Thứ ba, 16/04/2024 14:22 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/4/2019

MTĐT -  Thứ hai, 22/04/2019 09:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 2214/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/4/2019.

Bắt bớt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để cân bằng sinh thái

Từ khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP. HCM được đầu tư cải tạo, việc giữ vệ sinh môi trường, chống tái ô nhiễm cũng như bảo vệ đàn cá sinh sống và phát triển tốt luôn được quan tâm. Tuy nhiên, đây là việc không dễ dàng. Thực tế từ nhiều năm qua, vào thời điểm cuối mùa khô, nhất là khi có mưa trái mùa, mưa sớm, tình trạng cá chết nổi trắng mặt kênh lại xuất hiện. Mới đây nhất, sau cơn mưa bất ngờ vào ngày 17 - 18/4, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn.

Theo kết luận của cơ quan chuyên môn, cá chết nhiều vào các năm trước là do mưa lớn cuốn trôi chất bẩn trên đường phố cũng như nước từ hệ thống cống tràn xuống kênh làm tăng nồng độ các chất gây hại và giảm lượng khí trong nước. Tuy nhiên, trong dòng kênh vẫn còn nhiều cá sống sót, tiếp tục sinh sản. Bên cạnh đó, nhiều người dân thả cá phóng sinh, khiến mật độ cá trên dòng kênh không ngừng tăng cao.

Cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Internet.

Về phương pháp giảm đàn cá, Chi cục Thủy sản TP.HCM sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị TP.HCM dùng lưới vây để bắt cá và cá cần tỉa thưa chủ yếu là cá rô phi, sau đó dùng xe chuyên dụng có trang bị máy thở oxy chuyển thẳng ra sông hoặc đưa về ao nuôi để cá phục hồi sức khỏe rồi mới chuyển ra sông lớn.

Qua thực tế nghiên cứu, PGS.TS. Vũ Cẩm Lương cho rằng, ngoài biện pháp tỉa thưa để giảm bớt lượng cá, cần phối hợp một số biện pháp khác để giảm tình trạng ô nhiễm. Ngoài giải pháp bắt bớt cá, Chi cục Thủy sản TP.HCM khuyến cáo, người dân không nên thả cá xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để giảm tải cho kênh, tránh làm cá chết. Nếu phóng sinh, người dân không nên thả các loại cá ngoại lai như: rô phi, cá lau kính, nên thả cá bản địa như: cá trê, cá lóc vì các loại cá này có sức sống mạnh, góp phần xử lý trên vùng bị ô nhiễm của dòng kênh.

Chất lượng không khí chủ yếu ở mức tốt và trung bình

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), tuần qua, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu duy trì ở mức tốt và trung bình. Chất lượng không khí tốt chủ yếu xuất hiện vào các ngày đầu tuần và tập trung tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị; số ngày chất lượng không khí ở mức kém xuất hiện vào các ngày cuối tuần và tập trung chủ yếu tại các trạm quan trắc giao thông.

Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như: Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, ghi nhận số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt mức tốt tại các trạm đều tăng. Tại các trạm: Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ đều có 28,6% số ngày AQI ở mức tốt; 57,1% số ngày ở mức trung bình và 14,3% số ngày ở mức kém. Riêng Trạm Trung Yên 3, số ngày ở mức tốt chiếm 28,6%; trung bình 42,8%; số ngày ở mức kém 28,6%.

Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông vành đai đặt tại UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và đường Phạm Văn Đồng, số ngày AQI ở mức tốt cũng tăng. Tại Trạm Minh Khai xuất hiện 1 ngày AQI đạt mức tốt, chiếm 14,3%, mức trung bình 42,9% và kém là 42,8%. Khu vực đặt trạm quan trắc trên đường Phạm Văn Đồng có 57,1% số ngày ở mức trung bình, còn lại ở mức kém.

Tương tự, chất lượng không khí tại các trạm quan trắc giao thông nội đô như: Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công chủ yếu ở mức trung bình. Hoàn Kiếm là trạm có chỉ số chất lượng không khí tốt nhất tuần qua, số ngày AQI ở mức tốt chiếm 28,6%, trung bình 57,1% và kém 14,3%. Hai Trạm Hàng Đậu và Thành Công có AQI ở mức trung bình, chiếm 57,1% và mức kém 42,9%.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, vào những ngày đầu tuần, điều kiện thời tiết thuận lợi (thường xuyên có mưa rào rải rác, có gió, quang mây, trời nắng) nên chất lượng không khí tốt hơn. Vào những ngày cuối tuần, ban ngày trời nắng, nền nhiệt tăng, nhưng về đêm nhiệt độ giảm mạnh.

Sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, tạo lớp sương mù bao phủ toàn thành phố, cách mặt đất không xa, có thể quan sát được bằng mắt thường, khiến việc lưu thông không khí giảm, kéo theo chất lượng không khí những ngày cuối tuần giảm.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, trong tháng 4-2019, trên phạm vi cả nước đã phát hiện 682 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 458 vụ, giảm 40% so với tháng 4 năm 2018.

Cụ thể, diện tích rừng bị thiệt hại là 66ha. Trong đó, thiệt hại do phá rừng 48ha, cháy rừng 18ha, giảm 20ha, tương ứng 23% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã phát hiện 3.151 vụ vi phạm, giảm 1.076 vụ (25%); diện tích rừng bị thiệt hại 192ha, giảm 58ha (23%)... so với 4 tháng năm 2018. Các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai...) tiếp tục là các địa phương có tỷ lệ cao về phá rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp...           

Núi lửa Agung trên đảo Bali phun cột tro cao 2.000 mét

Khoảng 8h23 giờ địa phương, núi lửa Agung đã phun trào, tạo ra màn tro bụi bao trùm các khu vực gồm Karang Asem, Klungkung và Bangli.

Tại thời điểm đó, trạng thái cảnh báo núi lửa vẫn được duy trì ở cấp độ 2, trong khi người dân và khách du lịch được khuyến cáo không nên tới gần khu vực trong bán kính 4 km tính từ miệng núi lửa.

Bên cạnh đó, hàng nghìn mặt nạ đã được phát miễn phí cho các cộng đồng dân cư do lo ngại tro bụi núi lửa có thể ảnh hưởng tới hoạt động hô hấp.

Hiện chưa có báo cáo về thương vong cũng như thiệt hại vật chất do núi lửa phun trào. Hoạt động hàng không tại sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai vẫn diễn ra bình thường.

Được biết, Indonesia là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Indonesia đã hứng chịu tổng cộng 11.577 trận động đất làm nhiều người chết trong khi nhiều người khác lâm vào tình cảnh mất nhà cửa.

Lốc xoáy kèm mưa đá gây thiệt hại ở huyện miền núi của tỉnh Nghệ An

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân xã Châu Thôn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, tại địa phương vừa xảy ra trận lốc xoáy kèm mưa đá.

Sự việc xảy ra vào khoảng 17 giờ ngày 21/4. Lốc xoáy kèm mưa đá với cường độ mạnh làm nhiều cây cối, hoa màu bị đổ ngã; nhiều nhà dân bị tốc mái.

Tại địa phương còn xuất hiện một số gia súc bị chết và bị thương do lúc xảy ra lốc xoáy bất ngờ, gia súc hoảng loạn, chạy và rơi xuống vực.

Đến 20h15 ngày 21/4, địa phương vẫn chưa thống kê được đầy đủ thiệt hại. Tuy nhiên, theo nhận định của chính quyền địa phương, đây là trận lốc xoáy kèm mưa đá gây thiệt hại nặng nề nhất trong 2 năm qua.

Rác thải “om” tại cầu chui đê Tả sông Nhuệ

Đoạn đường qua cầu chui Đại lộ Thăng Long, song song với đê tả sông Nhuệ, thuộc tổ dân phố 3, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm). Theo người dân xung quanh khu vực này phản ánh, tình trạng hầm chui bị biến thành nơi đổ rác, phế thải xây dựng đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Theo quan sát của PV Reatimes, đoạn đường qua cầu chui kể trên chỉ dài khoảng 150m, rộng khoảng 15m. Mặc dù cầu chui này có rất nhiều phương tiện qua lại hằng ngày nhưng bên lề đường rác thải sinh hoạt bị vứt ngổn ngang, la liệt. Rác sinh hoạt để lâu ngày bốc mùi hôi thối, thi thoảng được đốt, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Đặc biệt phế thải xây dựng cũng được chất bên vệ đường có nguy cơ tràn xuống lòng đường của hầm chui. Ngoài ra, lối vào cửa hầm bị che khuất bởi cây xanh, cỏ dại khiến tầm nhìn hạn chế nên rất dễ xảy ra va chạm giữa phương tiện giao thông từ trong hầm chui ra với các phương tiện lưu thông ở hai bên đường hầm.

Chưa kể, một số hộ dân còn chiếm dụng hầm chui dân sinh làm bãi để đỗ ô tô, chiếm dụng đường hầm để cất các loại cây gỗ. Cảnh báo không được đổ rác trong hầm chui nhưng những đối tượng xả rác ngang nhiên phớt lờ quy định, đổ rác che mất cả biển cấm, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.

Người dân ở tổ dân phố 3, phường Phú Đô thường xuyên di chuyển qua khu vực này cho biết, đoạn đường luôn trong tình trạng bị phế thải bủa vây. Vào những ngày nắng, mùi xú uế từ những đống rác sinh hoạt tồn đọng lâu ngày khiến mỗi người dân đi qua đây chỉ còn cách nín thở. Chưa hết, vào những ngày mưa, nước mưa, nước thải từ những đống rác chảy ra lòng đường khiến cả tuyến đường luôn rơi vào tình trạng nhớp nháp, bẩn thỉu. Ở đây, không có đèn đường nên người dân đi lại vào buổi tối gặp rất nhiều khó khăn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới