Thứ sáu, 29/03/2024 16:49 (GMT+7)

Trái Đất thay đổi đến ngỡ ngàng vì dịch Covid-19

MTĐT -  Thứ năm, 23/04/2020 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhờ lệnh giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia, bao gồm hạn chế đi lại và giảm hoạt động sản xuất, lượng khí thải gây ô nhiễm trên thế giới giảm mạnh.

Khí khải CO2 giảm mạnh

Trong bối cảnh các quốc gia tích cực áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa Covid-19 lây lan, chất lượng không khí tại các thành phố lớn của thế giới đã chứng kiến sự cải thiện rõ nét.

Thông tin trên được nêu ra trong báo cáo mới công bố của công ty Thụy Sĩ IQAir, dẫn dữ liệu từ chính quyền các thành phố New Delhi và Mumbai (Ấn Độ), London (Anh), Los Angeles và New York (Mỹ), Rome và Milan (Italia), Sao Paulo (Brazil), Seoul (Hàn Quốc) và Vũ Hán (Trung Quốc).

Bầu trời châu Âu trở nên trong xanh hơn nhờ lệnh phong tỏa.

Những thành phố thường nằm cuối bảng trên thế giới về chất lượng không khí nói trên đã “lột xác” hoàn toàn, với lượng bụi mịn lơ lửng giảm đáng kể. Theo báo cáo, trong giai đoạn 3 tuần các lệnh giãn cách xã hội được áp dụng, bụi mịn trong không khí tại New Delhi đã giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đối với Seoul là 54%, với Vũ Hán là 44%.

Phân tích của Lauri Myllyvirta, chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, cho thấy cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra tạm thời làm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) ở Trung Quốc giảm 25% và vẫn chưa quay lại mức bình thường hơn hai tháng sau khi đất nước áp dụng phong tỏa.

Nhóm chuyên gia của trang Carbon Brief ước tính Covid-19 có thể thúc đẩy sự sụt giảm lớn nhất về lượng khí khải CO2 trong năm 2020. Chuyên trang này dự đoán mức giảm lượng CO2 trong năm 2020 sẽ giảm 5,5% so với năm 2019, lớn hơn cả số liệu ghi nhận trong bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế hay chiến tranh nào trước đây.

Theo Reuters, dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy, từ ngày 14 đến 25/3, ô nhiễm không khí do chất NO2 ở những thành phố lớn tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý giảm khoảng 40%.

"Chúng tôi đều ngỡ ngàng vì con số 40% này, một sự suy giảm cực mạnh", ông Josef Aschbacher - Giám đốc các Chương trình quan sát Trái đất thuộc ESA cho biết.

Ngay tại Paris, những ngày giãn cách xã hội đã trả lại bầu không khí trong lành nhất cho thành phố so với cùng kỳ nhiều năm, và tốt nhất từ đầu năm 2020 đến nay.

Ở Anh, hãng YouGov thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 4.000 người trên cả nước thì đến hơn 50% cho rằng cảm nhận thật sự chất lượng không khí cải thiện đáng kể. Ngoài ra, hơn 25% chia sẻ nhìn thấy động vật hoang dã nhiều hơn trong giai đoạn hạn chế đi lại do giãn cách xã hội.

Chuyên gia Matthew Taylor - Hiệp hội Hoàng gia Anh về nghệ thuật, sản xuất và thương mại (RSA) - nhận định dịch COVID-19 cũng là lúc con người nhìn lại tác động đáng kể của hoạt động sản xuất và sinh hoạt tới môi trường sống. Theo ông, sức khỏe của Trái đất và sứ mệnh phát triển kinh tế, xã hội là không thể tách rời.

Tại tâm dịch New York ở Mỹ, các nhà nghiên cứu từ ĐH Columbia cho biết lượng CO2 từ ôtô giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019 khi số lượng xe chạy trên đường đã giảm đến 35%.

Nhóm nhà khoa học ở Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan đo lượng NO2 ở Madrid, Milan và Rome từ 13/3 đến 13/4/2020 giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ấn Độ, nơi tập trung nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới trước Covid-19, cũng có chất lượng không khí được cải thiện. Dữ liệu từ vệ tinh Terra của NASA cho thấy lượng bụi mịn trong không khí từ cả nguồn nhân tạo và tự nhiên ở các nơi thuộc miền bắc Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm sau khi đất nước tiến hành phong tỏa. Một số cư dân sống ở thành phố Jalandhar thuộc bang Punjab có thể trông thấy dãy Himalayas hay còn gọi là dãy Dhauladhar ở xa hơn 160 km. Trước đó, người dân địa phương đã không thể trông thấy những đỉnh núi suốt nhiều thập kỷ. 

Trái đất trở nên yên tĩnh hơn

Một trong những ảnh hưởng khác thường của Covid-19 lên hành tinh là các nhà địa chất học nhận thấy lượng tiếng ồn địa chấn, những rung động kéo dài liên tục trong lòng đất giảm do hạn chế hoạt động của con người cũng như nhiều yếu tố khác ở khu vực đô thị.

Những rung động do nhà máy, xe cộ và sinh hoạt thường nhật của con người gây ra đã tạo âm thanh nền khiến vỏ Trái đất di chuyển gây ra các sóng địa chấn. Điều này được ghi nhận bởi hàng ngàn thiết bị đo sóng địa chấn được cài đặt đắp khắp thế giới.

Nhà địa chấn học Thomas Lecocq của Đài quan sát hoàng gia ở Bỉ vừa phát hiện tiếng động địa chấn đã giảm từ 30 – 50% ở Brussels kể từ giữa tháng trước, trùng vào thời điểm nước này đóng cửa trường học và hoạt động kinh doanh để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ là vấn đề trên mặt đất, nó cũng gây nhức nhối dưới biển. Nhà sinh thái học đại dương Michelle Fournet ở Đại học Cornell (New York) đặt máy ghi ở ngoài khơi bờ biển Alaska và Florida, đây là một phần công việc thường ngày của cô nhằm nghiên cứu về môi trường sống của cá voi lưng gù.

“Không còn tàu du lịch hay tàu đánh bắt cá xa bờ, đây là lần đầu tiên trong rất nhiều thập kỷ tôi ghi nhận được sự im lặng đến ngỡ ngàng từ đại dương,” Fournet cho biết. Theo nghiên cứu, tiếng ồn từ tàu biển làm tăng hormone căng thẳng của sinh vật biển, điều này ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh sản của chúng.

Cá voi là một trong những loài nhạy cảm nhất với tiếng động công nghiệp hàng hải, chúng ngừng phát ra sóng siêu âm khi có tàu hàng đến gần và tiếp tục công việc khi con người đi qua. Những bước sóng này chính là ngôn ngữ giúp chúng giao tiếp với nhau từ dưới những lớp nước sâu, việc gián đoạn đồng nghĩa với việc chúng tạm ngừng nói chuyện với đồng loại.

Mặc dù các tín hiệu lạc quan đang xuất hiện ở khắp mọi nơi, động vật và thiên nhiên đã giành lại được một phần vốn bị “chiếm giữ” bởi con người suốt thời gian qua, nhưng các nhà khoa học cho biết điều này chỉ là tạm thời và rất khó để duy trì nó kéo dài lâu hơn sau khi hết dịch bệnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Trái Đất thay đổi đến ngỡ ngàng vì dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.