Thứ bảy, 27/04/2024 06:30 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/3/2019

MTĐT -  Thứ năm, 21/03/2019 10:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/3/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/3/2019.

Thiên tai tồi tệ tại Nam Bán cầu

Hơn 350 người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích khi cơn bão Idai gây lũ lụt nghiêm trọng ở 3 nước Mozambique, Zimbabwe, Malawi ở châu Phi từ tuần rồi. Đây được xem là một trong những thảm họa liên quan đến thời tiết tồi tệ nhất ở Nam Bán cầu.

Mozambique bị xem là nước hứng chịu nhiều thiệt hại nhất khi Tổng thống Filipe Nyusi hôm 19/3 cho biết hơn 200 người đã thiệt mạng bởi bão Idai nhưng con số này có thể tăng lên đến 1.000 người. Ít nhất 400.000 người ở miền Trung nước này rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Nhiều khu vực nông thôn bị ngập đến nỗi lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận hỗ trợ mà phải dùng tàu thuyền và trực thăng để tiếp tế hàng viện trợ. "Đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử Mozambique" - ông Jamie LeSueur, đội trưởng lực lượng cứu hộ thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, nói với hãng tin Reuters.

Khung cảnh tan hoang tại TP Beira - Mozambique hôm 18-3 do tác động của bão IdaiẢnh: Reuters.

Theo đài BBC, ít nhất 122 người thiệt mạng trong trận mưa lũ do bão Idai gây ra tại Malawi. Còn tại Zimbabwe, giới chức địa phương cho biết ít nhất 98 người là nạn nhân của thiên tai nhưng con số này có thể còn tăng trong thời gian tới.

Ở khu vực miền núi phía Đông Zimbabwe giáp biên giới Mozambique, người dân vẫn còn chật vật đối phó với thảm họa. "

Bão Idai đã gây ra trận lũ tồi tệ nhất khu vực Nam Phi trong suốt 20 năm qua. Với mưa lớn dự kiến tiếp tục trong ngày 21-3, phát ngôn viên Hội Chữ thập đỏ Matthew Cochrane cảnh báo tác động của cơn bão sẽ chỉ được nhìn rõ ràng nhất trong những ngày tới do nhiều nơi chưa thể tiếp cận được.

Trước mắt, ông Herve Verhoosel, phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc, cho biết nghiên cứu hình ảnh vệ tinh cho thấy bão ảnh hưởng đến 1,7 triệu người tại Mozambique và 920.000 người ở Malawi.

Liên Hiệp Quốc đã phân bổ 20 triệu USD từ quỹ phản ứng khẩn cấp để tăng cường đối phó khủng hoảng nhân đạo ở 3 nước trên. Liên minh châu Âu (EU) và Anh cũng cam kết viện trợ trong khi Đại sứ quán Mỹ tại Zimbabwe cho biết Washington đang kêu gọi hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Papua của Indonesia, thiên tai cũng đang gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) hôm 20-3 xác nhận số người chết vì lũ quét và lở đất ở tỉnh này tăng lên ít nhất 104 người trong khi 79 người mất tích và gần 10.000 người buộc phải sơ tán. Ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên BNPB, cho biết nhiều máy xúc được huy động để dọn dẹp những con đường bị ảnh hưởng trong khi các cây cầu tạm được dựng lên ở một số khu vực có đường sá bị ngập lụt.

Lũ quét và lở đất hoành hành từ cuối tuần qua gần thủ phủ Jayapura của tỉnh Papua sau khi mưa lớn diễn ra trên khắp khu vực đồi núi Cyclops, nơi có phần lớn cây cối bị đốn hạ. Trước đó, BNPB đã cảnh báo giới chức địa phương về hiểm họa của lũ quét do nạn phá rừng.

Theo dự báo của trang AccuWeather, một số quốc gia khác ở châu Á có thể trở thành nạn nhân của bão lũ vào cuối mùa xuân năm nay. Cụ thể, đường đi của các cơn bão dự kiến quét qua khu vực Trung Nam, Đông Nam của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2019

Để hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các hoạt động như: Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới và Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019; Hội thảo khoa học; các hoạt động truyền thông giới thiệu về Ngày Nước thế giới năm 2019. Các hoạt động này sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 22/3 đến ngày 25/3/2019.

Tại Việt Nam, để triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ngày 10 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự đến 2030 vì sự phát triển bền vững. Kế hoạch đã đưa ra 17 mục tiêu, 115 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững đến 2030 cho Việt Nam và các nhiệm vụ, giải pháp. Kế hoạch hành động quốc gia cũng đã phân công các mục tiêu, nhiệm vụ cho các bộ, ngành và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng Kế hoạch thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của mình và ban hành trong năm 2018.

Hưởng ứng chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng:

Mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2019 bắt đầu từ 08h30 ngày 22 tháng 3 năm 2019 tại Trung tâm Hội nghị Almaz – Vinhomes River Side Long Biên, Hà Nội.

Tại sự kiện này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố và bàn giao sản phẩm tài nguyên nước gồm: Bộ Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 quốc gia; Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn I; Kết quả Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Quản lý nước dưới đất ở các đới ven biển.

Ngay sau Lễ mít tinh, Bộ Tài nguyên và Môi trường khai mạc Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019 (VACI 2019). Theo đó, phiên toàn thể diễn ra từ 10h00 – 11h30 ngày 22 tháng 3 năm 2019 và các Hội thảo chuyên đề diễn ra từ 13h00 – 17h30 ngày 22 tháng 3 năm 2019 đến hết ngày 23 tháng 3 năm 2019.

Tại phiên toàn thể của Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì tọa đàm cùng các chuyên gia về chủ đề “Giải pháp nước thông minh - Không bỏ lại ai phía sau” nhằm trao đổi, chia sẻ những quan điểm, bài học kinh nghiệm, sáng kiến vì thành tựu chung trong phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Triển lãm ảnh về bảo vệ tài nguyên môi trường và sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước bắt đầu từ 08h30 ngày 22 tháng 3 đến 17h30 ngày 23 tháng 3 năm 2019. Địa điểm: Trung tâm hội nghị Almaz – Vinhomes River Side, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 859/BTNMT-TTTNMT ngày 28 tháng 02 năm 2019 tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2019 quy mô cấp tỉnh tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phát sóng trailer tuyên truyền về Ngày Nước thế giới 2019 trên đài truyền hình trung ương và địa phương từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 3; tổ chức treo băng rôn, poster về Ngày Nước thế giới 2019 đồng thời liên tục cập nhật hình ảnh và thông tin về chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên các phương tiện truyền thông; hướng dẫn cộng đồng nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên nước gắn với việc bảo vệ môi trường trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Mặn xâm nhập vùng ĐBSCL tăng nhanh từng ngày

Đến thời điểm này, nồng độ mặn đo được tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã cao hơn gấp nhiều lần so với năm 2018 và vẫn tăng nhanh theo từng ngày.

Tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL đang diễn biến khá phức tạp. Tại tỉnh Hậu Giang, địa phương nằm ở trung tâm ĐBSCL và không giáp biển, mỗi ngày 2 lần các cán bộ thuộc trạm thủy lợi Vị Thanh đều đi đến những điểm quan trắc để đo nồng độ mặn. Kết quả các nơi gửi về được tổng hợp và thông báo bằng tin nhắn tới tất cả thành viên trong Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang.

Tỉnh Hậu Giang có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả. Hầu hết các loại cây trồng này đều không chịu được mặn. Trong khi đó, nồng độ mặn ở nhiều nơi trong tỉnh Hậu Giang hiện đã vượt trên 10o/oo và tiến gần mốc 11o/oo, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2018, có những nơi năm 2018 không bị ảnh hưởng nhưng năm nay mặn đã xâm nhập.

Với tình hình như hiện nay, hàng loạt cống ngăn mặn đã được hạ xuống. Ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết đã thông báo rõ tình hình xâm nhập mặn đến bà con nông dân và sẽ điều chỉnh lịch thời vụ để tránh mặn nếu cần thiết, triển khai các biện pháp trữ ngọt, ngăn mặn để bảo vệ tối đa mùa màng.

Học trò làm ống hút sả, bảo vệ môi trường

Sản phẩm của công trình nghiên cứu khoa học kĩ thuật của em Nguyễn Thị Bảo Ngân và Nguyễn Hữu Khang do cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh hướng dẫn, Trường Trung học cơ sở Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công tác được đưa vào sử dụng.

Nguyên liệu làm thật đơn giản, từ cây sả bóc ra, kẽ hở được dán lại bằng hồ bột gạo; để khô, được cái ống hút xinh xắn, thơm mùi sả.

Sáng chế ống hút bằng sả  có lợi ích không nhỏ, học sinh hiểu hơn về bảo vệ môi trường, về tác hại của sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhà trường đánh giá cao sáng tạo của các em.

Sáng tạo của em Nguyễn Thị Bảo Ngân và Nguyễn Hữu Khang đã đạt giải Ba trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật năm học 2018-2019, do Sở giáo dục Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức.

Chia tay Hòa Hội, hình ảnh cái ống hút bằng cây sả, bảo vệ môi trường đã cho tôi niềm vui, niềm tin vào lớp trẻ.

Cần lắm những sáng tạo như thế của học trò; những quan tâm như thế của cán bộ quản lý, gieo vào học sinh ý thức bảo vệ môi trường, ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

P.Giang (TH)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/3/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới