Thứ sáu, 29/03/2024 13:40 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/9/2019

MTĐT -  Thứ hai, 02/09/2019 09:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/9/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/9/2019.

Tích cực hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH), cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường... là những vấn đề lớn mang tính toàn cầu và cũng là thách thức đối với nhân loại trong giai đoạn hiện nay. Do đó, chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là hành động cấp thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thanh Hóa là tỉnh nằm ở vùng Bắc Trung bộ, hằng năm thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ làm thiệt hại về người và tài sản, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và đời sống. Theo thống kê của ngành chức năng, trong 5 năm qua, thiệt hại do bão lũ gây ra trên địa bàn toàn tỉnh ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, thiên tai còn gây khó khăn về điều kiện ăn ở, vệ sinh môi trường, nguy cơ dịch bệnh cho nhân dân vùng bị ngập lụt... Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 15 trận thiên tai, phá hủy nhiều công trình của Nhà nước và làm thiệt hại nghiêm trọng tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhân dân (38 người chết và mất tích, 11 người bị thương, 362 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 59 điểm trường bị ảnh hưởng, hơn 30 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại...), ước thiệt hại khoảng trên 2.800 tỷ đồng.

Ra quân làm vệ sinh môi trường khu vực bãi biển phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn).

Từ ngày 30/7 đến ngày 4/8 mới đây, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra giông lốc kèm theo mưa lớn, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc... Đặc biệt, tại huyện Quan Sơn, Mường Lát, lũ đã làm 16 người chết và mất tích, 5 người bị thương; gần 1.300 ngôi nhà bị ngập trong nước, 402 ngôi nhà bị đổ sập, bị cuốn trôi và hư hỏng nặng; cơ sở vật chất nhiều trường học bị thiệt hại nặng nề. Ước thiệt hại khoảng gần 300 tỷ đồng.

Do tác động của BĐKH, diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung ngày càng trở nên phức tạp và khó lường hơn. Theo kịch bản mới nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố năm 2016, đến cuối thế kỷ XXI nếu nước biển dâng 1m, khoảng 16,05% diện tích đồng bằng sông Hồng; 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; 17,84% diện tích TP Hồ Chí Minh; 39,4% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập. Điều này đồng nghĩa với việc thu hẹp diện tích đất ven biển, kéo theo đó là các ảnh hưởng bất lợi đến đời sống người dân và hoạt động phát triển kinh tế ở khu vực ven biển.

Đứng trước những dự báo có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân cũng như nhận thức rõ những tác động của BĐKH đến kinh tế - xã hội tỉnh nhà, từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020. Năm 2013, ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Ngày 25/5/2017, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ban, ngành chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó với BĐKH. Căn cứ nội dung các kế hoạch cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐKH, hoạt động thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện. Nhiều dự án đã được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, như: Dự án “Nâng cao năng lực phòng ngừa thiên tai và ứng phó với BĐKH tại huyện Hoằng Hóa và Quảng Xương” do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ; Dự án “Phục hồi và quản lý rừng phòng hộ” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ; Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ GCF tài trợ tại tỉnh Thanh Hóa...

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, tạo điều kiện phát triển nông, ngư nghiệp, ổn định đời sống nhân dân, tháng 10-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Kè chống sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Nham (Quảng Xương)”. Hiện, dự án đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu triển khai thực hiện. Và, để củng cố, nâng cấp hoàn thiện các tuyến đê biển, đê sông xung yếu; kiểm soát xâm nhập mặn các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thời gian qua, toàn tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa trên 475.000m đê, 170.624m kè, sửa chữa, xây mới 391 cống, trên 14,9 ha cây chắn sóng...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Biển và Hải đảo, Sở TN&MT, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là nguồn kinh phí thực hiện; nhận thức của cộng đồng dân cư đối với BĐKH đã được nâng lên, nhưng chưa sâu và chưa đồng đều; năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu; các công trình, dự án ứng phó với BĐKH còn thiếu đồng bộ, như công trình nâng cấp đê sông, đê biển, trồng rừng phòng hộ. Nhằm từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, trong thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, bổ sung chiến lược, chương trình ứng phó với BĐKH; triển khai xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với kịch bản BĐKH mới nhất được Bộ TN&MT công bố năm 2016. Ngoài ra, để chủ động, tăng cường ứng phó với BĐKH, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được đặc biệt quan tâm thực hiện.

Hơn 100 nhà dân ở Sơn La bị tốc mái, hư hỏng do mưa lũ

Trong đó, có 3 hộ ở xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ bị sạt lở, 6 hộ ở xã Quang Minh (Vân Hồ) bị ngập nước. Ngoài ra còn có 1 cột điện hạ thế bị gẫy đổ.

Về giao thông, toàn tỉnh có hơn 650 vị trí ở các tuyến đường bị sạt lở, ách tắc. Tại xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, cầu tràn qua suối Sơ Vin đi Hang Miếng bị ngập sâu 2m, người và phương tiện không qua lại được.

Ngay khi nhận được thông tin về các thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND các huyện Vân Hồ, Phù Yên đã chỉ đạo UBND các xã có thiệt hại tập trung khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ, khẩn trương di dời các hộ bị sạt lở đến nơi an toàn; kiểm tra tình hình, hướng dẫn các hộ bị tốc mái khắc phục, sửa sang lại nhà cửa, đảm bảo sớm ổn định cuộc sống. Riêng với cầu Sơ Vin bị ngập sâu, huyện Vân Hồ đã yêu cầu UBND xã Quang Minh chỉ đạo lực lượng chốt tại điểm cầu tràn qua suối; tổ chức cảnh báo, không cho người dân lưu thông qua khu vực này.

Các trận mưa lớn, gió lốc do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến hàng chục nhà dân ở các huyện Phù Yên, Vân Hồ (tỉnh Sơn La) bị tốc mái.

Dự báo trong những ngày tới, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới qua trục qua Bắc Trung bộ, trên địa bàn tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục có mưa, có nơi mưa to đến rất to, lũ và lũ quét có nguy cơ xảy ra trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất và ngập úng có nguy cơ xảy ra ở nhiều nơi.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; đồng thời, chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra để giảm thiểu thiệt hại.

Tổng thống Brazil điều chỉnh sắc lệnh cấm đốt nương rẫy

Theo sắc lệnh điều chỉnh, các hoạt động đốt nương rẫy để phát quang sẽ chỉ bị cấm tại các bang có phần lãnh thổ nằm trong lòng rừng nhiệt đới Amazon, hay còn gọi là khu vực Amazon Hợp pháp, gồm Acre, Amapa, Amazonas, Mato Grosso, Para, Rondonia, Roraima, Tocantins, và Maranhao. Thời hạn của lệnh cấm vẫn được giữ nguyên, trong vòng 60 ngày.

Lệnh cấm này sẽ không có hiệu lực đối với các hoạt động nông nghiệp bên ngoài khu vực Legal Amazon; các hoạt động đốt nương rẫy phải được sự phê duyệt của cơ quan môi trường địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ không cấp phép đốt nương rẫy nếu xác minh hoạt động này gây nguy hại cho môi trường và cuộc sống của người dân.

Cháy rừng Amazon tại Candeias do Jamari, gần Porto Velho, bang Rondonia, đông bắc Brazil ngày 24/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Chính phủ Brazil đã công bố sắc lệnh cấm hoàn toàn việc đốt nương rẫy, cánh đồng trên cả nước vào mùa khô nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và hệ sinh thái rừng nhiệt đới Amazon của nước này.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng tại nhiều nơi trong rừng rậm, gây ảnh hưởng tới khu vực được coi là “lá phổi xanh của hành tinh”, cung cấp khoảng 20% lượng oxy cho Trái Đất.

Theo Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil, tính từ đầu năm 2019 đến nay, số vụ cháy tại rừng Amazon đã tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng thống Brazil Bolsonaro đã điều binh sĩ tới các khu vực rừng Amazon bị cháy, đồng thời tuyên bố chấp nhận viện trợ quốc tế chống cháy rừng với điều kiện Brasilia sẽ điều phối các nguồn lực trên.

Đắk Lắk khẩn trương dập ổ dịch bạch hầu

Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương dập ổ bệnh bạch hầu tại xã Ea H'Đing, huyện Cư M'gar, không để bệnh lây lan.

Ngành y tế tỉnh cũng đã nhập gấp 10.000 cơ số thuốc để phát cho người dân uống phòng chống dịch. Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo cách ly, hạn chế người dân đi vào vùng có dịch.

Đối với 11 người được đưa tới Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, có 3 ca dương tính với bệnh bạch hầu.

Trước đó, đã có 1 ca bệnh tại xã Ea H'Đing, huyện Cư M'gar, tử vong nghi do bệnh bạch hầu.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới