Thứ sáu, 29/03/2024 18:21 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/10/2019

MTĐT -  Thứ năm, 17/10/2019 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/10/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/10/2019.

Thủ tướng đặc biệt quan tâm vấn đề môi trường, ùn tắc của Hà Nội

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh vấn đề mà Thủ tướng lưu ý, mong TP.Hà Nội quan tâm giải quyết là câu chuyện ô nhiễm moi trường nước, không khí và các giải pháp giảm ùn tắc nội đô.

Hà Nội cần quan tâm vấn đề môi trường, ùn tắc là thông điệp mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đi khi dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng đến làm việc với lãnh đạo UBND TP.Hà Nội chiều nay 16.10, để kiểm tra các nhiệm vụ mà thành phố được Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ giao.

Sau khi chuyển lời khen của Thủ tướng về 6 vấn đề mà TP.Hà Nội làm tốt, như kinh tế phát triển ổn định, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; môi trường đầu tư kinh doanh liên tục cải thiện; thu hút đầu tư nước ngoài luôn dẫn đầu cả nước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao; thái độ phục vụ của công chức thay đổi rõ nét,... ông Dũng cho hay, Thủ tướng muốn lưu ý thành phố quan tâm, làm tốt hơn 3 vấn đề.

Môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

“Đầu tiên là câu chuyện ô nhiễm môi trường. Vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo thành phố quan tâm ô nhiễm nguồn nước, nhất là nguồn nước sông Đà. Thành phố hôm qua đã khuyến cáo người dân không ăn không uống nước nhiễm dầu và miễn cho dân khu dân cư có nguồn nước bị ô nhiễm. Đây là phản ứng nhanh đáp ứng mong mỏi của người dân", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Thứ 2, theo Bộ trưởng, Thủ tướng lưu ý Hà Nội quan tâm đến giải quyết ùn tắc giao thông. Bộ trưởng cho rằng, một số chính sách mới đây như miễn phí xe buýt cho người trên 60 tuổi là rất tốt, nhưng cần nhiều giải pháp tích cực hơn nữa.

Thứ 3, thành phố cần cố gắng tập trung đẩy nhanh các dự án trọng điểm bởi Hà Nội có nhiều dự án, như đường sắt đô thị, phối hợp tốt với Bộ GTVT sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, sử dụng.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho hay, Thủ tướng cũng giao Tổ công tác phối hợp với UBND TP. Hà Nội kết nối thí điểm một số dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia tới đây. "Cái này Thủ tướng đã cho phép 3 địa phương thí điểm. Chúng ta sẽ chọn một số dịch vụ thiết yếu cho người dân như cấp đổi bằng lái xe, phạt vi phạm giao thông đường bộ", Bộ trưởng nói.

Quảng Ninh: Hàng loạt trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 78 trạm trộn bê tông đang hoạt động. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch cụ thể cho nên nhiều điểm đặt trạm không phù hợp với mục đích sử dụng đất, không đủ điều kiện phê duyệt báo cáo đánh gia tác động môi trường (ĐTM) hay kế hoạch bảo vệ môi trường. Do vậy, nhiều trạm bê tông hoạt động hàng chục năm qua nhưng không thực hiện các giải pháp giảm thiểu bụi, nước thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của người dân trên địa bàn.

Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, hàng loạt các dự án xây dựng lớn đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nên hàng loạt các trạm trộn bê tông “mọc” lên đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng các công trình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 78 trạm trộn bê tông (63 trạm trộn bê tông thương phẩm, 15 trạm trộn bê tông nhựa), trong đó có 45 trạm trộn phục vụ cho mục đích kinh doanh và 33 trạm trộn phục vụ cho các dự án trọng điểm của tỉnh.

Trong số 33 trạm trộn bê tông phục vụ các dự án lớn trên địa bàn tỉnh đều có ĐTM hay cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn lại 45 trạm trộn bê tông phục vụ cho mục đích kinh doanh, thì mới có 21 trạm trộn có đề án bảo vệ môi trường hay cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt, 24 trạm trộn còn lại chưa có thủ tục về bảo vệ môi trường.

Bãi cát không được che phủ tại trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Thành Đạt.

Tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến 24 trạm trộn bê tông phục vụ cho mục đích kinh doanh do các doanh nghiệp quản lý đi vào hoạt động trước ngày 1/4/2015 đều thuộc đối tượng lập Đề án bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tại điều 22, Nghị định số 18/2015/NĐ/CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ hiện nay đã quá thời hạn 36 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, nhưng chưa có quy định cụ thể về việc hoàn thiện thủ tục môi trường đối với các dự án hay một phần dự án đã đi vào hoạt động trước ngày 1/4/2005. Do vậy, 24 trạm trộn bê tông này chưa có căn cứ pháp lý để hoàn thiện các thủ tục về bảo vệ môi trường.

Để gỡ khó cho các công ty, đơn vị kinh doanh các trạm trộn bê tông, Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 do Chính phủ ban hành đã quy định rõ đối với những trường hợp dự án đã đi vào vận hành mà chưa có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM hay xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường thì bị xử phạt theo quy định của Chính phủ. Còn đối với các trường hợp phù hợp với quy hoạch sẽ yêu cầu lập báo cáo ĐTM theo quy định.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, dù Nghị định 40 của Chính phủ đã ra đời từ nhiều tháng qua, nhưng đến nay nhiều điểm trạm trộn bê tông thương phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do không phù hợp với quy hoạch, nên không có các thủ tục về bảo vệ môi trường xong vẫn “ung dung” hoạt động. Hơn nữa, hầu hết các trạm này chưa thực hiện các giải pháp giảm thiểu bụi, cũng như xây dựng hệ thống thu gom nước mặt, không xây dựng các công trình bảo vệ môi trường kiên cố như: hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn. Cùng với đó, với số lượng xe có trọng tải lớn vận chuyển vật liệu và bê tông thương phẩm hoạt động trên các tuyến đường gây ô nhiễm về khói, bụi ảnh hưởng đến môi trường cuộc sống của người dân, nhất là những hộ dân sinh sống gần các trạm trộn bê tông.

Hiện nay, nhiều trạm trộn bê tông thương phẩm của nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa có các thủ tục về bảo vệ môi trường tập trung tại các địa phương là Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên...nhưng đều trong tình trạng nhiều không như: không có kế hoạch bảo vệ môi trường; không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; không có giấy phép xả thải...

Trao đổi với PV Báo TN&MT, một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trạm trộn bê tông thực hiện đúng theo các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định. Đồng thời đối với các trạm trộn bê tông cần hoàn thiện về báo cáo ĐTM, xả nước thải vào nguồn nước, cải tạo hệ thống thu gom, lắng trong nước thải sản xuất trước khi thải ra môi trường, lắp đặt hệ thống bao che, xây dựng tường ngăn toàn bộ khu vực trạm để ngăn bụi phát tán, đảm bảo môi trường.

Người dân Quảng Trị cần 990 tỷ đồng khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển

Giai đoạn từ năm 2019 – 2030, tỉnh Quảng Trị cần đến 990 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; trong đó từ năm 2019 – 2020 cần 273 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm, các năm tiếp theo cần 717 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh Quảng Trị ưu tiên huy động nguồn kinh phí để xây dựng kè, di dời và tái định cư các hộ dân, lập bản đồ cảnh báo. Thống kê đến giữa tháng 10/2019, tỉnh Quảng Trị có gần 125 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở chưa được xây dựng kè; trong đó có 19 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 70 km sạt lở nguy hiểm, còn lại sạt lở bình thường. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh với diễn biến rất phức tạp, tốc độ xói lở nhanh và hướng sạt lở thường xuyên thay đổi. Nguyên nhân là do các cơn bão, mưa lớn, lũ lụt xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn, đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông và cuốn trôi nhiều khu vực dọc bờ biển.

Từ năm 2019-2020 Quảng Trị cần 273 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt. (Ảnh minh họa: Lê Sen/TTXVN)

Sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm nhất hiện nay là tuyến bờ biển đoạn qua thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh dài trên 2.000m, trong đó có 500m đã được xây kè nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khu dân cư có 250 hộ dân. Ngoài ra, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cửa thông ra biển của Địa đạo Vịnh Mốc, gây hư hỏng Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc. Bờ biển Vịnh Mốc bị sạt lở từ năm 2006 đến nay, do thường xuyên chịu tác động của xâm thực biển. Để khắc phục sạt lở bờ biển và kè biển Vịnh Mốc, tỉnh Quảng Trị cần đến 125 tỷ đồng. Tương tự, bờ biển đoạn qua các thôn: Thái Lai, Tân Mạch, Thử Luật, Tân Hòa thuộc xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh dài 3.000m cũng đang trong tình trạng sạt lở nguy hiểm và cần đến 90 tỷ đồng để khắc phục.

Sạt lở đặc biệt nguy hiểm bờ sông cũng đã và đang diễn ra tại nhiều vị trí. Theo đó, bờ sông Thạch Hãn có các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm: Đoạn qua thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong dài 500m; đoạn qua thôn Đại Lộc và Đâu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong dài 1.000m; đoạn qua phường An Đôn, thị xã Quảng Trị dài 700m. Bờ sông Vĩnh Định có các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm: Đoạn từ hạ lưu tràn An Tiêm đến cầu Ba Bến, thị xã Quảng Trị dài 800m; đoạn qua hai xã Triệu Tài và Triệu Trung, huyện Triệu Phong dài 600m…

Tích cực bảo vệ môi trường hướng đến sự phát triển bền vững

Nhiều năm qua, cùng với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Để tạo sự chuyển biến trong công tác BVMT, bên cạnh công tác tham mưu về chủ trương, kế hoạch hành động BVMT, Sở TN&MT luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao ý thức BVMT cho mỗi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, hằng năm, Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hàng chục lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về TN&MT, về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý, BVMT biển; hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyên truyền về Ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh triển khai nhiều hoạt động BVMT thiết thực. Ví như, trong năm 2018, thực hiện chương trình phối hợp hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững giữa Sở TN&MT với các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, toàn tỉnh đã tổ chức thu gom, vận chuyển được trên 5.000 tấn rác thải về nơi quy định, khơi thông gần 500 km cống rãnh, trồng mới 4.000 cây xanh... Các sở, ngành, địa phương cũng đã treo gần 7.000 băng zôn; 80 pa nô, áp phích, in, cấp phát 17.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác BVMT... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và BVMT trong các tầng lớp nhân dân.

Từ năm 2019-2020 Quảng Trị cần 273 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt. (Ảnh minh họa: Lê Sen/TTXVN)

Cùng với các hoạt động trên, phòng chức năng của Sở TN&MT, đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, triển khai việc thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Từ đầu năm 2019 đến nay, phòng chức năng của sở đã tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường tại 72/90 cơ sở sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án BVMT; kiểm tra 33 đơn vị theo kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí. Qua kiểm tra, đã xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm hành chính đối với 10 đơn vị, số tiền phạt 325 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 2 đơn vị; yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm đầu tư đầy đủ và vận hành thường xuyên các công trình thu gom, xử lý chất thải bảo đảm quy định trước khi xả thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức 65 hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án cải tạo phục hồi môi trường; cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 16 đơn vị. Đôn đốc các đơn vị khai thác khoáng sản ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Theo thống kê, năm 2018, Quỹ BVMT tỉnh đã thu phí BVMT đối với 268 đơn vị, tổng số tiền thu trên 10 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2019, đã thu phí đối với 241 đơn vị với số tiền 7,3 tỷ đồng, đạt 78% so với kế hoạch năm. Về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 195 đơn vị khai thác khoáng sản ký quỹ với tổng số tiền 11,7 tỷ đồng. Một số đơn vị ký quỹ lớn, như: Công ty TNHH Hoàng Ngân, xã Tế Lợi (Nông Cống) có số tiền ký Quỹ đến năm 2019, đạt trên 500 triệu đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hưng Hào, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) đạt hơn 114 triệu đồng, Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Hà Trung, ký gần 89 triệu đồng...

Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn; một số bãi chôn lấp rác thải trong tỉnh hiện đang gây ô nhiễm môi trường cục bộ và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực xung quanh; nhiều địa phương vẫn còn tình trạng thải trực tiếp rác ra bờ biển, bờ sông, ao, hồ, kênh, mương gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư các công trình xử lý chất thải tập trung; vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm làng nghề, xử lý rác thải, nước thải...). Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà trốn tránh trách nhiệm xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT ở cấp cơ sở chưa được thường xuyên, liên tục còn mang tính thời điểm...

Từ những tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy chính quyền các cấp cần tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức BVMT trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Cùng với đó, tổ chức hiệu quả, thiết thực các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... dưới nhiều hình thức như, mít tinh, diễu hành, ra quân làm sạch đường làng, ngõ xóm; tăng cường tổ chức, các cuộc thi, hội thảo về môi trường... từ đó, hình thành thói quen tốt của mỗi tổ chức, người dân trong công tác BVMT, hướng đến sự phát triển bền vững.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới