Thứ sáu, 29/03/2024 04:55 (GMT+7)

Vỡ đập thủy điện ở Lào là bài học đắt giá cho Việt Nam

MTĐT -  Thứ năm, 26/07/2018 12:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố vỡ đập ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam, chúng ta cần tổng rà soát, đánh giá các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa lũ.

Sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy tại tỉnh Attapeu (Lào) đã gây lũ quét cục bộ tại 6 ngôi làng xung quanh, khiến hàng trăm người chết và mất tích, hơn 6000 người mất nhà cửa.

Dẫn thông tin từ Power Technology, tờ CAND đưa tin, đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy được đầu tư 1,02 tỷ USD, do Công ty năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy (PNPC) xây dựng và quản lý. Đây là dự án hợp tác giữa các công ty đa quốc gia gồm Ratchaburi Electricity Generating Holding của Thái Lan, SK Engineering & Construction và Korea Western Power của Hàn Quốc, và Lao Holding State Enterprise của Lào.

Công trình khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm nay. Dự án được xây dựng trên diện tích 238 ha tại cao nguyên Bolaven, cách thủ đô Vientiane của Lào khoảng 550 km về phía đông nam.

Phối cảnh đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy. 

Dự án đập thủy điện gồm ba con đập: Houay Makchan, Xe Pian và Xe-Namnoy chạy dọc sông Mekong. Dự án cũng bao gồm hồ chứa nước trên sông Xe Namnoy, có độ sâu 73 m và dài 1.600 m, với khả năng tích trữ khoảng 1.043 triệu mét khối nước, trong đó khoảng 1000 triệu mét khối nước được lấy từ lưu vực sông Houay Makchan và Xe Pian.

Với công suất 410 MW, việc xây dựng đập thủy điện này chủ yếu nhằm xuất khẩu sang Thái Lan (90%) dựa trên thỏa thuận mua bán điện 27 năm, 10% còn lại sẽ được cung cấp cho người dân địa phương.

Nói về nguyên nhân gây ra sự cố kinh hoàng lần này, tại cuộc họp báo qua truyền hình ngày 25/7, Thủ tướng Lào Thonglun Sisoulit cho rằng nguyên nhân gây vỡ đập có thể do “mưa lớn” và “khả năng có sai sót trong xây dựng”.

Thế nhưng nhiều người lại cho rằng, mưa lớn không phải là nguyên nhân chính mà tất cả là do “nhân tai” gây ra.

Thực tế, từ nhiều năm qua, Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đã cảnh báo về việc các quốc gia chung một lưu vực như sông Mê Công đua nhau xây dựng hồ đập thủy điện. Lý do là điều này không chỉ bóp chết hệ sinh thái tự nhiên mà còn tạo ra nhiều ẩn họa.

Theo thống kê, hiện nay Trung Quốc đã xây tới 8 đập thủy điện lớn ở thượng nguồn sông Mê Công; Lào và Campuchia cũng có kế hoạch xây 20 đập thủy điện trên dòng chảy chính. Còn nếu tính cả các chi lưu của sông Mê Công thì có thể nói là “chi chít đập thủy điện”.

Theo Nhóm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIRA, đến năm 2030, sẽ có tới 470 hồ đập trên lưu vực sông Mê Công (gồm cả dòng chính và các chi lưu). Như vậy, khu vực này sẽ hình thành hàng trăm “quả bom nước” khổng lồ đe dọa các quốc gia ở hạ lưu khi có thiên tai khốc liệt và Việt Nam đang nằm ở cuối nguồn của các dòng chảy lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Mê Công…

Không chỉ có các nguy cơ đến từ bên ngoài mà ngay hàng ngàn hồ đập thủy lợi, thủy điện ở nước ta hiện nay cũng là những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân và sự cố vỡ đập thủy điện xảy ra ở Lào là hồi chuông cảnh báo.

Hàng ngàn người rơi vào cảnh không nhà cửa. Ảnh: REUTERS.

Vụ vỡ đập này được nhận định là không tác động nhiều đến Việt Nam, nhưng lần đầu tiên xảy ra trong lưu vực sông Mekong cho thấy mức độ nguy hiểm như thế nào của các công trình hồ chứa khi bị sự cố vỡ.

TS Richard Cronin (Trung tâm nghiên cứu Stimson - Mỹ) từng cảnh báo một tương lai đen tối: “Cần Thơ, các thành phố khác và thậm chí TP. HCM ngày càng thấp hơn so với mực nước biển. Kể cả không có các đập thủy điện mới ở dòng chính và các nhánh chính sông Mekong thì vùng hạ lưu cũng có thể mất đến một nửa đất vào năm 2040 hoặc 2050…”

Chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông, Nguyễn Hữu Thiện trao đổi với báo Thanh niên cho biết: Năm 2017 tại Lào, đập Nam Ao ở tỉnh Xaysomboun cũng vỡ làm ngập 7 làng. Với thảm họa vỡ đập lần hiện nay, một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn đập trên lưu vực Mê Kông thực sự đáng lo ngại. Sự cố này cho thấy tình thế rất bị động. chưa đạt trình độ chuyên nghiệp, tin cậy trong cách làm thủy điện ở lưu vực Mê Kông. Lẽ ra khi thiết kế đập đã phải có mô phỏng các tình huống vỡ đập, đi kèm là các kế hoạch khẩn cấp để không có thiệt hại lớn. Tình hình của vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Nam Noy đã không chứng minh được điều đó.

Cũng theo ông Thiện, trong số đập phía trên thì đập đáng lo ngại nhất là đập Xayaburi đã khởi công năm 2011. Xayaburi nằm trên đường đứt gãy địa chất đang hoạt động và các nhà khoa học của Đại học Chula Longkorn của Thái Lan đã cảnh báo rằng trong 30 năm tới có 30% khả năng xảy ra động đất trung bình và 10% khả năng xảy ra động đất lớn vùng này.

Ảnh: TTXVN.

Trong khi đó, nói về sự cố này, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trao đổi với báo Pháp luật TP. HCM cho biết, ngay sau khi nhận thông tin sự cố ở Lào, các cơ quan đã tính toán, đưa ra nhận định ban đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến đồng bằng sông Cửu Long. Mực nước dâng ở khu vực này khoảng 5-10 cm. Theo tính toán, sau 4-5 ngày, lượng nước từ đập vỡ ở Lào sẽ về đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định: “Sự cố vỡ đập ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam, chúng ta cần tổng rà soát, đánh giá các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa lũ. Thứ hai, tính toán quan trắc để có thông tin chính xác về lượng mưa, lượng nước. Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát một lần nữa toàn bộ hệ thống hồ chứa thủy điện, thủy lợi để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thủy điện để có giải pháp ứng phó kịp thời”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vỡ đập thủy điện ở Lào là bài học đắt giá cho Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.