Thứ sáu, 29/03/2024 19:51 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/9/2019

MTĐT -  Thứ hai, 23/09/2019 09:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/9/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/9/2019.

Bão Tapah quét dọc Hàn Quốc, Nhật Bản

Theo The Japan Times, cơn bão Tapah hôm qua tiếp tục di chuyển về phía bắc vùng biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi cơ quan khí tượng Nhật cảnh báo mưa lớn, gió mạnh và sạt lở đất tại khu vực phía tây. Nhiều chuyến tàu của Công ty đường sắt Kyushu và hơn 400 chuyến bay hôm qua bị hủy do bão.

Trước đó, bão quét qua đảo Okinawa khiến ít nhất 19 người bị thương và 32.000 ngôi nhà bị mất điện. Tại Hàn Quốc, bão Tapah kèm mưa to và gió giật đến 126 km/giờ ở khu vực đông nam khiến nhiều cây cối bật gốc và 489 chuyến bay tại sân bay quốc tế Jeju bị hủy, theo tờ The Korea Times. Mọi chuyến phà tại Busan, Incheon và đảo Jeju cũng dừng hoạt động. Dự báo bão tiếp tục di chuyển về hướng bắc và có thể đổ bộ lên Hokkaido và các tỉnh phía bắc của Nhật vào ngày 24/9.

Đảm bảo an toàn cây xanh đô thị trong mùa mưa

Nhằm đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai trong mùa mưa, UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận huyện và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị...

Theo đó, khắc phục tình trạng cây gãy đổ mất an toàn; đôn đốc, giám sát các đơn vị quản lý cây xanh đô thị rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, có nguy cơ không an toàn; kiểm soát việc thực hiện quy trình cắt tỉa cây xanh; tổ chức xây dựng phương án ứng phó đảm bảo an toàn cây xanh trong mùa mưa bão.

Thành phố cũng chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Nam TP, Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và UBND các quận huyện yêu cầu đơn vị quản lý cây xanh, chủ đầu tư dự án khu dân cư thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý cây xanh; thực hiện công tác cắt tỉa cây xanh theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt chú ý công tác gia cố nọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để cây không bị nghiêng ngã, đổ khi có gió lớn; tăng cường kiểm tra, rà soát số lượng cây xanh gây nguy hiểm, xử lý kịp thời các cây có nguy cơ gây mất an toàn mùa mưa bão; xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống, ứng phó bão mạnh, siêu bão; bố trí nhân lực, các phương tiện, máy móc đảm bảo hoạt động tốt trong trường hợp cấp thiết ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai; tổ chức ứng trực, xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, cành gãy; thống kê các loại cây xanh phù hợp trồng trong đô thị; báo cáo số lượng, chủng loại cây bóng mát đang quản lý, kế hoạch thực hiện trồng mới, thay thế cây xanh về cơ quan quản lý theo phân cấp; báo cáo các sự cố cây xanh, các thiệt hại về người và tài sản xảy ra.

Nhiễm độc chì vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris

Theo kết quả một cuộc điều tra do các nhóm phóng viên của nhiều hãng thông tấn, cơ quan báo chí hàng đầu thế giới như Reuters, The New York Times và cả các cơ quan báo chí Pháp như Mediapart và Le Canard Enchaîné, thảm họa đã làm khoảng 460 tấn chì bị đốt thành bụi trong một khu vực đông đúc dân cư, với rất nhiều vườn trẻ, trường học, công viên và các địa điểm công cộng khác.

Đến nay 5 tháng sau vụ cháy, các nhà chức trách Pháp dù đã đưa ra nhiều tuyên bố trấn an dư luận, nhưng vẫn từ chối tiết lộ đầy đủ kết quả xét nghiệm ô nhiễm chì, khiến công chúng không khỏi đặt những câu hỏi lớn, đặc biệt là về sức khỏe của hơn 2.000 trẻ em trong bán kính 8km kể từ nhà thờ Đức Bà.

Trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú (vì lượng chì mà họ hấp thụ sẽ được truyền sang em bé) là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với chì. Loại hóa chất này làm suy giảm khả năng nhận thức, trí thông minh của trẻ em và khiến các em có xu hướng bạo lực.

Nhiễm độc chì là vấn đề rất nghiêm trọng, cần xử lý trong vòng 48 giờ sau vụ cháy. Thế nhưng trên thực tế, chính quyền Paris đã không tẩy độc toàn bộ khu vực ngay sau hỏa hoạn, không áp dụng những biện pháp kiểm tra, bảo vệ những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm. Phải đến 1 tháng sau các cuộc kiểm tra phơi nhiễm chì mới được tiến hành tại trường học gần nhà thờ Đức Bà. Thậm chí đến bây giờ, không phải tất cả mọi trường học ở khu vực xung quanh đó đều được kiểm tra.

Trong khi đó, các thử nghiệm tại 18 trung tâm chăm sóc trẻ em, trường mầm non và trường tiểu học gần đó cho thấy mức độ bụi chì đều cao hơn tiêu chuẩn quy định. Tại các địa điểm công cộng khác, như quảng trường và đường phố, nồng độ chì vẫn gấp 60 lần so với tiêu chuẩn an toàn.

Bảo vệ rùa biển trước mối nguy rác thải nhựa

Hiện tại, một chương trình truyền thông để bảo vệ rùa biển trước mối nguy rác thải nhựa đã được Viện Hải dương học tập trung thực hiện.

Có mặt trên Trái Đất từ 250 triệu năm trước, rùa biển được xem là chỉ số đánh giá sức khỏe của môi trường biển.Thế giới có 7 loài rùa biển thì 5 loài phân bố ở biển Việt Nam. Thế nhưng, cả 5 loài rùa biển đang bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí có loài nguy cơ tuyệt chủng.

Cùng với sức ép khai thác rùa biển, bãi đẻ của rùa biển bị thu hẹp thì những vùng biển ngập tràn rác thải nhựa cũng đã làm gia tăng thêm các mối đe dọa đối với rùa biển.

Đức nhất trí gói biện pháp trị giá 54 tỷ euro chống biến đổi khí hậu

Thủ tướng Đức Merkel cho biết, thỏa thuận sẽ tăng mức đóng góp của Đức trong cuộc chiến chống ấm nóng toàn cầu. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đặt mục tiêu giảm 55% khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990.

Thủ tướng Merkel nói, Đức có thể đạt mục tiêu và hiện nước này đang đặt nền tảng cho mục tiêu đó. Tuy nhiên, ông Ottmar Edenhofer, Cố vấn khí hậu của Thủ tướng Merkel đã chỉ trích các đề xuất của chính phủ, cho rằng, những gì đạt được chỉ là sự miễn cưỡng. Ông Ottmar Edenhofer, đứng đầu Viện Potsdam về Nghiên cứu tác động khí hậu cho rằng, thu phí khí thải CO2 đối với nhiên liệu để sửa ấm và vận tải, bắt đầu từ mức 10 euro/1 tấn CO2 vào năm 2021 và tăng lên 35 euro vào năm 2025 là quá thấp.

Một số nhà môi trường cũng cáo buộc thủ tướng Merkel khuất phục trước sự vận động hành lang của các hãng oto mà không đưa ra được hạn chót dần loại bỏ động cơ đốt trong, như các nước khác đã làm. Đức từ lâu đi đầu trong việc bảo vệ môi trường nhưng những năm gần đây tụt hậu so với các nước láng giềng châu Âu vì lượng khí thải vẫn cao trong lĩnh vực vận tải. Chính sách khí hậu dè dặt của chính phủ Đức không làm hài lòng cử tri Đức vốn mong muốn kiềm chế tình trạng ấm nóng toàn cầu. Thăm dò dư luận cho thấy, 63% số cử tri số Đức muốn chính phủ ưu tiên bảo vệ khí hậu hơn là tăng trưởng kinh tế, chỉ có 24% cho rằng, cần ưu tiên tăng trưởng kinh tế.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới