Thứ sáu, 29/03/2024 12:30 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/8/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 09/08/2019 10:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/8/2019.

Nước tại Ngàn Trươi chuyển màu bất thường một phần do hàm lượng sắt cao

Chiều 8/8, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp nghe báo cáo nguyên nhân gây ra hiện tượng chuyển màu nguồn nước tại hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh (cuộc họp kéo dài đến tối cùng ngày).

Tham dự cuộc họp có đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT), Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, các nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan chức năng liên quan.

Tại cuộc họp, theo nhận định bước đầu của các cơ quan chức năng liên quan, nước ở khu vực đập dâng Vũ Quang chuyển màu, nguyên nhân có phần là do trong nước tồn tại hàm lượng sắt khá cao từ hồ Ngàn Trươi và khe Trươi chảy xuống, lắng đọng trước đập dâng Vũ Quang, khi xả nước hồ Ngàn Trươi về sẽ cuộn lên lớp lắng đọng gây màu…

Ngoài ra, nguyên nhân nước ở đập dâng có màu, mùi hôi tanh, một phần do khu vực lòng hồ Ngàn Trươi có nhiều xác thực vật đang bị phân hủy yếm khí nên nước ở tầng đáy có chứa nhiều hợp chất hữu cơ. Các hợp chất hữu cơ trong nước tầng đáy lòng hồ Ngàn Trươi chủ yếu là các hợp chất hữu cơ bền, khó phân hủy bằng sinh học và hóa học...

Trong khu vực sử dụng nguồn nước của hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, cây trồng đang sinh trưởng phát triển bình thường, không thấy hiện tượng cá chết.

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng đây mới chỉ là những kết quả bước đầu nên đề nghị các nhà khoa học, cơ quan chức năng liên quan, chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu, lấy mẫu phân tích để xác định nguyên nhân chính thức khiến nước tại công trình hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang chuyển màu, bốc mùi, từ đó đưa ra các kết luận chính xác, khách quan, khoa học và đưa ra các giải pháp đồng bộ để xử lý hiệu quả.

TP.Cà Mau báo cáo tình trạng ô nhiễm nguồn nước quanh nhà máy rác

Tin tức trên báo Thanh niên cho biết, tối 8/8, ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP.Cà Mau (Cà Mau) đã ký báo cáo về tình hình ô nhiễm nguồn nước khu vực bãi rác tạm tiếp giáp với Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.

Theo báo cáo, ngày 2/8 vừa qua, UBND TP.Cà Mau phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị Cà Mau có buổi khảo sát thực tế tại khu vực xung quanh Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.

Kết quả buổi khảo sát nhận thấy nguồn nước trong khu vực bãi rác tạm có dấu hiệu ô nhiễm, nguyên nhân là do rác chôn lấp từ bãi rác tạm và 1 phần nguồn nước từ Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau chảy ra.

Báo cáo cũng nêu, trong thời gian Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau tạm ngưng hoạt động để bảo trì (tháng 7.2018), Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị Cà Mau đã sử dụng khu đất xung quanh nhà máy để làm bãi rác tạm. Hiện khối lượng rác này gần 30.000 tấn.

Từ những cơ sở nêu trên, theo UBND TP.Cà Mau, việc đắp bờ bao xung quanh khu vực chứa rác thải chỉ giải quyết được trong những tháng mùa khô, vào mùa mưa đặc biệt là tháng 9, tháng 10 có lượng mưa lớn sẽ gây tràn bờ, nguồn nước ô nhiễm sẽ chảy tràn ra các khu vực xung quanh.

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước xung quanh nhà máy rác, UBND TP.Cà Mau đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các ngành chức năng, Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị Cà Mau có giải pháp cô lập khu vực tập kết rác tồn đọng, đồng thời yêu cầu Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau xử lý nước thải trong khu vực nhà máy và có kế hoạch xử lý dứt điểm khối lượng rác thải tại khu vực bãi chứa rác tạm xung quanh nhà máy.

Hơn 500 container phế liệu đã chuyển ra khỏi Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6.2019, có 503 container khai báo trên manifest là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu được hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ VN.

Tính đến ngày 28.6, phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển là 12.272 container, trong đó, tồn trên 90 ngày 7.450 container, từ 30 - 90 ngày 14 container và 4.808 container dưới 30 ngày.

Tổng cục Hải quan đang tiếp tục chỉ đạo hải quan các địa phương kiên quyết buộc các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ VN đối với hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.

Hiện đơn vị này đã trình Bộ Tài chính phê duyệt nội dung dự thảo quyết định của Thủ tướng về Quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu giữa Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố có cảng biển, cửa khẩu, biên giới đất liền.

Thủ đô của Indonesia hạn chế ô tô tư nhân để giảm ô nhiễm

Jakarta, thủ đô của Indonesia đã công bố những quy định mới đối với ô tô tư nhân vào hôm 7/8 với mục đích kiềm chế ô nhiễm không khí ở thủ đô này, nhưng các chuyên gia cho rằng các biện pháp này khó có thể giải quyết vấn đề.

Thành phố Jakarta có hơn 10 triệu cư dân, nhưng khoảng 3 lần số đó sống ở các thị trấn xung quanh, khí thải phát ra từ các phương tiện, nhà máy và trạm phát điện.

Theo dữ liệu từ Air Visual, một tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ chuyên theo dõi chất lượng không khí, vào mùa khô như hiện tại, Jakarta liên tục đứng trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Vào năm 2016, chính quyền thành phố Jakarta đã ra quy định đối với các xe ô tô tư nhân và quản lý theo hình thức biển số "chẵn - lẻ", nhằm giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường chính. Nỗ lực đó đã được mở rộng vào năm ngoái, trước Thế vận hội châu Á. Cho đến ngày 7/8, chính sách này được áp dụng rộng hơn, dành cho cả các con đường nhỏ hơn.

Động thái trên được đưa ra sau chỉ thị tuần trước của Thống đốc Jakarta - Anies Baswedan về thu phí tắc đường đối với ô tô từ năm 2020, đặt ra giới hạn 10 năm cho các phương tiện lưu thông trên đường từ năm 2025, và thắt chặt kiểm tra lượng khí thải cũng như kiềm chế phát thải công nghiệp.

“Tất cả các bước thực hiện sẽ cải thiện chất lượng không khí, nhưng tác động tổng thể sẽ không lớn vì chúng không giải quyết được vấn đề chính”, Quản lý cấp cao phụ trách năng lượng và khí hậu tại Viện Tài nguyên Thế giới Indonesia, ông Almo Pradana cho biết.

“Jakarta không có đủ thiết bị giám sát để xác định nguyên nhân của sự gia tăng ô nhiễm. Nếu chúng ta xem xét các vấn đề về chất lượng không khí, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân làm cho chất lượng không khí tồi tệ hơn, bao nhiêu phần trăm đến từ giao thông vận tải, và bao nhiêu phần trăm đến từ các nhà máy điện và nhà máy than”, ông Pradana nhấn mạnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới