Thứ sáu, 29/03/2024 01:39 (GMT+7)

Vì sao TP. HCM phải gửi tối hậu thư cho chủ bãi rác Đa Phước?

MTĐT -  Thứ ba, 30/01/2018 14:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở TN&MT TP. HCM đề nghị chủ đầu tư bãi rác Đa Phước nhanh chóng lập dự án điều chỉnh công nghệ, giảm xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp, trình sở trước ngày 3/2.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. HCM gửi công văn cho Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước) về các vấn đề liên quan đến hoạt động xử lý chất thải của đơn vị này.

Nhà máy xử lý nước rỉ rác lại trễ hẹn 6 tháng

Sở TN&MT cho biết, trong công văn gửi ngày 23/11/2017, sở đề nghị VWS báo cáo cập nhật cụ thể kết quả khắc phục các vi phạm theo xử phạt của Tổng cục Môi trường. Đồng thời, VWS phải báo cáo về dự án đổi mới công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, đến nay, công ty VWS chưa có cập nhật báo cáo đầy đủ về các nội dung như đã nêu tại văn bản trên.

Bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao.

Theo ghi nhận của Bộ TN&MT ngày 14/7/2017, nước thải đang lưu chứa không đúng quy định gần 700.000 m3 và với công suất xử lý nước thải hiện tại phải mất khoảng một năm mới xử lý xong.

Đồng thời, VWS cũng báo cáo: “Lượng nước thải lưu chứa trong ô chôn lấp số 2 dự kiến đến tháng 5/2018 mới có thể xử lý hết toàn bộ, trong điều kiện tháng 9/2017 nhà máy xử lý nước thải MBR mở rộng chính thức đi vào hoạt động (thời gian chính thức phụ thuộc vào thời gian thử nghiệm và xác nhận hoàn thành của cơ quan Nhà nước)”.

Tuy nhiên, ngày 8/1/2018, công ty VWS có văn bản báo cáo về công tác cung ứng dịch vụ chất thải rắn tháng 12/2017 tại bãi rác Đa Phước. Trong đó, có một số nội dung báo cáo không chính thức, không có chữ ký và đóng dấu.

Hiện tại, đến tháng 1/2018, công ty VWS vẫn chưa thể vận hành thử nghiệm nhà máy xử lý nước thải. Việc này làm kéo dài thời gian chính thức vận hành hệ thống xử lý nước thải, nên sẽ không đáp ứng được tiến độ xử lý nước thải, nước rỉ rác đang lưu chứa ở ô chôn lấp số 2.

Một phần nước rỉ rác từ bãi chôn lấp tại Đa Phước hiện vẫn phải đợi nhà máy xử lý hoàn thành. Ảnh: Tiến Tuấn.

Sở TN&MT nhận định trong trường hợp kéo dài, nhiều khả năng gây nguy cơ ảnh hưởng đến công tác xử lý nước thải, nước rỉ rác phát sinh liên tục. Đặc biệt, khó tiên lượng được lượng nước rỉ rác gia tăng trong mùa mưa năm 2018.

Vì vậy, Sở TN&MT đề nghị VWS có văn bản chính thức, báo cáo Bộ TN&MT về việc kéo dài thời gian vận hành hệ thống xử lý nước thải và cam kết không gây ảnh hưởng đến công tác xử lý nước thải, nước rỉ rác trong quá trình hoạt động.

Về mặt môi trường, sở đề nghị công ty VWS đưa hệ thống xử lý nước thải nêu trên vào vận hành chính thức trước tháng 3/2018.

Trình dự án đổi mới công nghệ trước 3/2

Căn cứ các giải trình và kế hoạch của VWS nhằm khắc phục vi phạm theo quyết định xử phạt của Tổng cục Môi trường, sở đề nghị VWS có văn bản báo cáo Bộ TN&MT về những nội dung giải trình khác với yêu cầu của bộ trước đó.

Ngoài ra, Sở TN&MT đề nghị VWS có văn bản giải trình về việc bùn thải nguy hại thu gom từ hệ thống xử lý Fenton (sử dụng phèn sắt), được tự ý chôn lấp trái phép cùng rác thải sinh hoạt tại ô chôn lấp.

Trước mắt, sở yêu cầu VWS chấm dứt sự việc nêu trên, để thực hiện theo yêu cầu gần nhất của đoàn công tác Cục Môi trường miền Nam tại biên bản làm việc ngày 17/11/2017. Cụ thể, kiểm tra lại sự phù hợp của việc chôn lấp bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải, nước cấp trong khu liên hợp của công ty so với hồ sơ được cấp phép và các quy định hiện hành.

Nhiều năm nay, người dân liên tiếp tố cáo bãi rác Đa Phước làm ô nhiễm môi trường nước khiến cá tôm chết hàng loạt. Ảnh: Lê Quân.

Về giải pháp điều chỉnh đổi mới công nghệ, Thành uỷ, HĐND TP, UBND TP đã có chỉ đạo trong việc nâng cấp cải tạo các nhà máy xử lý rác hiện hữu, điều chỉnh đổi mới sang công nghệ tiên tiến. Sở TN&MT đã có 3 văn bản với cùng nội dung đề nghị VWS báo cáo cụ thể việc lập dự án điều chỉnh, đổi mới công nghệ nhằm hạn chế việc chôn lấp tại bãi rác Đa Phước.

Tuy nhiên, đến nay, VWS vẫn chưa lập dự án cụ thể để trình, làm cơ sở cho các sở ngành liên quan xem xét, thẩm định.

“Vì tính chất khẩn trương liên quan đến công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP, sở đề nghị VWS nhanh chóng lập dự án điều chỉnh công nghệ, giảm xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp, trình nộp Sở TN&MT trước ngày 3/2/2018”, văn bản của sở nêu.

Theo thống kê, công ty VWS đang tiếp nhận xử lý bình quân khoảng 5.800 tấn/ngày, chiếm khoảng 66% tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP. Sở TN&MT đề nghị công ty VWS có báo cáo đánh giá toàn diện những khó khăn, điều kiện đảm bảo vận hành, khả năng tiếp nhận xử lý chất thải của VWS trong thời gian tới.

Trước đó, Bộ TN&MT đã kiến nghị Chính phủ giao UBND TP nghiên cứu, rà soát khả năng tiếp nhận và xử lý rác thải của VWS, trường hợp không đáp ứng phải có biện pháp chuyển rác thải đến các vị trí, cơ sở thu gom, xử lý rác thải có chức năng đang hoạt động trên địa bàn TP. HCM.

Theo Zing

*Tít bài do tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đặt lại

Bạn đang đọc bài viết Vì sao TP. HCM phải gửi tối hậu thư cho chủ bãi rác Đa Phước?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.