Thứ bảy, 20/04/2024 16:01 (GMT+7)

Việc thu gom lại tất cả đèn hoa đăng sau khi thả là điều không thể

MTĐT -  Thứ ba, 27/08/2019 14:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi bị dư luận lên án về việc thả 30.000 đèn hoa đăng nhựa xuống biển, Ban tổ chức cho biết, sẽ thu gom lại số đèn hoa đăng trên.

 Vào tối 10/8 vừa qua, Đại lễ Vu lan và Đêm hội hoa đăng Cát Bà năm 2019 được Ban Trị sự Hội Phật giáo huyện Cát Hải tổ chức tại khu vực cầu Cảng, thuộc đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đây là một trong những Đại lễ Vu lan lớn nhất cả nước và gây ấn tượng với hơn 30.000 đèn hoa đăng được thả xuống biển.

Dù Đại lễ đã kết thúc từ nhiều ngày nay, nhưng trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh đèn hoa đăng được cho là vẫn trôi nổi trên khắp mặt vịnh, xung quanh các con thuyền nhỏ và khu vực cầu tàu cũng có rất nhiều đèn hoa đăng. Những hình ảnh này nhanh chóng được chia sẻ rầm rộ trên mạng và khiến nhiều người bất bình.

Một tài khoản có tên B.N. trên mạng xã hội facebook chia sẻ: "Trong khi một cháu bé lớp 6 viết thư cho 60 trường học, đề nghị không thả bóng bay ngày khai giảng, tránh thải rác độc hại ra môi trường. Thì tại lễ "vu lan báo hiếu" vừa rồi tại Cát Bà, người ta đã thả 30.000 cái đèn hoa đăng bằng vật liệu xốp và nhựa khó phân hủy + pin là thứ cực độc xuống biển. Đây là một việc gây hủy hoại môi trường nghiêm trọng. Sở VHTT Hải Phòng có duyệt cho chương trình này không?".

Tuy nhiên, sau khi bị dư luận lên án, theo thông tin trên VietnamNet, lãnh đạo Phòng Văn hóa thông tin huyện Cát Hải khẳng định, hình ảnh những bông hoa đủ màu sắc cánh nhựa dạt vào bờ biển được người dân chia sẻ gây ra những hiểu lầm về thông điệp của địa phương. Đó chỉ là góc nhìn một chiều, chưa đầy đủ.

Chủ tịch huyện Cát Hải, ông Phạm Quang Hiển thông tin: Huyện là đơn vị tiên phong trong việc nói không với rác thải nhựa, do đó, việc thả 3 vạn hoa đăng nhựa xuống biển trong lễ Vu lan đã được chính quyền địa phương tính toán rất kỹ.

"Sau khi kết thúc buổi lễ, các cơ quan chức năng đã tổ chức thu gom toàn bộ hoa để đưa về trụ sở phật giáo của huyện sửa chữa, làm sạch để tái sử dụng. Toàn bộ số hoa nhựa này vẫn đang được bảo quản tại huyện. Lựa chọn 3 vạn hoa đăng nhựa là để bảo vệ biển và môi trường”, ông Hiển khẳng định.

Còn trao đổi với báo chí, thượng tọa Thích Tục Khang - Ủy viên Ủy ban quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban trị sự kiêm Trưởng Ban quốc tế Phật giáo TP Hải Phòng, Trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Cát Hải cũng cho biết, ngay sau khi kết thúc, ban tổ chức đã thu gom lại chứ không có chuyện để trôi ra biển gây ô nhiễm môi trường.

"Khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi dịp lễ Vu Lan báo hiếu đều thả hoa đăng, song những năm trước ít hơn, chỉ khoảng 1 vạn đèn và đều được thu gom sau đó" - thượng tọa Thích Tục Khang nói.

Số đèn hoa đăng được thả xuống biển có được vớt lên hết?

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Infonet, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng vớt được hoàn toàn lượng rác thải nhựa được thả xuống biển.

“Việc thu gom lại tất cả đèn hoa đăng sau khi thả là điều không thể vì rác sẽ trôi ra biển, lan đến các địa phương khác. Ngay cả việc thu gom lại, số rác thải nhựa được thu gom sẽ xử lý như thế nào trong khi phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy.” - PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Theo ông Bài, UBND huyện Cát Hải là cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại đồng ý tổ chức chương trình là không nên.

“Người ta đang gây dựng phong trào tự nguyện vớt rác để cứu nguy cho biển mà anh lại thả hàng chục ngàn đèn hoa đăng bằng nhựa xuống biển, nhân danh văn hóa tâm linh nhưng làm hỏng văn hóa môi trường.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng như phía ban tổ chức chương trình cần phải gương mẫu trước, hành động này là quá phản cảm, không ai ủng hộ được. Như thế này là UBND huyện Cát Hải đã nêu gương xấu và vi phạm luật về môi trường”.

PGS.TS Đặng Văn Bài cũng cho rằng không nên vì việc này mà đánh đồng hành động thả hoa đăng ở nhiều nơi. Chẳng hạn như việc thả đăng ở Hội An hay thành cổ Quảng Trị hoàn toàn là hoa đăng làm bằng giấy nên sẽ tiêu hủy trong nước, không gây hại gì đến môi trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Việc thu gom lại tất cả đèn hoa đăng sau khi thả là điều không thể. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ