Thứ ba, 16/04/2024 20:07 (GMT+7)

Yêu cầu tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM

MTĐT -  Thứ năm, 25/04/2019 16:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước tình trạng ô nhiễm không khí tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM liên tục gia tăng, Bộ TN – MT đã yêu cầu khẩn trương thống kê, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí.

Theo báo Chính phủ, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội và TP. HCM khẩn trương gửi báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

Nội dung báo cáo đề nghị cung cấp các thông tin chi tiết về quá trình triển khai và kết quả của từng nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 985a/QĐ-TTg, những thuận lợi và các vấn đề tồn tại, khó khăn cũng như kiến nghị có liên quan. Văn bản báo cáo gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 29/4/2019.

Đồng thời, tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, khẩn trương thống kê, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí do bụi và khí thải có nồng độ các thông số vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa: Internet.

UBND TP. Hà Nội và TP. HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương; phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các phương tiện, chủ phương tiện sử dụng phương tiện giao thông không đáp ứng quy định về tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, các công trình xây dựng đô thị, nhà ở, giao thông, dịch vụ công ích... gây ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), từ 2007 - 2017, chỉ số bụi đều vượt mức cho phép ở toàn bộ các trạm quan trắc (TP.HCM hiện đang có 20 trạm quan trắc được đặt ở các giao lộ).

Theo quy chuẩn về bụi của Bộ Tài nguyên và Môi trường là 100 μg/m3, tuy nhiên, chỉ số bụi đo được ở trạm An Sương luôn vượt mức cho phép từ 5 - 8 lần. Đặc biệt, trạm Cát Lái khu vực vòng xoay Mỹ Thủy vượt mức cho phép hơn 9 lần.

Bên cạnh đó, trong không khí xuất hiện nhiều hạt bụi mịn hay gọi là bụi PM 2.5 là những hạt li ti trong không khí có kích thước 2,5 micromet trở xuống được hình thành từ các chất như Cacbon, Sulfua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác. Bụi mịn có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu, gây ra các bệnh về hô hấp và ung thư. Nguyên nhân xuất hiện loại bụi này chủ yếu là do mật độ giao thông rất cao và hoạt động ở các công trình xây dựng ở Thành phố.

Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), ngã tư An Sương (quận 12), ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp), vòng xoay Phú Lâm (quận 6), ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức), vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2),…là những địa điểm có chỉ số bụi đo được luôn ở mức rất cao.

Không chỉ bụi vượt mức cho phép mà tại nhiều giao lộ, chỉ số khí NO2 cũng vượt quy chuẩn nhiều lần. Khí NO2 phát ra từ hoạt động đốt nhiên liệu của các động cơ. Ngoài chỉ số bụi và khí NO2, tiếng ồn từ động cơ, còi xe tại các giao lộ cũng vượt mức cho phép.

Tại Hà Nội, theo thông báo về chỉ số không khí do các cơ quan chức năng công bố, không khí Hà Nội trong quý I/2019 ô nhiễm nặng nề. Cụ thể, kết quả quan trắc từ các Trạm quan trắc không khí tự động đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ do Tổng cục Môi trường quản lý, 10 trạm quan trắc không khí tự động do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý, tham chiếu số liệu của Trạm quan trắc không khí tự động tại số 8 Láng Hạ của Đại sứ quán Mỹ trong quý I năm 2019, cho thấy nồng độ bụi mịn (PM2.5) trung bình 24 giờ của một số ngày đã vượt giới hạn cho phép.

PM2.5 tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và tháng 3, đặc biệt trong các ngày 11- 13/1, 19- 20/1, 23- 26/1,11- 14/3, 20- 22/3 và 26- 27/3. Lý giải về nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội bị ô nhiễm trong thời gian qua, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 5 nguồn gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô, gồm: Ô nhiễm từ hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, sản xuất nông nghiệp và làng nghề, chôn lấp và xử lý chất thải rắn. Trong đó, phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.