Thứ sáu, 19/04/2024 19:43 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/8/2019

MTĐT -  Thứ năm, 15/08/2019 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/8/2019.

Lãnh đạo Quảng Nam nói về việc người dân phản đối lò đốt rác

Ngày 15-8, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ động thông tin đến các cơ quan báo chí về việc những ngày gần đây, người dân ở các thôn gần Lò đốt rác Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và Khu xử lý rác Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) phản ứng việc thi công Lò đốt rác Đại Nghĩa và chôn lấp rác tại Tam Xuân 2.

Ông Thanh cho hay những ngày qua, lãnh đạo địa phương đã có đối thoại với người dân và sẽ tiếp tục đối thoại trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng thu gom xử lý rác thải là vấn đề rất khó khăn trên cả nước hiện nay, không riêng gì Quảng Nam. Đặc biệt là triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải thường gặp phải sự phản ứng từ phía người dân địa phương, bởi không người dân nào muốn đưa rác về gần nơi mình sinh sống, tương tự như vậy với dự án xây dựng nghĩa trang cũng không ai muốn đưa người chết về.

Mặc dù họ đều biết những việc đó quan trọng như thế nào đối với môi trường sống của cộng đồng và chính gia đình họ nhưng tốt hơn là nên làm ở nơi khác. Ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa tích cực trong việc hỗ trợ triển khai xây dựng khu xử lý rác thải ở địa phương mình làm cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn.

Người dân căng băng-rôn phản đối lò đốt rác Đại Nghĩa

Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng 2 Lò đốt rác thải tại xã Đại Nghĩa và Tam Xuân 2 thay cho 2 khu chôn lấp rác thải tại xã Đại Hiệp (đã đầy, đang làm thủ tục đóng cửa, phục hồi môi trường) và Tam Xuân 2 (gần đầy giai đoạn 1).

Đây là 2 khu xử lý rác thải tập trung quan trọng của tỉnh để giải quyết việc thu gom xử lý rác thải cho các địa phương trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Ngoài ra còn một khu xử lý cấp khu vực nữa cũng đã được quy hoạch và nghiên cứu triển khai tại xã Quế Cường (huyện Quế Sơn).

Ông Lê Trí Thanh cho rằng công nghệ đốt hiện nay dù chưa phải tuyệt đối an toàn trong xử lý rác thải nhưng chắc chắn tốt hơn rất nhiều so với chôn lấp.

Đối với dự án Lò đốt rác Đại Nghĩa, trước đây Công ty cấp nước Đà Nẵng dù không nắm thông tin cụ thể đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng của TP bày tỏ ý kiến lo ngại nguồn nước thải của lò đốt sẽ gây ô nhiêm nguồn nước Đà Nẵng. Vì việc này nên người dân địa phương cũng lo ngại theo và gây cản trở thi công.

Trước quan ngại của Công ty cấp nước Đà Nẵng, Sở TN-MT Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực tế, làm việc với các ngành và địa phương của tỉnh Quảng Nam. Qua đó, đã có báo cáo số 484/BC-STNMT ngày 25-6-2019 gửi UBND TP Đà Nẵng nêu rõ Lò đốt rác Đại Nghĩa không ảnh hưởng đến nguồn nước Đà Nẵng.

"Việc cản trở của người dân đối với lò đốt rác công nghệ tuần hoàn ở tại vị trí xa khu dân cư như thế này là rất mơ hồ, tâm lý đám đông, gây phức tạp không cần thiết, nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân tỉnh Quảng Nam, trong đó có chính làng xóm, gia đình của họ. Các cấp chính quyền, đoàn thể của tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền vận động giải thích cho nhân dân; xử lý các hành vi của kẻ xấu lôi kéo, kích động đẩy người dân vào vi phạm pháp luật, làm mất an ninh trật tự, văn hoá của địa phương. Đồng thời, Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam phải cam kết bằng văn bản với nhân dân về bảo vệ môi trường trong thi công và không để nước thải tràn ra ngoài khi đi vào hoạt động" – ông Thanh cho hay.

Đối với Khu chôn lấp rác thải Tam Xuân, ông Thanh cho biết việc người dân ngăn cản vừa qua là do thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng nóng kéo dài sang xuất hiện đợt mưa lớn, trong khi việc xử lý hoá chất khử mùi còn chủ quan nên xuất hiện mùi hôi.

Hiện nay, công ty đang khắc phục bằng cách tăng cường bơm khử mùi và căng tấm bạt lớn để che phủ toàn bộ khu vực rác đã chôn lấp sau khi bơm hoá chất khử mùi. Về cơ bản đã ổn, tuy nhiên người dân còn phản đối cũng là do tâm lý.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã thống nhất chủ trương để Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam xây dựng một lò đốt rác thải thay cho bãi chôn lấp hiện nay, địa điểm cũng gần khu vực này.

"Công tác thu gom, xử lý rác thải là rất khó khăn, vất vả để đảm bảo môi trường sống trong lành cho nhân dân, giảm thiểu ô nhiễm, dịch bệnh; góp phần tích cực cho xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đây là những mặt tích cực cần được nhìn nhận rõ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công ty hoạt động, đổi mới công nghệ theo hướng ngày càng tiên tiến hơn. Người dân không nên vì lợi ích cục bộ, tư duy cảm tính, bị lôi kéo kích động mà vô tình làm phức tạp tình hình không cần thiết" – ông Thanh kêu gọi.

Thái Nguyên: Bắt quả tang Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ xả thải trộm ra sông Cầu

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ.

Hiện tại, Cục Cảnh sát Môi trường (C05-Bộ Công an) đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty CP giấy Hoàng Văn Thụ. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ để xử lý sai phạm đối với công ty này vì đã xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu.
Trước đó, sau nhiều ngày trinh sát, mật phục, tối 8/8, các trinh sát Phòng 3 – C05 đã bắt quả tang Công ty CP Giấy Hoàng văn Thụ (địa chỉ tại phường Quán Triều, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) xả nước thải không qua xử lý ra sông Cầu. Tiến hành kiểm tra, Cảnh sát môi trường phát hiện, Công ty CP giấy Hoàng Văn Thụ đã lắp đặt một đường ống nhựa mềm, đường kính 10 cm, chiều dài 100 m, bơm nước thải từ bể gom nước thải (bể thứ 2 của hệ thống xử lý) ra hố ga cuối cùng xả ra sông Cầu, bỏ qua nhiều công đoạn xử lý. Đoàn kiểm tra thuộc C05 đã thu mẫu nước thải để kiểm định.

Theo thông tin mới nhất từ ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên: Việc Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ để nước thải từ bể số 2 chảy ra cùng đường ống thoát ra sông Cầu là có thật. Điều này là trái với quy định về bảo vệ môi trường, cần được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành.

Đại diện Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ lý giải: Anh em công ty bột phát đấu nối thêm 1 đoạn đường ống vào đường ống dẫn nước đã có sẵn trước đó. Mấy hôm trước, trời mưa, nước bể số 2 tràn ra ống phụ lẫn vào ống chính dẫn nước thải đã qua xử lý chảy ra sông Cầu. Nước thải không qua xử lý chỉ chiếm 2/10 phần nước thải đã qua xử lý chảy ra môi trường…

Hiện nay, Phòng 3- C05 và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đang tiến hành kiểm tra làm rõ vụ việc.

Điện Biên Đông: Khó khăn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí khó đạt trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là ở huyện vùng cao như Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên. Bài toán xử lý rác thải nông thôn đang thực sự làm đau đầu các cấp chính quyền nơi đây.

Những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển chung của tỉnh Điện Biên, ở huyện vùng cao Ðiện Biên Ðông, các ngành nghề sản xuất đang phát triển mạnh, cùng với sự gia tăng về dân số đã làm lượng rác thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… ngày càng tăng. Thành phần rác thải phức tạp đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông có 13 xã, 1 thị trấn với dân số trên 63 nghìn người, nhưng mới có khu vực thị trấn được thu gom rác thải và xử lý theo hình thức chôn lấp tập trung (khoảng 5,4 tấn/ngày). Như vậy, chỉ có khoảng 3 nghìn người được hưởng lợi, còn hơn 60 nghìn người trên địa bàn 13 xã vẫn chưa được thu gom và xử lý rác thải.

Theo tính toán của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên Đông, trung bình hàng năm ở khu vực nông thôn của huyện vẫn còn 86.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trên 100.000 tấn chất thải chăn nuôi... chưa được xử lý.

Đội thu gom rác thải tại thị trấn huyện Điện Biên Đông (có 7 công nhân làm nhiệm vụ thu gom rác thải trên 8km đường nội thị).

Thực tế dù quỹ đất nông thôn rộng nhưng hiện nay, trừ thị trấn Ðiện Biên Ðông thì 13/13 xã chưa quy hoạch được bãi rác tập trung, không quy định được chỗ thu gom rác trong khu dân cư, không có người và phương tiện chuyên chở rác.

Do vậy, rác nhà nào nhà ấy tự xử lý. Có gia đình xử lý rác bằng cách đốt hoặc đào hố chôn. Tuy nhiên, vẫn có không ít gia đình vứt rác ra đồng, sông, suối quanh nhà... Nhà này thấy nhà kia vứt được thì cũng làm theo và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác trong các bản, khu dân cư. Từ xác động vật đến các loại rác khó phân hủy (bao bì thuốc trừ sâu, diệt cỏ....) đều được người dân cho ra nương, ra suối... Còn tại khu vực các chợ ở nông thôn đều là chợ tạm, không có người thu gom rác nên người dân tự xử lý rác bằng cách đốt tại chỗ sau mỗi buổi chợ hoặc sau vài ngày; hàng trăm thứ rác thải cháy khét bốc mùi gây ô nhiễm môi trường...

Ông Lò Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, cho biết: Mường Luân là xã điểm về xây dựng NTM của huyện, nhưng hiện nay tiêu chí số 17 về môi trường vẫn chưa thể hoàn thành bởi chưa có bãi rác tập trung, chưa có người và phương tiện thu gom rác, 19/19 bản chưa có điểm thu gom rác theo quy định; vẫn còn tình trạng người dân thả rông trâu bò… Điển hình khu chợ Mương Luân, mỗi ngày thải ra môi trường từ 3 - 5 tạ rác, nhưng cũng chưa có bể chứa rác thải, người dân đều xử lý bằng cách gom lại một chỗ sau đó đốt.

Việc môi trường ô nhiễm, không chỉ làm mất cảnh quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực tế đó cho thấy, tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM ở Điện Biên Đông rất khó thực hiện được.

Thiết nghĩ, để giải được bài toán về môi trường trong xây dựng NTM, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước để xây dựng hạ tầng, cơ sở cho công tác xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường thì các địa phương cần phải nỗ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, nhận thức cho người dân. Có như vậy, việc thực hiện 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, trong đó có tiêu chí về môi trường mới có thể hoàn thành như mong muốn.

Hơn 270 người thiệt mạng do lũ lụt và lở đất tại Ấn Độ

Hai tuần mưa lớn cũng khiến 1 triệu người bị mất nhà cửa và hàng nghìn căn nhà bị phá hủy tại 6 bang bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước lũ ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ ngày 9/8. (Ảnh: THX).

Các bang phía nam Kerala và Karnataka, cùng 2 bang phía Tây là Maharashtra, Gujarat nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt với hàng nghìn hecta vụ mùa gieo trồng trong mùa Hè bị thiệt hại, đường sá bị phá hủy. Tại bang Kerala, ít nhất 105 người bị thiệt mạng và hơn 50 người mất tích do mưa lớn gây lở đất. Khoảng 190.000 người vẫn tạm trú tại các khu lều bạt của bang.

Chính quyền bang Odisha, Andhra Pradesh đã tiến hành xả lũ từ các hồ đập. Trong khi đó, tại bang Madhya Pradesh, khu vực trồng đậu tương lớn nhất, mưa lớn đã làm 32 người chết và gây thiệt hại vụ mùa.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...