Thứ năm, 25/04/2024 14:57 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/10/2019

MTĐT -  Thứ năm, 31/10/2019 14:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/10/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/10/2019.

Hà Nội: Hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 231/KH-UBND về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố. Theo kế hoạch, đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa trên địa bàn.   

Cụ thể, mục tiêu Hà Nội đặt ra là 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019. Bên cạnh đó, thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và hoạt động sả xuất kinh doanh dịch vụ từ năm 2020. Tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa từ hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa trên địa bàn Thành phố. Đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.

Để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, Thành phố yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml - 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (> 20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy... và các vật liệu khác thân thiện với môi trường. Đặc biệt không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.

Để đạt mục tiêu này, Thành phố đã giao các đơn vị liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi ni lông và chất thải nhựa và một số biện pháp chủ động áp dụng để hạn chế sử dụng túi ni lông; hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt của người dân. Khuyến khích, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và giảm thiểu sử dụng đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử…

Ống hút, thìa, cốc, bát, đĩa nhựa dùng một lần; hộp xốp; nước đóng chai nhựa; những chiếc túi ni lông làm từ nhựa... là những vật dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày bởi tính tiện lợi và giá thành rẻ. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới và được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.

Đà Nẵng: Giảm 50% lượng rác và mỡ thải ra biển gây ô nhiễm

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng, đến nay lượng rác, mỡ  theo nước mưa tràn ra biển tại TP đã giảm khoảng 50%. 

Ngày 30/10, tại Chương trình HĐND với cử tri lần thứ 6, nhiều cử tri của TP Đà Nẵng bày tỏ bức xúc, lo ngại về rác thải và nước thải gây ô nhiễm.

Trong số 9 ý kiến cử tri phản ánh vào đầu giờ sáng cùng ngày thì có đến 6 ý kiến liên quan đến rác thải, nước thải. Đáng lo ngại nhất là ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn chưa được khắc phục triệt để và tình trạng nước thải tràn ra các cửa cống dọc hàng chục km bờ biển phía Đông thuộc 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn của TP.

Trả lời cử tri, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng nhìn nhận, Đà Nẵng hiện đang tồn tại các cửa cống xả ra biển. Quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn hiện có trên 800 địa chỉ sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống nên mỗi khi mưa lớn, hàng tấn rác và mỡ thải (từ hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, cơ sở lưu trú) theo nước mưa ra biển, gây ô nhiễm. Bằng các giải pháp tạm thời, đến nay, lượng rác, mỡ  theo nước mưa tràn ra biển đã giảm khoảng 50%.

Liên quan đến ô nhiễm môi trường biển từ các cửa cống xả, bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đã có 25 địa chỉ kinh doanh ăn uống dọc bờ biển trên địa bàn quận này được tháo dỡ. Quận cũng đã chỉ đạo kiểm tra 117 cơ sở kinh doanh lưu trú, xử phạt gần 100 triệu đồng đối với 8 cơ sở vi phạm môi trường.

Bão số 5 gây mưa lớn, nhiều nơi bị mất điện

Bão Matmo sau khi đi vào đất liền rạng sáng nay đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa 150-300 mm/ngày tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.

Khi đổ bộ vào Nam Trung Bộ, bão giật từ cấp 7 đến cấp 11 khiến nhiều cây xanh bật gốc. Theo dự báo, mưa lớn và gió giật mạnh tại đây còn tiếp diễn đến hết hôm nay (31/10).

Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An (Phú Yên), mưa lớn kéo dài gây ngập khu vực cầu Cây Cam từ 1 đến 2m. Ba xã An Nghiệp, An Xuân và An Định đã bị chia cắt. Lực lượng của địa phương đang chốt chặn không cho người dân qua lại khu vực này.

Mưa lớn do bão Matmo khiên Trạm Y tế và nhiều nhà dân ở vùng trũng xã An Định, huyện Tuy An bị ngập sâu trong nước.

Đến sáng nay, nhiều nơi ở Phú Yên vẫn chưa khắc phục được sự cố mất điện do bão gây ra.

Còn ở Bình Định và Quảng Ngãi, bão số 5 quật ngã nhiều cây xanh ở TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức và TP Quảng Ngãi.

Chất lượng không khí ở thủ đô Ấn Độ xuống cấp do đốt rơm rạ và pháo

Không khí tại thủ đô Ấn Độ tiếp tục ô nhiễm trầm trọng do khói dày đặc và thời tiết không có gió đã gây ra lại lớp khói mù khiến không khí trở nên ngột ngạt và ô nhiễm.

Việc nông dân đốt rơm rạ tại các bang Haryana và Punjap gần thủ đô tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đến chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi và các khu vực lân cận.

Sáng 30/10, bầu trời Delhi tiếp tục xám xịt với chất lượng không khí nằm trong khoảng từ "rất xấu" và "nguy hiểm" và chỉ số chất lượng không khí chung (AQI) trên 400, được xem là "nguy hiểm."

Ô nhiễm gây ra bởi đốt pháo trong dịp lễ Deepawali ngày 27/10 đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Tình hình có thể không khả quan trong vài ngày tới do thời tiết không có thay đổi.

Theo cơ quan theo dõi chất lượng không khí, Hệ thống nghiên cứu và dự báo thời tiết và chất lượng không khí (SAFAR) thuộc Bộ Khoa học trái đất, mức bụi mịn PM 2.5, là các hạt vật chất nhỏ hơn 2,5 micron, có thể thâm nhập sâu vào phổi, ở khu vực đại học Delhi ở phía Bắc Delhi, cao gấp 12 lần mức "tốt" là 0-60.

Vào 8 giờ sáng giờ địa phương, AQI chung của Delhi là 422, tồi tệ hơn mức 414 của ngày 29/10.

Chất lương không khí tại thành phố Noida gần thủ đô, thuộc bang Uttar Pradesh ở miền Bắc không tốt hơn với AQI đứng ở mức 270 vào sáng 30/10.

AQI từ 0-50 được xem là "tốt," từ 51-100 là "tạm được," từ 101-200 là "trung bình," từ 201-300 là "xấu," từ 301-400 là "rất xấu" và từ 401-500 là "nguy hiểm." Trên 500 là mức "khẩn cấp trên nguy hiểm."

AQI càng cao thì mức ô nhiễm không khí càng cao và quan ngại về sức khỏe càng lớn.

Trong suốt ngày 29/10, ánh sáng Mặt Trời vẫn mù mờ do bụi mù bao phủ không khí Delhi và các khu vực lân cận, với chất lượng không khí tụt xuống mức "nguy hiểm."

Trong số 37 trạm theo dõi chất lượng không khí của thủ đô, 26 trạm ghi nhận AQI ở mức "nguy hiểm" trong ngày 29/10.

Nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg từ chối nhận giải thưởng lớn

Mới đây, ngày 29/10, nhà hoạt động khí hậu 16 tuổi Greta Thunberg được Hội đồng Bắc Âu vinh danh cho những nỗ lực của cô về môi trường tại một buổi lễ tại thủ đô Stockholm, Thuỵ Điển. Thunberg được đề cử cho một giải thưởng môi trường với số tiền thưởng trị giá 52.000 USD. Nhưng sau khi được công bố, thông qua một người đại diện, cô cho biết cô sẽ không nhận số tiền thưởng 350.000 krone Đan Mạch (khoảng 52.000 USD).

Greta thông báo trên Instagram chính thức rằng: "Tôi đã nhận được giải thưởng môi trường của Hội đồng Bắc Âu 2019. Tôi đã quyết định từ chối giải thưởng này. Lý do là vì tôi đang ở California, Mỹ và không thể có mặt để nhận giải. Tôi muốn gửi cảm ơn tới Hội đồng Bắc Âu về giải thưởng này và đây là một vinh dự to lớn. Nhưng phong trào biến đổi khí hậu không cần thêm giải thưởng. Cái mà chúng ta cần bây giờ là các chính trị gia và những người có quyền lực chịu lắng nghe hiện thực và những thứ mà khoa học đã công bố".

Trong khi cảm ơn Hội đồng Bắc Âu về vinh dự to lớn này, cô cũng khẳng khái chỉ trích các nước Bắc Âu đã hành động chưa đủ mạnh mẽ và phù hợp với vị thế của họ trong các vấn đề về khí hậu.".

Greta Thunberg trở thành biểu tượng hoạt động chống biến đổi khí hậu của giới trẻ toàn cầu sau sự kiện biểu tình đều đặn mỗi thứ 6 hàng tuần từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2019. Hành động này đã thành phong trào của hơn 2 triệu học sinh và cả những người trưởng thành tại 135 quốc gia trên khắp thế giới cùng đòi hỏi hành động chống biến đổi khí hậu.

Trong chưa đầy 1 năm, Greta Thunberg đã tới phát biểu ở Nghị viện châu Âu, Quốc hội Anh, Quốc hội Mỹ, gặp Giáo hoàng Francis, cựu Tổng thống Mỹ Obama… và kiên trì với khẩu hiệu kêu gọi những người lớn hãy thức tỉnh và lắng nghe những thông tin khoa học.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.