Thứ sáu, 29/03/2024 09:30 (GMT+7)

Xây dựng tiêu chí công nhận công viên địa chất

MTĐT -  Thứ tư, 14/06/2017 15:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thuộc Tổ chức Khoa học - Văn hóa và Giáo dục Liên Hợp Quốc công nhận là Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu.

Đây là CVĐC toàn cầu đầu tiên của Việt Nam và là công viên địa chất toàn cầu thứ năm của khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Từ những kết quả thu được trong quá trình xây dựng hồ sơ, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã thực hiện đề tài khoa học Công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và pháp lý cho việc xác lập, bảo tồn, sử dụng hợp lý di sản địa chất, công viên địa chất ở Việt Nam”.

Qua 2 năm triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và pháp lý cho việc xác lập, bảo tồn, sử dụng hợp lý di sản địa chất, công viên địa chất ở Việt Nam”, tập thể tác giả đã tổng hợp và đề xuất hệ thống cơ sở khoa học và pháp lý cho việc xác định, phân loại, đánh giá các di sản địa chất và thành lập công viên địa chất ở Việt Nam. Đó là, xác định các kiểu di sản địa chất (DSĐC) Việt Nam bao gồm 10 kiểu: cổ sinh; địa mạo và hang động; cổ môi trường; đá; địa tầng; khoáng vật (khoáng sản); kinh tế địa chất; kiến tạo (lịch sử địa chất); các vấn đề vũ trụ; những đặc trưng địa chất cỡ lục địa/đại dương.

Các DSĐC Việt Nam được đánh giá một cách định lượng bằng điểm số với các cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương. Mỗi DSĐC được đánh giá một cách cụ thể theo 6 tiêu chí bao gồm: Giá trị khoa học và giáo dục; Tính đa dạng địa chất; Giá trị cảnh quan thẩm mĩ; Giá trị văn hóa - xã hội và lịch sử; Các mối đe dọa và nhu cầu bảo tồn; Tiềm năng khai thác sử dụng.

Còn các loại CVĐC được phân làm 8 loại bao gồm: CVĐC karst/đảo karst; CVĐC núi/núi lửa; CVĐC đảo/đầm phá/hạ lưu sông và biển; CVĐC đồng bằng sông/hệ thống sông; CVĐC đứt gãy/kiến tạo/cấu tạo; CVĐC cổ sinh/địa tầng/khoáng vật - khoáng sản; CVĐC thạch học và CVĐ đới khô/bán khô.

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: MH

 Quy mô của một CVĐC Việt Nam có phạm vi một huyện hoặc nhiều huyện của một tỉnh (đối với các khu vực trên đất liền) và có thể thuộc phạm vi liên tỉnh (đối với các khu vực trên biển). Hai yếu tố chủ đạo ảnh hưởng đến việc xác định ranh giới một CVĐC Việt Nam bao gồm: Ranh giới hành chính để tiện cho việc quản lý và ranh giới đơn vị cấu trúc địa chất chứa phần lớn các DSĐC chủ đạo.

Về thủ tục hành chính, các tác giả cũng đưa ra trình tự một khu vực muốn trở thành CVĐC Việt Nam phải làm đơn, thành lập hồ sơ trình Đầu mối CVĐC quốc gia Việt Nam thuộc Ủy ban UNESCO Việt Nam xem xét, thẩm định và phê chuẩn. Một CVĐC Việt Nam muốn trở thành CVĐC toàn cầu phải được đầu mối CVĐC quốc gia Việt Nam thuộc Ủy ban UNESCO Việt Nam giới thiệu tới thư ký của GGN ở UNESCO và cũng phải thành lập hồ sơ trình UNESCO xem xét, thẩm định và công nhận. Danh hiệu CVĐC toàn cầu có thời hạn trong vòng 4 năm. Danh hiệu này được công nhận lại sau khi đạt đủ các yêu cầu thẩm định của các chuyên gia GGN. Đồng thời, cũng đưa ra được Dự thảo quy trình thành lập công viên địa chất ở Việt Nam từ thực tiễn xây dựng CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 10 bước.

Hiện tại, ở Việt Nam, các văn bản pháp lý cấp Trung ương về xây dựng CVĐC quốc gia chưa được ban hành. Do đó, dự thảo sẽ cung cấp cơ sở tài liệu để các cấp, ban ngành liên quan xem xét và sớm hoàn thiện các văn bản pháp quy trong việc xây dựng và công nhận CVĐC quốc gia ở Việt Nam.

Thông qua nghiên cứu địa chất từ vùng núi phía Bắc đến miền Trung, các tác giả cũng đã tổng hợp, đánh giá các di sản địa chất và đề xuất hướng thành lập các CVĐC tiềm năng ở Việt Nam, trong đó, ở miền Bắc Việt Nam có khoảng  1.242 điểm biểu hiện DSĐC ở 25 vùng nghiên cứu đã được thu thập.

Trong số đó có 178 điểm DSĐC đạt cấp quốc tế chiếm 14,33%; 445 điểm DSĐC đạt cấp quốc gia chiếm 35,83% và còn lại 619 điểm DSĐC đạt cấp địa phương chiếm 49,84%. Số lượng các di sản địa mạo chiếm nhiều nhất với 603 điểm chiếm 48,55%. Ở miền Đông Bắc có tới 97 điểm DSĐC cấp quốc tế, 253  điểm DSĐC cấp quốc gia, 346 điểm DSĐC cấp địa phương. Ở miền Tây Bắc có 38 điểm DSĐC cấp quốc tế, 109 điểm DSĐC cấp quốc gia, 178 điểm DSĐC cấp địa phương. Ở miền Trung có 43 điểm DSĐC cấp quốc tế, 83 điểm DSĐC cấp quốc gia và 95 điểm DSĐC cấp địa phương.

Các tác giả cũng đã tổng hợp và nghiên cứu bổ sung các cơ sở khoa học về DSĐC ở CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn như: Sự đa dạng về địa chất đặc biệt về cổ sinh, địa tầng, địa mạo và hang động đã xác lập nên những đặc điểm của các DSĐC ở CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn. Đặc biệt, hóa thạch tay cuộn ở Ma Lé là một trong những giá trị tiêu biểu về di sản cổ sinh cho CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn.

Đã xây dựng được Bản đồ phân bố các DSĐC của CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn ở tỉ lệ 1:50.000. Trên bản đồ này chỉ rõ 184 điểm phân bố DSĐC, 29 điểm phân bố di sản văn hóa lịch sử, kiến trúc và khảo cổ, 4 điểm phân bố bảo tồn đa dạng động thực vật... Tuy vậy, việc bảo vệ các điểm DSĐC của CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn cũng như các vấn đề về công tác quản lý, quy hoạch và các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng về DSĐC và CVĐC cần phải đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng tiêu chí công nhận công viên địa chất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.