Việt Nam, hoạt chất Glyphosate có khoảng 104 tên thương mại khác nhau. Hàng ngày, chúng vẫn đang được sử dụng do có giá khá rẻ và diệt cỏ nhanh. Tuy nhiên, không có nhiều nông dân hiểu cặn kẽ thông tin về Glyphosate.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã chính thức ban hành quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Hiện vẫn còn 5 triệu lít thuốc diệt cỏ chứa Glyphosate trên thị trường và thời hạn cho phép sử dụng lượng thuốc này là 1 năm.

Theo xu hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, nhiều nông dân đã áp dụng các biện pháp quản lý cỏ dại thay vì diệt cỏ. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện nay mỗi năm nông dân Việt Nam vẫn còn sử dụng hàng trăm nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật, với khoảng 30% là thuốc diệt cỏ. Không ít trong số đó có chứa Glyphosate. Con số này là điều đáng lo ngại, bởi một khi sử dụng quá nhiều Glyphosate nói riêng và hóa chất nói chung trên ruộng vườn, chính bà con nông dân sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên.

Lở đất kinh hoàng tại Colombia khiến 28 người thiệt mạng

Cơ quan hỗ trợ thiên tai Colombia cho biết vụ lở đất sáng 21/4 tại tỉnh Cauca đã khiến ít nhất 28 người thiệt mạng. Các hoạt động cứu hộ vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Lở đất tại Sri Lanka. 

Ít nhất 5 người đã nhập viện và 8 ngôi nhà bị phá hủy trong khi một phần của 1 tuyến đường cao tốc đang bị chặn bởi vụ lở đất. Tổng thống Ivan Duque đã tới thị sát khu vực bị nạn và cam kết rằng chính phủ Colombia sẽ sát cách với các nạn nhân và cung cấp các hỗ trợ cần thiết.

Hà Tĩnh: Ốc hương chết hàng loạt

Trong sáng 22-4, tại vựa nuôi ốc hương xứ Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), người dân đang thu gom số lượng ốc hương bị chết từ các hồ nuôi cho vào các thùng xốp lớn để đem đi tiêu hủy (ảnh).

Anh Lê Xuân Diệu (hợp tác xã Thiên Phú, xã Cẩm Lĩnh) cho biết, tính đến thời điểm này, hợp tác xã có 6/8 ao hồ nuôi ốc hương giống bị chết và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tỷ lệ ốc hương nuôi bị chết 70%-100%, số lượng ốc hương bị chết khoảng 15 triệu con, đã nuôi được khoảng 1,5 tháng, ước tính tổng thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, cho biết, ốc hương nuôi hơn 21ha tại xứ Cồn Vạn chết hàng loạt gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người nuôi. Địa phương đã báo cáo và huyện về kiểm tra lấy mẫu gửi ra cơ quan chức năng để tìm hiểu, xác định nguyên nhân, song chưa có kết quả. Ngoài ra, xã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ kỹ thuật, hóa chất để giúp các hộ nuôi xử lý, cải tạo lại ao hồ nuôi, tiêu độc khử trùng; có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ về tín dụng để các hộ bị thiệt hại tái sản xuất trở lại.

Ít nhất 29 người thương vong trong trận động đất tại Philippines

Giới chức Philippines ngày 23/4 cho biết ít nhất 9 người đã thiệt mạng và 20 người bị thương trong vụ động đất có cường độ 6,1 xảy ra trước đó một ngày tại thị trấn Gutad, trên đảo Luzon, phía Tây Bắc thủ đô Manila.

Theo cảnh sát địa phương, 5 người đã thiệt mạng do nhà bị sập trong khi lực lượng cứu hộ đã đưa được 4 thi thể ra khỏi một siêu thị bị sập tại thị trấn Porac, tỉnh Pampanga, cách thủ đô Manila 110 km về phía Bắc. Hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ vẫn được tiến hành do lực lượng chức năng không nắm được chính xác có bao nhiêu người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của siêu thị bị sập. Con số thương vong có thể còn tiếp tục tăng.

Người dân Philippines đổ ra đường phố sau trận động đất làm rung chuyển nhiều tòa nhà ở thủ đô Manila ngày 22/4/2019

Viện Địa chấn học và Núi lửa học Philippines cho biết tâm chấn của trận động đất nằm ở độ sâu 12 km, cách thị trấn Castillejos, thuộc tỉnh Zambales, phía Tây đảo Luzon, 18 km về phía Đông Bắc. Cơ quan này đã ghi nhận hơn 400 dư chấn có cường độ thấp xảy ra kể từ tối 22/4. Không có trường hợp thương vong nào và không có ngôi nhà nào bị sập tại Castillejos. Tuy nhiên tại tỉnh Pampanga, và các khu vực miền Trung Luzon, nhiều tòa nhà bị rung lắc, mặt đường bị nứt và một số nhà thờ bị hư hại. Nhiều khu vực cũng đã bị mất điện. Sân bay quốc tế Clark thuộc tỉnh Pampanga đã phải ngừng hoạt động trong 24 giờ, kể từ 19h40' ngày 22/4 (giờ địa phương, tức 18h40' theo giờ Việt Nam).

Người dân tại các nhà cao tầng ở thủ đô Manila cũng cảm nhận được rung chấn của trận động đất. Các trường học và cơ quan chính phủ ở thủ đô Manila và một số tỉnh đã phải đóng cửa trong ngày 23/4 để lực lượng chức năng kiểm tra an toàn của tòa nhà.
Ngay sau khi trận động đất xảy ra, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã yêu cầu các chức năng khoanh vùng các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Philippines nằm ở "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, một trong những vùng hoạt động địa chất của Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất. Viện Địa chấn học và Núi lửa học Philippines ghi nhận trung bình có 20 trận động đất xảy ra mỗi ngày và mỗi năm người dân có thể cảm nhận được khoảng 100-150 trận động đất. Quốc gia Đông Nam Á này từng ghi nhận các trận động đất gây thiệt hại lớn. Năm 1968, khoảng 200 người đã thiệt mạng khi Tháp Ruby bị đổ sập trong trận động đất có cường độ 7,3 tại thủ đô Manila. Năm 1976, hơn 6.000 người cũng đã thiệt mạng trong trận động đất có cường độ 7,9 xảy ra tại Vịnh Moro ở Mindanao (Min-đa-nao), miền Nam Philippines, kéo theo sóng thần. Trận động đất có cường độ 7,8 xảy ra vào tháng 7/1990 cũng đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 người tại miền Bắc và miền Trung Luzon.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới