Thứ sáu, 29/03/2024 07:06 (GMT+7)

Vì sao rác ngoại lại ồ ạt tràn về Việt Nam?

MTĐT -  Thứ năm, 21/06/2018 10:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, việc hàng ngàn container phế liệu được nhập từ các nước đang tràn ngập ở các cảng là do cách quản lý cực kỳ lỏng lẻo và chi phí để "đổ" phế liệu về Việt Nam quá rẻ.

Theo Cục Hàng hải VN, tính đến ngày 31/5/2018, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển VN lên tới 27.944 container. Trong đó khu vực cảng biển Hải Phòng hơn 6.700 container, khu vực cảng biển TP.HCM trên 14.600 container, khu vực cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 6.500 container.

Lãnh đạo một số cảng tại TP. HCM cho biết, các đơn vị đã liên tục có kiến nghị khẩn cấp về xử lý hàng tồn đọng là hàng phế liệu nhập khẩu. Bởi những năm gần đây, tình trạng hàng tạm nhập tái xuất, hàng phế liệu (rác thải công nghiệp các loại…) thường xuyên đổ về những cảng biển lớn, trong đó có TPHCM.

Nguyên nhân, phế liệu nhập khẩu về nhưng không thông quan vẫn nằm tại bãi ở cảng, phần lớn là hàng của hai đối tượng doanh nghiệp (DN).

Thứ nhất, DN không đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình nhập khẩu. Đến khi làm các thủ tục giấy tờ để thông quan lô hàng ra khỏi cảng, thì thấy khó khăn quá nên đành chấp nhận bỏ hàng.

Thứ hai, DN nhập khẩu phế liệu về không nhằm mục đích để phục vụ cho sản xuất, mà mục đích để buôn bán kinh doanh, kiếm lợi nhuận do mặt hàng này lợi nhuận khá lớn.

Hàng ngàn container phế liệu tồn đọng ở cảng Cát Lái, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: VnEconomy. 

Theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, phần lớn hàng tồn đọng này đều là phế liệu nhựa, vỏ xe và giấy. “Việc hàng hóa tồn đọng tại các cảng dẫn tới các doanh nghiệp (DN) cảng phải luân chuyển nhiều lần vị trí các container trong bãi cảng. Điều này làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của DN VN. Đáng nói chi phí để tiêu hủy đối với một số hàng phế liệu rất cao, ngân sách phải gánh chịu” - vị lãnh đạo chi cục này chia sẻ.

Câu hỏi đặt ra là vì sao thời gian gần đây, lượng phế liệu lại dồn dập đổ về Việt Nam như vậy? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Năng Toàn, Giám đốc Trung tâm logistics thuộc Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: Gần đây chính sách thương mại của các cường quốc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi với diễn biến khó dự đoán. Đặc biệt là việc Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 1/1/2018. Từ đó một lượng lớn các mặt hàng này từ các nước phát triển không được nhập khẩu vào Trung Quốc mà sẽ tìm đường vào các nước châu Á khác, trong đó có VN. Trong đó chủ yếu là dây cáp điện, máy móc, thiết bị cũ, phế liệu nhựa, pin đã qua sử dụng...

Không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN, cảnh báo: “Tới đây, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển VN do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển. Vì thế có nguy cơ sẽ gây ra hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường, chi phí từ ngân sách để tiêu hủy, ách tắc tại các cảng biển VN khi hàng hóa không thể giải phóng”.

Do chính sách lỏng lẻo?

Theo các chuyên gia, cách quản lý của Việt Nam phức tạp nhưng cực kỳ lỏng lẻo, trong khi chi phí để "đổ" phế liệu về Việt Nam quá rẻ so với phải xử lý ở nước sở tại.

Và thế là nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này, kể cả gian lận để đẩy rác về Việt Nam. Hậu quả là rác đang chất đống ở các cảng.

Đại diện Công ty Tân Cảng Sài Gòn trao đổi với Tuổi trẻ cho biết, với hàng phế liệu, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhập về để sản xuất thực sự, nhưng cũng không ít doanh nghiệp nhập về bán lại.

Thời gian qua còn xuất hiện lý do nhập phế liệu về Việt Nam vì chi phí giải quyết cho một container nhựa phế liệu ở các nước khác rất lớn, trong khi ở Việt Nam chính sách thoáng hơn.

Chính sách quản lý lỏng lẻo cũng là nguyên nhân khiến các nước phát triển đổ dồn rác về Việt Nam. 

“Họ sẵn sàng bỏ ra 100 USD cước vận chuyển, thêm 1.000 USD đặt cọc vỏ container của tàu để đưa về Việt Nam. Theo quy định, nếu trong thời gian 90 ngày không có người nhận, Việt Nam sẽ là nước phải xử lý container đó. Thủ tục để xử lý những trường hợp như vậy rất nhiêu khê, đặc biệt là vấn đề môi trường” - đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết.

Vì lòng tham của doanh nghiệp

Trao đổi với báo Đất Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quân, nguyên Phó Trưởng khu (Bãi trung tâm), liên quan đến hoạt động đóng rút hàng tại Tân Cảng cho biết, việc nhập rác thải về gây ùn ứ là lỗi của doanh nghiệp trong nước.

Đồng tình với giải thích của lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng, việc ùn ứ có nguyên nhân từ chính sách siết, không tiếp nhận nhập khẩu hàng phế liệu từ Trung Quốc và một số quốc gia trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, nguyên nhân lớn hơn xuất phát từ lòng tham của doanh nghiệp Việt.

“Việc xử lý rác thải độc hại ở nước ngoài là vấn đề lớn, cần chi phí cao. Nhiều nước như Nhật, Mỹ, Hàn... còn phải trả thêm tiền để được mang rác đi.

Trong khi đó, chi phí để thuê các doanh nghiệp Việt chở rác về Việt Nam có thể lớn nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1/10 chi phí phải bỏ ra để xử lý rác.

Vì lòng tham, vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp trong nước đã biến các cảng biển của Việt Nam thành bãi đáp rác thải, nhận tiền từ nước ngoài chở rác về đổ đấy”, ông Quân chỉ rõ.

Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ phế liệu nhập về. 

Gay gắt lên án hành vi cố tình mang rác về nước để kiếm lợi của các chủ tàu, các doanh nghiệp Việt, ông Quân cho rằng, hành vi trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường Việt Nam cũng như gây nhiều khó khăn, tốn kém trong việc xử lý rác.

Để ngăn chặn nhập khẩu phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam.

Cục Hải quan Hải Phòng cũng vừa có văn bản đề nghị đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận chủ động có biện pháp kiểm soát việc ký kết hợp đồng vận chuyển các lô hàng phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng câu chuyện phế liệu tồn đọng tại các cảng hiện nay cần chính sách quốc gia, làm sao để kịp thời ngăn hàng phế liệu vào Việt Nam, trước nguy cơ Việt Nam trở thành bãi chứa rác của các nước.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao rác ngoại lại ồ ạt tràn về Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.