Thứ tư, 17/04/2024 02:10 (GMT+7)

Xử lý bãi rác Đa Phước: Nể nang hay vẫn còn lợi ích nhóm?

Hoàng Minh - Minh Tuấn -  Thứ sáu, 13/07/2018 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc VWS được ứng trước 9 triệu USD là sai luật, sử dụng USD làm đơn vị tiền tệ để giao dịch cũng là sai quy định của Nhà nước.

Từ lẽ trên, TP.HCM hoàn toàn có thể tạm ngưng hoạt động tại bãi rác Đa Phước để xử lý, khắc phục các sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra. Đó là nhận định của chuyên gia môi trường trong vụ việc xử lý sai phạm tại bãi rác Đa Phước.

Bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao

Lãi siêu khủng vì làm thất thoát ngân sách Nhà nước?

Mới đây, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa ký báo cáo bổ sung kết quả về việc kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của ông Đoàn Văn Đức liên quan tới Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bãi rác Đa Phước).

Báo cáo này nêu rõ, dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán, kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), tính từ năm 2006 đến tháng 9/2017 có tổng doanh thu 5.334 tỷ đồng. Sau khi tính các chi phí, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, VWS có lợi nhuận lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, hàng năm VWS đã “bỏ túi” lợi nhuận gần 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ suất lợi nhuận trên tổng chi phí vận hành là 25,8%. Đây là tỷ suất quá cao so với tỷ suất lợi nhuận tăng giảm 3% được phía VWS đưa vào làm căn cứ xây dựng đơn giá.

Chính vì lẽ đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc ứng 9 triệu USD cho Công ty VWS là không cần thiết, không đúng Luật Ngân sách Nhà nước, không phù hợp với thực tế. Đó là nguyên nhân quan trọng để VWS đạt được lợi nhuận lớn hơn so với doanh thu và so với vốn sở hữu.

Từ đó, việc xác định đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn là chưa có căn cứ pháp lý, không thực tế, không được cơ quan tài chính thẩm định là vi phạm quy định pháp luật.

Liên quan tới vấn đề này, tại văn bản số 156/KTNN-TH ngày 24/7/2009, Kiểm toán Nhà nước cũng từng nêu rõ: “Xử lý kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện tạm ứng cho VWS 9 triệu USD để thực hiện đầu tư dự án bãi rác Đa Phước là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”.

Tuy khẳng định việc ứng trước 9 triệu USD cho VWS là chưa phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước nhưng Kiểm toán Nhà nước chưa xử lý dứt điểm. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị tổ chức thực hiện nội dung này theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng khi có báo cáo kết luận của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, việc xác định đơn giá 16,4 USD/tấn là chưa có căn cứ pháp lý, không thực tế, không được cơ quan tài chính thẩm định là vi phạm quy định pháp luật.

Theo các chuyên gia về kinh tế, chính việc ký hợp đồng có quá nhiều ưu ái cho VWS, và việc được ứng trước 9 triệu USD, được chấp thuận đơn giá xử lý rác với giá 16,4 USD/ tấn khiến VWS có thể đạt lợi nhuận khủng suốt hơn 10 năm qua. Trong khi đó, một dự án tương tự đã được cấp phép vào tháng 5/2005 của Tập đoàn Lemma, Hoa Kỳ chỉ nhận xử lý với đơn giá 5USD/tấn rác. Điều đáng nói, VWS nhận gói tiền lớn, lợi nhuận siêu khủng song lại chỉ chôn rác theo một quy trình rất phổ thông so với các đơn vị xử lý khác trên địa bàn TP.HCM.

Bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao.

Bên cạnh đó, một chuyên gia kinh tế còn chỉ ra một sai phạm nghiêm trọng Luật đầu tư nước ngoài của UBND TP.HCM trong việc ký các thỏa thuận, hợp đồng với VWS và các số liệu thống kê trong dự án khi sử dụng đơn vị tiền tệ là Đô la Mỹ thay vì sử dụng đồng Việt Nam.

Bởi theo Điều 63, Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 hướng dẫn thi hành Luật đầu tư nước ngoài nêu rõ, đơn vị tiền tệ được sử dụng trong ghi chép kế toán và thống kê là đồng Việt Nam.

Như vậy, UBND TP. HCM đã có những động thái “bỏ qua” quy định của Nhà nước để tiến hành ký kết các hợp đồng, thỏa thuận với VWS.

Có hay không lợi ích nhóm?

Trong báo cáo bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính cùng đưa ra kiến nghị, yêu cầu UBND TP. HCM sớm thực hiện việc đàm phán ký kết lại hợp đồng giao, nhận và xử lý rác, khắc phục triệt để các tồn tại như: đơn giá, xác định phương án tài chính theo đúng quy định pháp luật.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị, cần làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong vấn đề nêu trên.

Chính những sai phạm trong việc ứng tiền, tính đơn giá xử lý rác không đúng quy định pháp luật cho VWS, kiên quyết kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho VWS đầu tư thực hiện khu bãi rác Đa Phước của UBND TP. HCM khiến dư luận đặt ra nghi vấn về nguyên nhân phía sau sự “nhiệt tình” của đơn vị này.

Để minh chứng cho việc tính đơn giá 16,4 USD cho VWS là quá cao, một chuyên gia kinh tế dẫn chứng, đồng thời điểm UBND TP. HCM ký hợp đồng với đơn giá “khủng” như trên thì giá xử lý 1 tấn rác của các doanh nghiệp khác chỉ được chi trả khoảng 50.000VNĐ/tấn. Trong khi đó, hơn 10 năm nay, VWS chỉ thực hiện việc chôn rác lấy tiền chứ không hề xử lý theo cam kết.

Một chuyên gia môi trường cho rằng, nguyên nhân gây nên mùi hôi thối phát tán ra môi trường xuất phát từ việc nước trong rác không được xử lý. Do đó, khi rác không được xử lý đúng quy trình sẽ phát tán vi khuẩn gây nên mùi hôi. Với khối lượng 3000 tấn rác/ ngày sẽ sản sinh ra khoảng 2000m3 nước thải cần phải xử lý.

Phân tích về lượng nước thải có trong rác, chuyên gia môi trường cho biết, 1 tấn rác thải có chứa khoảng 20% nước thải, khi chôn rác phải xử lý hết nguồn nước thải này và phải thực hiện hàng ngày. Việc chôn lấp cũng phải thực hiện đúng quy trình, phải bơm xịt các loại hoá chất khử mùi, khử vi khuẩn để tránh ruồi muỗi và phát tán mùi hôi ra bên ngoài.
“Việc phát tán mùi hôi là do chủ đầu tư không có kinh nghiệm trong việc xử lý, hệ thống chôn lấp không tốt khiến nước bị ngậm trong rác. Còn nếu xử lý tốt nước thải sẽ trở thành nước thủy lợi, đủ điều kiện để đưa vào môi trường tự nhiên”, vị chuyên gia môi trường cho hay.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên của UBND TP.HCM ngày 3/7/2018, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM cho rằng, hiện bãi rác Đa Phước xử lý hơn 5000 tấn/ ngày bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

Như vậy, với việc tiếp nhận khoảng 5000 tấn/ngày thì bãi rác Đa Phước sẽ sản sinh ra khoảng gần hơn 3.500 m3 nước thải/ngày. Do đó, việc không xử lý được nguồn nước thải này sẽ không chỉ khiến phát tán mùi hôi ra môi trường mà còn có nguy cơ gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng.

Dù chỉ được TP.HCM chấp thuận đơn giá chỉ hơn 50.000VNĐ nhưng công ty đã phải đầu tư hệ thống xử lý rác thải hiện đại của Hà Lan, hệ thống này có thể thu được khí gas, điện và không để xảy ra tình trạng hôi thối. Còn bãi rác Đa Phước được đánh giá là hiện đại nhưng không hiểu sao vẫn chỉ mang rác đi chôn và phát tán mùi hôi khủng khiếp”, đại diện một doanh nghiệp xử lý rác cho hay.

Khi đặt ra vấn đề, nếu Chính phủ quyết định xử lý đình chỉ hoạt động của bãi rác Đa Phước để khắc phục những sai phạm về môi trường thì vấn đề rác của TP.HCM có giải quyết được hay không?

Một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý rác cũng cho biết, bài toán tạm dừng bãi rác Đa Phước hoàn toàn có thể giải quyết được. Tuy nhiên, do TP.HCM không muốn thực hiện, bởi làm như vậy “sợ” ảnh hưởng tới người trước (các lãnh đạo ký cho VWS thực hiện dự án bãi rác Đa Phước- PV).

Theo vị chuyên gia này, hiện các bãi rác dự phòng trên thành phố có thể tiếp nhận với công suất trên 1000 tấn/ngày và bãi rác Phước Hiệp với công suất 3000 tấn/ngày hoàn toàn có thể đáp ứng được việc xử lý số lượng rác đưa về bãi rác Đa Phước.

Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc để ra sai phạm này đến nay vẫn chưa bị xử lý? Vì sao UBND TP. HCM lại kiên quyết cam kết với Chính phủ cho VWS thực hiện dự án? Phải chăng có vấn đề lợi ích nhóm phía sau?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Xử lý bãi rác Đa Phước: Nể nang hay vẫn còn lợi ích nhóm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.