Thứ năm, 25/04/2024 13:35 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/9/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 08/09/2019 09:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/9/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/9/2019.

Hơn 2.000 thanh niên Hà Tĩnh giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngay sau đợt mưa lũ tại Hà Tĩnh, với phương châm "Nước rút đến đâu, dọn sạch đến đó", Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức 52 đội hình với gần 1.500 thanh niên tình nguyện tại chỗ và hơn 600 thanh niên tình nguyện chi viện, tập trung hỗ trợ các địa bàn bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông cho biết: Các đội hình tình nguyện đã tập trung ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy, kênh mương, đường giao thông, dọn dẹp, sửa chữa, dựng lại cơ sở vật chất trong đó ưu tiên hàng đầu là tại các trường học để các em học sinh sớm bắt đầu năm học mới.

Mưa lớn kéo dài, nước dâng cao đã khiến diện tích lớn lúa hè thu, hoa màu, cây ăn quả tại các địa phương chìm trong biển nước. Các đội tình nguyện tại các huyện cũng đã chủ động thu hoạch gần 20 sào lúa, hoa màu giúp người dân.

Lực lượng Đoàn viên Thanh niên chung tay vệ sinh môi trường sau lũ tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Đặc biệt, tại huyện Hương Khê, mưa lũ đã làm ngập hàng trăm ha bưởi Phúc Trạch đến kỳ thu hoạch của người dân. Trong hai ngày 6/9 và 7/9, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức thu gom và tiêu thụ hơn 20.000 quả bưởi Phúc Trạch, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất. Chiến dịch "Giải cứu bưởi giúp nhân dân vùng lũ" của tuổi trẻ Hà Tĩnh đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Ngay sau đó, Đoàn trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức các đoàn thanh niên tình nguyện trực tiếp về các hộ dân bị ngập lụt thu mua bưởi đi bán cho bà con. Trong ngày đầu tiên, Đoàn trường mở điểm bán được hơn 3.000 quả bưởi. Nhiều đơn vị khác như Công an, Hội phụ nữ, Hội nông dân đã trực tiếp tổ chức các đoàn về tận vùng lũ thu mua bưởi và bán giúp người dân.

Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông chia sẻ: Trong những ngày tới, các đội hình tình nguyện toàn tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức làm vệ sinh, khơi thông đường giao thông, sửa chữa, dựng lại cơ sở vật chất trên địa bàn; giúp đỡ người dân thu hoạch lúa, lạc, “giải cứu” bưởi giúp đỡ bà con nhân dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.

Tiền Giang: Sạt lở bờ biển, bờ sông có xu hướng gia tăng

Trong thời gian gần đây, tình hình sạt lở bờ biển, sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên cả quy mô và mức độ, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân sinh.

Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Tiền Giang cho biết: Tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra nhanh chóng, nhiều về số điểm sạt và nghiêm trọng về mức độ. Trước tình hình trên, các ngành, các cấp tỉnh Tiền Giang đã có nhiều phương án xử lý khẩn cấp để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Bờ biển Gò Công bị xâm thực, mất gần hết đai rừng phòng hộ

Cụ thể, tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 87 điểm sạt lở, chiều dài 4.489m. Trong đó, huyện Cái Bè nhiều nhất 42 điểm, chiều dài 2.550m; huyện Cai Lậy 31 điểm, chiều dài 1.224m; thị xã Cai Lậy 08 điểm, chiều dài 435m; huyện Châu Thành 06 điểm, chiều dài 280m.

Riêng đối với bờ biển có chiều dài 32km của Tiền Giang, trong đó có 21km thuộc huyện Gò Công Đông và 11km thuộc huyện Tân Phú Đông. Trước kia, bên ngoài bờ biển của tỉnh đã từng có một đai rừng phòng hộ khá dày từ 100m - 800m. Tuy nhiên, gần đây, rừng phòng hộ ven biển đã bị suy thoái dần và có nơi bị mất trắng.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, các cấp, các ngành của tỉnh Tiền Giang đã có nhiều phương án xử lý cấp bách kể cả giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, ưu tiên thực hiện các giải pháp di dời nhà ở, di dời công trình để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cũng theo ông Pháp, việc bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển Gò Công đồng nghĩa với việc bảo vệ, ổn định sản xuất cho khoảng 35.000ha đất nông nghiệp và 600.000 người dân khu vực dự án ngọt hóa Gò Công; tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung quản lý tốt rừng ngập mặn hiện có, đồng thời quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở trên toàn tuyến đê biển để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Trước mắt, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đầu tư gia cố bảo vệ mái đê biển tại những vị trí sạt lở không còn rừng phòng hộ. Về lâu dài, sẽ đầu tư giải pháp công trình giảm sóng, gây bồi nhằm khôi phục lại rừng phòng hộ bảo vệ vững chắc tuyến đê biển của tỉnh. Riêng giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang sẽ hoàn thiện công tác trồng rừng, thực hiện các hạng mục còn lại của dự án…

Tuổi Trẻ Bình Định ra quân Chiến dịch làm sạch biển 'Tử tế với Đại dương'

Ngày 7/9, tại tỉnh Bình Định, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Định phối hợp với Tập đoàn TMS tổ chức Chương trình Hãy làm sạch biển với chủ đề “Tử tế với Đại dương”.

Tại biểu lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Bình Định Lương Đình Tiên nhấn mạnh: Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu, hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường và sức khỏe người dân. Biển và Đại dương đang gánh chịu thảm họa của “Ô nhiễm trắng” bởi rác thải nhựa gây ra. Mỗi năm, thế giới thải ra đại dương 13 triệu tấn rác thải nhựa, làm hơn 1,5 triệu động vật sinh sống ở đại dương chết vì ngộ độc; rác thải nhựa đang đe dọa, hủy hoại sinh vật biển, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm, đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững mỗi quốc gia. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra đại dương lớn nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra mỗi năm làm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nguy cấp.

Thu gom rác thải nhựa trên vùng biển xóm Nhà Rầm, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

“Bảo vệ đại dương, giải quyết ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, lâu dài có sự chung tay của cả cộng đồng và toàn xã hội. Trong đó, thanh niên là lực lượng xung kích, đi đầu. Ngay từ bây giờ, mỗi đoàn viên thanh niên cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa hàng ngày; tích cực thực hiện chiến dịch Hãy làm sạch biển, góp phần bảo vệ môi trường biển và môi trường tự nhiên trong lành, an toàn, bền vững. Mỗi đoàn viên thanh niên phải ý thức được "Tử tế với Đại dương" - là tử tế với cuộc sống của chính mình. Hãy phân loại rác tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon hàng ngày; chung tay hành động vì một môi trường không rác thải nhựa”.

Sau buổi lễ, hơn 1.200 đoàn viên thanh niên đã tham gia các hoạt động: Diễu hành xe đạp tuyên truyền ứng xử thân thiện với môi trường; ra quân "Hãy làm sạch biển, thu gom rác thải nhựa tại cảng cá Quy Nhơn và bãi biển đường Xuân Diệu"; tổ chức Ngày hội “Tái chế rác thải nhựa”, đổi rác thải nhựa lấy quà tặng thân thiện với môi trường...

Bão Dorian mạnh lên khi đổ bộ vào Canada, 380.000 dân bị mất điện

Cơn bão Dorian sau khi quét qua Đại Tây Dương đã mạnh lên và đổ bộ vào khu vực Atlantic Canada (bao gồm bốn tỉnh bang Newfoundland và Labrador, Prince Edward Island, Nova Scotia và New Brunswick), khiến hàng trăm nghìn người dân phải chịu cảnh mất điện, làm cây cối bị gẫy đổ và gây nên những đợt sóng lớn.

Theo Trung tâm Bão Quốc gia Canada, bão Dorian đã mạnh lên cấp 2 khi vào Canada, với sức gió lên tới 160km/h. Cơ quan Môi trường Canada cảnh báo nguy cơ lũ lụt dọc khu vực bờ biển Đại Tây Dương của nước này. Chính quyền thành phố Halifax kêu gọi người dân sống tại một số khu vực ven biển phải rời nơi cư trú.

Quang cảnh bão Dorian đổ bộ vào Canada. (Nguồn: The Canadian Pres)

Đến chiều tối 7/9 (giờ địa phương), hơn 380.000 người dân sống phải sống trong cảnh bị mất điện. Toàn bộ tỉnh bang Nova Scotia dự báo sẽ có mưa trong ngày 7/9, với lượng mưa từ 60-200 mm tùy từng khu vực.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Ottawa sẵn sàng hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão này.

Chuyên gia khí tượng Tina Simpkin cảnh báo Dorian là cơn bão lớn. Khi hướng vào Atlantic Canada sáng 7/9, bão Dorian di chuyển với tốc độ 41km/h, tốc độ nhanh nhất kể từ khi cơn bão hình thành.

Khi đổ bộ vào phía Bắc quần đảo Bahamas ngày 1/9 vừa qua, Dorian là siêu bão cấp 5, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 43 người, trong khi vài trăm người được cho là mất tích.

Liên hợp quốc thông báo hơn 70.000 người ở Bahamas cần được viện trợ sau khi cơn bão tàn phá nhà cửa, hoa màu của người dân.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới