Thứ sáu, 19/04/2024 08:20 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/9/2019

MTĐT -  Thứ hai, 09/09/2019 10:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/9/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/9/2019.

Cà Mau thiệt hại trên 51 tỷ đồng do thiên tai gây ra

Ngày 9/9, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, những tháng đầu năm 2019, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kèm theo giông lốc, sét, lốc xoáy kết hợp triều cường dâng cao, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân trong tỉnh.

Đặc biệt, ngày 3/8, sóng to kết hợp mưa, giông lốc, triều cường dâng cao làm cho nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m, gây sạt lở đặc biệt nguy hiểm cho tuyến đê biển Tây với chiều dài 2.100m; sạt lở nguy hiểm với chiều dài 5.447m.

Những đoạn sạt lở này có thể gây vỡ đê biển bất cứ lúc nào, ảnh hưởng trực tiếp đến trên 26.000 hộ dân sinh sống ven biển và 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Cà Mau phải tiến hành triển khai các biện pháp hộ đê khẩn cấp để bảo vệ các tuyến đê biển này...

Thiệt hại do thiên tai gây trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã làm 1 người chết (do sập nhà); 2 người bị thương (do sét đánh); chìm 8 phương tiện; sập 195 căn nhà và 1 nhà ăn trường học; ngập 2.400 căn nhà; thiệt hại hơn 143ha nuôi thủy sản…ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản là trên 51 tỷ đồng.

UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ tỉnh hơn 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện hỗ trợ về dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất.

1.500 người Pháp thiệt mạng vì đợt nắng nóng vượt mọi kỷ lục

Theo RT, Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh ngày 8/9 cho biết đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa hè vừa qua là nguyên nhân gây nên 1.500 trường hợp tử vong vì hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Theo bà Buzyn, tổng cộng đã có “18 ngày nóng cực đoan” ở Pháp trong năm nay và không phải bất cứ ai cũng có sự chuẩn bị đầy đủ để sống sót qua đợt nắng nóng.

Nhiệt độ cao vượt ngưỡng 40 độ C vào khoảng tháng 6 và tháng 7 đã phá mọi kỷ lục từng thống kê trước đó tại khắp 50 thành phố của Pháp. Thậm chí, tại khu vực phía nam Gallargues-le-Montueux, hệ thống nhiệt kế đã đo được nhiệt độ nóng kỷ lục trong lịch sử của Pháp ở ngưỡng 46 độ C.

Theo bà Buzyn, một nửa trong số người tử vong ở độ tuổi trên 75. Nhìn tổng thể, đợt nóng đã ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của 20 triệu người Pháp, theo bà Buzyn.

Đài phát thanh France Info cung cấp con số chi tiết hơn là 1.425 người, trong đó 567 người chết trong đợt nắng nóng đầu tiên vào cuối tháng 6 và 858 người khác thiệt mạng trong đợt thời tiết cực đoan vào cuối tháng 7.

Theo RT, con số trên có vẻ rất lớn nhưng thấp hơn rất nhiều so với hậu quả của đợt nắng nóng mà Pháp trải qua vào mùa hè năm 2003 khi các thống kê nói rằng 15.000 người đã thiệt mạng liên quan tới thời tiết khắc nghiệt.

Không chỉ Pháp, nhiều nước tại châu Âu trong mùa hè năm nay đã hứng chịu đợt nắng nóng cực đoan. Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh đều đạt tới ngưỡng nóng nhất trong lịch sử vào cuối tháng 7.

Ngày 24/7, Bỉ đã hứng chịu ngày nóng chưa từng có tiền lệ khi nhiệt độ lên ở mức 39,9 độ C. Vào cùng ngày, Hà Lan cũng phá kỷ lục tồn tại 75 năm, nhưng sau đó, ngày 25/7, nhiệt độ tiếp tục tăng lên 40 độ C và đây là kỷ lục mới được thiết lập.

Sau lũ nhỏ, ĐBSCL đối diện hạn mặn lịch sử?

Trong 30 năm qua, châu thổ miền Tây nằm ở hạ lưu sông Mê Công đã trải qua nhiều “cung bậc” của mùa lũ. Những năm 90 của thế kỷ trước, cư dân ở châu thổ phải đối phó với lũ dữ. Có những mùa lũ lớn, nước ngập mái nhà, người dân phải rời bỏ làng quê chạy lũ. Chính phủ phải tìm cách giúp người dân “sống chung với lũ”, đầu tư các chương trình: tôn cao nền nhà, xây dựng nhà trên cọc để vượt lũ. Rồi đến các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và hệ thống kinh thoát lũ, đê bao… đã giúp người dân an cư. Đây cũng là thời điểm mà các phương tiện truyền thông hay dùng cụm từ “lũ đẹp” để nói về việc người dân chung sống với lũ, tìm được sinh kế ổn định trong mùa lũ.

Theo quy luật, từ tháng 5 trở đi, mực nước ở khu vực trung và hạ lưu sông Mê Công bắt đầu gia tăng và đạt đỉnh lũ đầu vụ vào khoảng giữa tháng 8, sau đó lũ xuống chậm (do trên toàn lưu vực sông Mê Công xuất hiện một thời kỳ ít mưa). Tuy nhiên, quy luật nước lũ này đã hoàn toàn thay đổi với sự xuất hiện của các đập thủy điện trên dòng Mê Công. Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện các lũ vừa và nhỏ (chiếm đến khoảng 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng. Số liệu thống kê từ Bộ NN-PTNT cho thấy, từ năm 2000 đến nay có 4 năm lũ lớn, trong đó có 3 năm lũ lớn liên tiếp là các năm 2000, năm 2001, năm 2002 và năm 2011, còn lại là lũ vừa và lũ nhỏ.

Người dân ở Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau mong lũ lớn về hơn cả những người ở đầu nguồn. Bởi năm nào có lũ lớn, năm đó hạn mặn sẽ ít và ngược lại. Như năm 2015 là năm lũ quá nhỏ (tại Tân Châu: 2,55m, Châu Đốc: 2,35m; thấp hơn trung bình hàng năm lần lượt là 1,45m và 1,22m). Hệ lụy là ĐBSCL phải gánh chịu trận hạn mặn lịch sử năm 2016, làm hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu, thủy sản bị thiệt hại, hàng triệu người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt; gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Theo Bộ NN-PTNT, giai đoạn trước năm 2012, ranh mặn 4‰ chỉ vào từ 35 - 45km, năm sâu nhất đến 60km. Từ năm 2012 đến nay do chỉ xuất hiện lũ nhỏ, xâm nhập mặn với ranh mặn 4‰ thường xuyên vào sâu hơn, ở mức 50 - 60km. Điển hình là đợt xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016, chiều sâu xâm nhập mặn cao nhất lên tới 90km tại ĐBSCL. Việc này dẫn đến hàng loạt cửa lấy nước được xây dựng trước đây ở khoảng cách cách cửa sông 35-50km không thể lấy nước ngọt (trước đây có thể chủ động lấy nước ngọt); ngoài ra, các cửa cống này thường có cửa van tự động đóng mở theo chênh lệnh mực nước thượng/hạ lưu, nên đã gây tác động không nhỏ đến việc chủ động vận hành.

Sôi nổi hoạt động Trung thu hành động vì môi trường

Nhằm lan tỏa đến các em thiếu nhi ý thức hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ với môi trường, lễ hội Trung thu với chủ đề "Trung thu hành động vì môi trường" đã được tổ chức.

Trung thu không chỉ là dịp vui chơi mà còn là để học những bài học ý nghĩa về sống xanh.

Một đôi thiên nga làm từ cuốn sổ bỏ đi, bộ trang phục 7 sắc cầu vồng làm từ túi nylon đã qua sử dụng, hay bộ váy lộng lẫy từ một bộ lịch... những trang phục đầy sáng tạo này lấy cảm hứng từ tái chế được chính các bạn thiếu nhi thiết kế, đã làm điểm nhấn mở màn của ngày hội Trung thu vì môi trường.

Những chiếc hộp bút bằng giấy bìa, những bức tranh bằng giấy in, hay bộ sưu tập xe đạp ơi làm từ khuy áo thừa trong sản xuất, tất cả những món quà Trung thu này đều do chính bàn tay khéo léo của cha mẹ các em - công nhân trong các xưởng may - làm nên, thay vì mọi năm họ sẽ đi mua đủ các loại đồ chơi nhựa để tặng các cháu.

Khi ra về, mỗi em lại được tặng một cái cây xanh, gói cẩn thận trong túi giấy với niềm hy vọng, mỗi bạn nhỏ như một mầm cây, được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ, các em sẽ lớn lên và trở thành những công dân xanh trong tương lai.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.