Thứ năm, 18/04/2024 13:31 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/10/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 05/10/2019 11:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/10/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/10/2019.

Hoàn tất phun tiêu độc nhà máy Rạng Đông vào cuối tuần

Như vậy, sau hơn 20 ngày tích cực tháo dỡ, vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu, phế thải từ vụ cháy Công ty Rạng Đông, công tác thu dọn mặt bằng vụ cháy đã được Urenco 10 hoàn tất.

Đối với toàn bộ khối lượng vật liệu, phế thải của vụ cháy (bóng đèn, tro xỉ...) đều đang được tập kết tại kho chứa của nhà máy xử lý rác thải công nghiệp do Urenco 10 quản lý.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Urenco 10 cho biết, số phế thải được đơn vị chuyên chở trong các xe thùng lớn chuyên dùng; khi ra khỏi hiện trường vụ cháy đều có sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng quân đội, thực hiện phun hóa chất chuyên dụng theo quy định.

Sắp tới, Urenco sẽ phối hợp với Sở TNMT Hà Nội mời Hội đồng khoa học để đánh giá và đưa ra phương án xử lý.

Ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vứt xác lợn ra môi trường

Tại tỉnh Kiên Giang, tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu giảm với nhiều diễn biến phức tạp. Tại một số địa phương trên địa bàn, hộ chăn nuôi thiếu ý thức vứt xác lợn bệnh, nghi bệnh hoặc chết ra môi trường gây ô nhiễm, lây lan mầm bệnh; nhất là tại các khu vực ven biển, giáp ranh giữa các tỉnh.

Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành trong khu vực, gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu chỉ đạo, xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn từ thượng nguồn sông, kênh, rạch, thông thương giữa các tỉnh hoặc khu vực ven biển, giáp ranh.

Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát, phối hợp kịp thời, đảm bảo yêu cầu, quy trình chuyên môn để xử lý, tiêu hủy xác lợn trôi trên sông, kênh, rạch. Đồng thời, tái kiểm tra hố chôn lợn trong thời gian qua, phối hợp chính quyền địa phương, ngành tài nguyên và môi trường xử lý hố chôn hủy không đảm bảo, không để phát tán mầm bệnh và ô nhiễm môi trường.

Các huyện, thành phố giao công an của địa phương chủ trì, phối hợp cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã, người dân theo dõi, điều tra bắt và xử lý nghiêm theo quy định trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi mắc bệnh và động vật khác ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.

Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền tác hại bệnh dịch tả lợn Châu phi, chính sách hỗ trợ thiệt hại khi có lợn bị tiêu hủy đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. Vận động hộ chăn nuôi khai báo cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương khi có vật nuôi bệnh, chết, không bán chạy hoặc vứt xác vật nuôi bị chết ra môi trường.

Các lực lượng được huy động để kịp thời thu gom xác lợn vứt ra môi trường, tiêu hủy đúng quy định, không đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa bàn giáp ranh; vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, dụng cụ, phương tiện vận chuyển xác lợn được tăng cường, hạn chế thấp nhất việc rơi vãi chất thải, nước trên đường vận chuyển đi tiêu hủy.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tình trạng vứt xác lợn xuống biển, sông, rạch thời gian gần đây tại một số địa phương không những gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, phát tán, lây lan mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, chính quyền địa phương tốn kém chi phí để trục vớt, chôn lấp, tiêu hủy.

Triều cường ĐBSCL đã xuống dưới mức báo động 3

Sáng nay 5/10, triều cường đã tạm lắng xuống sau đúng 1 tuần gây ngập lênh láng nội ô thành phố Cần Thơ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước sông Cửu Long đang xuống theo triều. Mực nước cao nhất ngày 5-10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,72m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,65m, giảm 15-20cm so với 2 ngày trước đó.

Mực nước sông Cửu Long tiếp tục xuống theo triều. Đến ngày 8-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 2,45m; tại Châu Đốc xuống mức 2,35m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long và sông Sài Gòn xuống dưới mức báo động 1.

Song, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ĐBSCL còn đối diện nhiều đợt triều cường khốc liệt từ nay đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Cụ thể, Nam bộ sẽ xuất hiện hàng loạt đợt triều cường, vào khoảng ngày 15, 18, 26 và 31-10; ngày 13,25 và 30-11; ngày 12, 16, 25 và 28-12.

Đầu năm 2020, triều cường sẽ xuất hiện vào ngày 11 và 14-1; ngày 10 và 14-2. Trong đó, hai đợt triều cường cuối tháng 10 và tháng 11-2019 được dự báo sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn đợt triều cường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, nhất là khi có gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh lấn sâu xuống vùng biển phía Nam.

Kế hoạch “xanh” của Ấn Độ

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của lãnh tụ Mahatma Gandhi, Ấn Độ phát động một chiến dịch bảo vệ môi trường, vận động người dân từ bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng tới mục tiêu trong vòng 3 năm trở thành quốc gia không có “nhựa dùng một lần”.

Đây cũng là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Narendra Modi nhằm loại bỏ hoàn toàn nhựa sử dụng một lần vào năm 2022. Theo đó, túi, cốc, đĩa, ống hút, chai nhỏ và một số gói bằng nhựa đã bị cấm trên khắp Ấn Độ từ ngày 2-10. Lệnh cấm bao gồm cấm sản xuất, sử dụng và nhập khẩu các mặt hàng như vậy. Sau thời gian thực hiện 6 tháng đầu, các hình phạt có thể được đưa ra để củng cố lệnh cấm. Loại bỏ các mặt hàng nêu trên theo cách này được dự báo sẽ cắt giảm mức tiêu thụ nhựa của Ấn Độ - hiện là 14 triệu tấn/năm (5%-10%).

Theo báo India Today, hệ thống chuỗi cửa hàng bán sữa Mother Dairy nổi tiếng của Ấn Độ đã dựng hình nộm vua quỷ Ravana nhân lễ hội “đốt quỷ” theo truyền thống vào tháng 11. Hình nộm này cao khoảng 8m, bằng nhựa thải thu gom được từ các hộ gia đình ở New Delhi và các thành phố lân cận Gurgaon, Noida, Faridabad and Ghaziabad. Tuy nhiên, lần này hình nộm vua quỷ không bị đốt mà được tháo dỡ và gửi đi tái chế. Mother Dairy cho biết họ đạt được mục tiêu thu thập nhựa từ khoảng 4.000 hộ gia đình trong khu vực trước thời gian.

Trong chuỗi sự kiện này, cảnh sát New Delhi có thêm nhiệm vụ là thấy ai mang túi nhựa đi chợ sẽ thay thế bằng túi đay miễn phí. Cũng trong nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc xử lý nhựa đúng cách, tại thành phố Noida, một bánh xe pháp luân (charkha) làm từ 1.650kg chất thải nhựa cũng đã được khánh thành vào đêm kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ngài Mahatma Gandhi. Chính quyền thành phố thực hiện chiến dịch này từ ngày 11-9 đến ngày 27-10 để đảm bảo thu gom rác thải nhựa tự nguyện từ các công dân và tổ chức. Theo chính quyền, người dân cũng đang được học để biết về việc tách nhựa có thể tái chế ra khỏi chất thải khác.

Hy vọng rằng chiến lược đầy tham vọng này sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề của Ấn Độ với tình trạng ô nhiễm mà theo Climate Action, Ấn Độ có nhiều thành phố bẩn nhất thế giới, như Delhi, Mumbai… và quốc gia này hiện không có hệ thống quản lý chất thải nhựa có tổ chức. Thống kê cho thấy mỗi ngày Ấn Độ thải ra môi trường trung bình khoảng 15 triệu kg rác thải nhựa, trong đó khoảng 60% được thu gom và tái chế.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.