Thứ ba, 23/04/2024 22:56 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/4/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 14/04/2019 09:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/4/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/4/2019.

Trung Quốc liên tiếp gánh chịu thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng

Một vụ cháy rừng đã xảy ra tại thành phố Đại Lý, phía Tây tỉnh Vân Nam từ ngày 12/4, nhưng do sức lửa khá mạnh, hướng gió không cố định, địa hình núi cao hiểm trở, cây rừng rậm rạp, nên công tác dập lửa gặp rất nhiều khó khăn.

Tính đến chiều tối 13/4, chính quyền địa phương đã huy động hơn 1.300 người và 1 máy bay trực thăng đến hiện trường vụ cháy. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do một người đàn ông địa phương hút thuốc gây nên, hiện người này đã bị bắt giữ.

Trong khi đó, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Đông lại xảy ra mưa to gió lớn và mưa đá, cá biệt có thành phố Mậu Danh sức gió có lúc lên đến cấp 8, cấp 9, gây ngập nặng trong thành phố, nhiều ô tô bị cuốn trôi. Trước đó, tại Thâm Quyến, một trận mưa lớn bất ngờ xảy ra cũng đã cướp đi sinh mạng của 11 người.

Đến chiều 13/4, mưa lớn vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và đang di chuyển sang phía đông tỉnh Quảng Đông. Dự báo trong 3 ngày tới, nhiều tỉnh thành phía Nam của Trung Quốc, như: Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam... vẫn sẽ tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và cả mưa đá.

Bắc Kạn tiếp tục chịu hậu quả nặng nề do dông lốc, mưa đá

Sáng 13/4, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tiếp tục có mưa đá, dông lốc gây thiệt hại không nhỏ cho đời sống và sản xuất của người dân.

Theo báo cáo nhanh của phòng NN&PTNT huyện Bạch Thông, xã Vũ Muộn là địa phương thiệt hại nặng nhất do mưa đá, dông lốc khi có tới hơn 100 ngôi nhà bị tốc mái, khoảng 20 ha cây thuốc lá bị gãy đổ, có khả năng mất trắng.

Trước đó, rạng sáng 12/4, các xã Vũ Muộn và Sĩ Bình của huyện Bạch Thông có khoảng 100 căn nhà cùng nhiều diện tích canh tác bị hư hại do mưa to, gió lớn.

Xử lý ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang

Âu thuyền Thọ Quang sức chứa gần 500 chiếc nhưng lượng tàu neo đậu tại đây thường lớn hơn nên việc quản lý, tuyên truyền các chủ tàu, thuyền viên chấp hành quy định về vệ sinh môi trường còn gặp khó.

Thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

Ông Ngô Văn Cát - Phó Trưởng Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

Theo đó, Ban Quản lý duy trì công tác tuyên truyền về môi trường trên hệ thống loa phát thanh 2 lần/ngày; mua thùng chứa thủy sản rơi vãi đặt tại 3 cầu cảng và cử nhân viên thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý hải sản trong thùng hàng ngày. Năm 2018, Ban Quản lý đã thu gom được trên 1.600 m3 rác thải.

Đối với việc xử nước thải, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng không cọ rửa, vệ sinh hầm tàu trong khu vực; yêu cầu bơm nước thải phát sinh trong quá trình bảo quản hải sản, trả chi phí xử lý nước thải theo quy định, nghiêm cấm xả thải trực tiếp xuống âu thuyền.

Ban Quản lý thực hiện việc thu gom toàn bộ nước thải tại khu vực chợ đầu mối đưa về trạm xử lý nước thải xử lý sơ bộ trước khi chuyển qua trạm xử lý nước thải Sơn Trà xử lý triệt để; phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, các trường hợp vi phạm 3 lần sẽ không cho vào khu vực âu thuyền và cảng cá.

Để hạn chế mùi hôi phát sinh, Ban Quản lý đã kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để tồn đọng rác và nước thải; nhắc nhở hạn chế tối đa hải sản rơi vãi trong quá trình mua bán, vận chuyển; không sơ chế, chế biến trong khu vực cảng cá và chợ đầu mối.

Ban Quản lý cũng tổ chức phun vi sinh khử mùi tại khu vực chợ, nhà chứa rác và các cầu cảng ít nhất 2 lần/ngày; sử dụng dung dịch nước điện giải để vệ sinh, khử trùng, hạn chế đáng kể mùi hôi, vi sinh vật, côn trùng có hại phát triển.

Ban Quản lý cảng cá và âu thuyền Thọ Quang cũng thường xuyên kiểm tra rà soát; tổ chức ký cam kết chấp hành quy định về bảo vệ môi trường đối với tàu, xe, thương nhân trong khu vực.

Lốc xoáy tại Quảng Bình khiến 49 ngôi nhà bị tốc mái

Một trận lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã xảy ra vào chiều tối 12/4 tại xã miền núi Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khiến hàng chục ngôi nhà bị tốc mái; nhiều diện tích lúa, ngô sắp thu hoạch bị gãy đổ gây thiệt hại lớn cho bà con.

Anh Hoàng Văn Đức, thôn 2, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Khoảng 17 giờ ngày 12/4, một trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã khiến nhà tôi bị tốc mái. Gió giật rất mạnh, cả nhà phải chui xuống giường trốn trú. Sau khi cơn lốc đi qua, nhà tôi cùng hàng chục nhà trong xóm đều bị thiệt hại nặng nề".

Theo thống kê, trận lốc xoáy đã làm 49 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có nhiều ngôi nhà bị thiệt hại nặng. Diện tích cây trồng, hoa màu sắp thu hoạch bị thiệt hại nặng nề. Hệ thống điện lưới cũng bị gãy đổ, hư hỏng… Rất may không có thương vong về người.

Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: Sau khi cơn lốc đi qua, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại đồng thời dọn dẹp, khắc phục hậu quả. Đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả đã được 50%.

Kiến nghị xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại TPHCM

Để giải quyết các khó khăn trong công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM, UBND TP đã kiến nghị Trung ương cấp phép đầu tư hoạt động đối với một số ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Đồng thời hướng dẫn xử lý các trường hợp hoạt động không đúng ngành nghề đã đăng ký; sớm ban hành quy trình rút tên đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

UBND TP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính trong đó bổ sung biện pháp cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện, nước; đồng thời bổ sung các quy định ràng buộc trong việc cung cấp điện, nước cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh khi các đơn vị này vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị đình chỉ hoạt động.

Ngoài ra, UBND TP cũng sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để; thường xuyên giám sát các cơ sở đã thực hiện rút tên, tránh để xảy ra trường hợp tái phạm; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần X về Chương trình đột phá giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; góp phần xây dựng TP sạch, xanh, bền vững…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới