Thứ sáu, 26/04/2024 14:53 (GMT+7)

Vụ đổ hóa chất xuống sông Hồng: Chất thải rò rỉ khắp hiện trường

MTĐT -  Thứ hai, 16/03/2020 20:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến vụ đổ hóa chất xuống sông Hồng, lực lượng chức năng đã tiến hành thu gom số thùng phuy này. Tuy nhiên, các mảng hóa chất bị rò rỉ đã bám chặt, vương vãi khắp hiện trường.

Mảng hóa chất nghi nguy hại bị đổ trộm xuống sông Hồng tại hiện trường vụ việc.

Sau phản ánh của người dân xã Vạn Phúc về việc hàng chục thùng phuy nghi chứa chất độc hại bị đổ trộm xuống sông Hồng vào rạng sáng ngày 14/3, lực lượng chức năng đã tiến hành thu gom số thùng phuy này. Tuy nhiên, theo quan sát, các mảng hóa chất bị rò rỉ đã bám chặt, vương vãi khắp hiện trường.

Mảng chất thải rò rỉ khắp hiện trường

Ngày 16.3, theo ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường vụ đổ trộm hóa chất nghi nguy hại xuống sông Hồng (đoạn qua phía sau đình làng thôn 1 xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội), dù các thùng phuy chứa hóa chất đã được lực lượng chức năng xã Vạn Phúc tiến hành thu gom, nhưng khu vực này vẫn còn tình trạng sủi bọt, nổi váng trên mặt nước. Bên cạnh đó, các mảng hóa chất bị rò rỉ trước đó đã bám chặt, vương vãi khắp hiện trường.

Chất thải vương vãi khắp hiện trường.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với Lao Động, ông Chử Mạnh Thắng – Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cho biết, ngay sau khi nắm thông tin phản ánh từ người dân, chính quyền xã đã cử lực lượng chức năng kiểm tra khu vực bị đổ trộm chất thải.

Theo đó, vụ việc được giao cho lực lượng Công an xã Vạn Phúc, đồng thời phối hợp với Công an huyện Thanh Trì và các đơn vị liên quan tiến hành lập biên bản khám nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích chất chứa trong những chiếc thùng phuy để có cơ sở xử lý đối tượng đổ trộm.

Theo phản ánh của người dân, đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng đổ trộm hóa chất nghi nguy hại phía sau đình làng thôn 1, xã Vạn Phúc.

Mặt nước sông Hồng có váng do một số thùng phuy bị rò rỉ, chảy nước màu đen bốc mùi khó chịu.

Thông tin về việc này, ông Thắng cho rằng: "Vụ việc xảy ra vào rạng sáng ngày 14.3 là lần đầu tiên người dân phản ánh đến chính quyền xã, những lần trước trước đó xã không hề nhận được thông tin".

Ông Thắng cũng cho hay, để chấn chỉnh tình trạng này, chính quyền xã giao lực lượng công an rà soát các điểm có khả năng bị đổ trộm chất thải. Qua đó, đề xuất lắp đặt camera, hàng rào barie đảm bảo an toàn cho các khu vực, đặc biệt những điểm ven bãi sông Hồng.

Thông tin từ lực lượng Công an huyện Thanh Trì, các đơn vị chức năng đang tiến hành trích xuất camera an ninh để truy tìm chiếc xe cũng như đối tượng đổ trộm những chiếc thùng phuy xuống sông Hồng.

Đồng thời, đơn vị đã phối hợp cùng các bên liên quan cho bốc thùng phuy lên xe đưa về phủ bạt để tránh những chất trong thùng rò rỉ ra môi trường, chờ lực lượng chức năng xử lý vào chiều ngày 15.3.

Trước đó, những chiếc thùng phuy nghi dùng để đựng hóa chất nằm lăn lóc ở bãi sông Hồng.

Mức phạt có thể lên đến 20 tỉ đồng

Nhận định về vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.

Theo luật sư, tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại điều này, thấp nhất phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, và cao nhất bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng - 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

"Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm", luật sư Lực nói.

Thông tin dán trên 1 thùng phuy còn đọc được cho thấy cảnh báo có thể gây nguy hiểm.

Cũng theo luật sư Lực, nếu kẻ chủ mưu là pháp nhân thương mại thì mức thấp nhất là 3.000.000.000 đồng - 7.000.000.000 đồng. Mức cao nhất là từ 12.000.000.000 đồng - 20.000.000.000 đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm.

Theo báo Lao động

Bạn đang đọc bài viết Vụ đổ hóa chất xuống sông Hồng: Chất thải rò rỉ khắp hiện trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.