Thứ sáu, 29/03/2024 16:25 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/10/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 13/10/2019 10:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/10/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/10/2019.

Cháy rừng ở California, hàng trăm ngàn người phải sơ tán

Một vụ cháy rừng dữ dội và gió thổi mạnh càn quét qua các ngọn đồi và hẻm núi ở phía bắc thành phố Los Angeles hôm 11/10. Ngọn lửa đã phá hủy hoàn toàn nhiều ngôi nhà, thiêu trụi một nhà nguyện, buộc chính quyền phải đóng cửa một số tuyến đường và khoảng 100.000 người phải sơ tán.

Ít nhất một người chết do vụ cháy rừng, đó là một người đàn ông đã lên cơn đau tim trong khi cố gắng chạy thoát khỏi ngọn lửa đang lan tới, các quan chức địa phương cho biết.

Tính đến sáng ngày 11/10, trận cháy rừng được đặt tên là "ngọn lửa Saddleridge" này đã thiêu rụi một diện tích gần 20 km2 chỉ trong vòng 12 giờ đồng hồ sau khi bùng phát và nhanh chóng trở thành đám cháy lớn và dữ dội nhất đang diễn ra ở Nam California.

Trong khi trực thăng và các loại máy bay cứu hỏa mang theo các chất chống cháy đến dập tắt ngọn lửa từ trên cao, lực lượng cứu hỏa mặt đất phải chiến đấu với ngọn lửa bằng vòi rồng để ngăn ngọn lửa tiếp tục lây sang các căn nhà trong khu vực.

Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi mà các đợt "gió Santa Ana" khô xuất phát từ vùng sa mạc khô cằn, thổi qua các ngọn núi về phía đông, hướng về khu vực Los Angeles. Các đợt gió làm cho đám cháy lan rộng với tốc độ khoảng 3,25 km2 mỗi giờ, hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Cơ quan Cứu hỏa Los Angeles cho biết.

Giám đốc Cơ quan Cứu hỏa Ralph Terrazas cho biết, vụ cháy là rất dữ dội và khó kiểm soát, đồng thời kêu gọi người dân trong khu vực mà đám cháy có thể lan tới phải được sơ tán. Khoảng 23.000 ngôi nhà và 100.000 người dân địa phương đã phải đi sơ tán theo yêu cầu của chính quyền. Một số nơi trú ẩn khẩn cấp đã nhanh chóng quá tải.

Đội trưởng Đội Cứu hỏa Tony Imbrenda nói trên đài phát thanh địa phương KPCC rằng gió mạnh đã gây khó khăn cho công tác chữa cháy, đặc biệt là các nỗ lực từ trên cao, khi gió làm phân tán không đều nước và các chất chống cháy mà lực lượng cứu hỏa thả xuống từ các máy bay.

Hơn 2.000 người tham gia chiến dịch dọn vệ sinh môi trường

Sáng 12/10, Phái đoàn Liên minh châu Âu cùng Tổ chức vì môi trường “Keep Hanoi Clean” (Giữ cho Hà Nội sạch) phối hợp với tuổi trẻ và nhân dân các phường thuộc quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên (TP Hà Nội) triển khai chiến dịch dọn rác, làm sạch khu vực sông Hồng, cầu Long Biên và chợ Long Biên. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao khí hậu châu Âu 2019.

Hơn 2.000 người là tình nguyện viên thuộc các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, tuổi trẻ và nhân dân các phường trong khu vực đã tham gia chiến dịch dọn vệ sinh môi trường. Các tình nguyện viên đã cấp hàng chục thùng rác, vận động hàng trăm hộ dân trong khu vực không vứt rác xuống sông Hồng; thu gom, dọn dẹp rác thải, túi nilon đưa về nơi quy định. Các tình nguyện viên còn đạp xe, lắp đặt pano sử dụng điện mặt trời để tuyên truyền về nếp sống vệ sinh môi trường, những tác động xấu do biến đổi khí hậu... Các hoạt động trong chiến dịch góp phần nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường.

Nhiều người dân Tiền Giang dùng thuốc diệt cỏ tiêu diệt cây lục bình

Dù năm ngoái, tỉnh Tiền Giang đã chi khoảng 8 tỷ đồng cho công tác tổng ra quân trục vớt lục bình trên phạm vi toàn tỉnh nhưng hiện nay, tình trạng cây này vẫn còn dày đặc ở nhiều hệ thống kênh rạch.

Thay vì trục vớt lục bình bằng phương pháp thủ công hay cơ giới, nhiều người dân đã tự ý phun thuốc diệt cỏ xuống lòng kênh, rạch để tiêu diệt cây lục bình. Việc làm này gây ảnh hưởng môi trường nước và hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

Để đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất nhất là mùa hạn mặn sắp đến chính quyền, đoàn thể và người dân các địa phương ở tỉnh Tiền Giang cần  tiếp tục trục vớt lục bình, tuyệt đối không nên phun thuốc hóa học xuống dòng nước.

Ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang - địa phương làm tốt công tác trục vớt cây lục bình, đảm bảo kênh mương thông thoáng chia sẻ: “Hiện nay, chủ yếu hệ thống chính trị ở địa phương phân công các ngành, đoàn thể, các đồng chí trưởng ấp theo dõi, quản lý các tuyến kênh. Khi phát hiện cây lục bình thì hỗ trợ vớt, vận động nhân dân thực hiện thông thoáng lòng kênh cho tốt, đảm bảo lâu dài. Chủ yếu nhân dân địa phương thấy trách nhiệm nên làm thường xuyên thôi”.

TP Hồ Chí Minh: Gần 20 ngày nữa sẽ “khai tử” xe gom rác tự chế

Theo thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018 khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở TP là 8.900 tấn/ngày. Số rác này được lực lượng công lập thu gom ở các hộ mặt tiền đường và khu vực công cộng với khối lượng 40%. Còn lại là hệ thống dân lập (gồm các công ty tư nhân, HTX, nghiệp đoàn) tổ chức lấy rác thu gom từ các hộ nhỏ lẻ trong hẻm.

Dù thu gom lượng rác đến 60% nhưng phương tiện của lực lượng rác dân lập chủ yếu là xe ba gác, xe lôi, xe tự chế. Hệ quả là phát tán mùi hôi dọc đường đi, rác rơi vương vãi xuống đường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Để giải quyết vấn đề này, tháng 10/2018, TP Hồ Chí Minh đã ra "tối hậu thư" cho lực lượng thu gom rác dân lập phải hoàn thành việc chuẩn hóa mẫu xe thu gom rác nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và giảm nguy cơ tai nạn trước tháng 11/2019.

Các phương tiện được áp dụng gồm: Thùng nhựa (hoặc composite) dung tích 660 lít và xe tải. Các thùng này có xe đẩy bằng điện hỗ trợ người thu gom đỡ mất sức khi di chuyển từ nhà dân đến điểm hẹn.

Ngoài việc phải thay thế thùng rác, các xe chở rác với thùng kín, miệng nạp rác có nắp đậy, có hệ thống thu gom nước rỉ rác với tải trọng từ 350kg đến 5 tấn sẽ thay thế xe tải, xe ben, xe máy kéo thùng rác. Các phương tiện này phải đáp ứng quy định của Luật Giao thông Đường bộ và được Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường loại xe "ôtô chở rác". Theo tính toán, toàn TP có 880 phương tiện phải chuyển đổi.

Trưởng phòng Chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Lê Trung Tuấn Anh cho biết, việc chuyển đổi phương tiện là bắt buộc để phù hợp với sự phát triển của một đô thị văn minh như TP Hồ Chí Minh. Nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, TP có chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập vay ưu đãi thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường TP gồm: 70% giá trị phương tiện, lãi suất 4,27%/năm trong thời hạn 7 năm.

Ngoài ra, các đơn vị cung ứng cũng có các phương án cải tạo, hoán đổi công năng các phương tiện ôtô tự đổ thành ôtô chở rác và làm thủ tục để được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phép đúng quy định.

"Người thu gom rác dân lập có thời gian để chuyển đổi. Sau tháng 10/2019 chắc chắn có chế tài, sẽ đề nghị cảnh sát giao thông xử phạt", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tập đoàn hàng tiêu dùng châu Âu cắt giảm nhựa sử dụng trong bao bì đóng gói

Một tập đoàn của Anh và Hà Lan, nhà sản xuất hơn 400 nhãn hiệu hàng tiêu dùng gia đình, vừa đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cắt giảm khoảng 14% lượng nhựa sử dụng.

Giảm nhựa trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày đã trở thành một chiến dịch ở phạm vi toàn cầu và là nỗ lực của nhiều chính phủ. Bắt đầu từ các chuỗi nhà hàng, quán cà phê với cam kết cắt giảm và thay thế nhựa sử dụng một lần bằng loại chất liệu khác thân thiện với môi trường. Thế nhưng, chỉ cần một buổi đi siêu thị cũng có thể thấy nhựa sử dụng một lần vẫn được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày như tuýp thuốc đánh răng, chai dầu gội đầu, hộp đựng kem, hộp sữa chua…

Mới đây, một trong những tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới vừa tuyên bố muốn tiến thêm một bước nữa trong chiến dịch thay thế và giảm nhựa. Theo Guardian, chỉ riêng tập đoàn này mỗi năm đang dùng đến 700.000 tấn nhựa. Mục tiêu đến năm 2025 là giảm được 100.000 tấn.

Theo Financial times, việc dùng bao nhiêu nhựa trong đóng gói hiện không phải là con số các tập đoàn bị yêu cầu bắt buộc phải công khai. Với những tập đoàn tự nguyện công bố số liệu, Coca Cola đang đứng đầu về mức độ dùng nhựa, với 3 triệu tấn mỗi năm; Nestle 1,7 triệu tấn; Unilever với 700.000 tấn.

Các tập đoàn này nằm trong số 200 nhà sản xuất hàng tiêu dùng, nhà sản xuất bao bì và nhà bán lẻ cam kết tự nguyện tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn đối với nhựa, quay vòng tái chế sử dụng nhựa, giảm nhựa dùng một lần rồi thải ra môi trường. Mô hình này bắt đầu từ năm 2018, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia lớn công khai số liệu dùng nhựa của mình và có nỗ lực thay thế.

Cũng theo Financial times, nhựa dùng trong đóng gói bao bì đang chiếm lượng nhiều nhất trong tổng số nhựa sử dụng một lần. Các nhà vận động vì môi trường xác định, giao dịch thương mại rác thải nhựa đang là nguyên nhân chủ yếu của 8 triệu tấn rác nhựa thải xuống biển mỗi năm. Các nước công nghiệp phát triển nhiều năm liền chuyển phần lớn khối rác nhựa của mình sang các nước đang phát triển, vốn thiếu khả năng xử lý và đến đây, bị thải ra môi trường. Do đó, vai trò tái chế và quay vòng nhựa sử dụng của các tập đoàn sản xuất sẽ là giải pháp hiệu quả nhất.

Còn theo đại diện các tập đoàn, để làm được điều này, yêu cầu sự thay đổi cơ bản và toàn diện trong tư duy tiếp cận vấn đề đóng gói sản phẩm. Từ công nghệ, tìm tòi chất liệu đóng gói bao bì mới, đến các hình thức tái sử dụng bao bì nhựa.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.