Thứ năm, 18/04/2024 19:01 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/10/2018

MTĐT -  Thứ năm, 04/10/2018 09:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/10/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/10.

Đà Nẵng: Người dân lại vây hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc

Liên quan đến vụ việc người dân sống xung quang hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc đã tập trung trước cửa hai nhà máy để phản đối, trao đổi với Môi trường và Đô thị, ông Huỳnh Văn Tân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Dana Ý cho biết: “Sau 6 tháng hoạt động tạm thời đến nay đã kết thúc, người dân lại tiếp tục kéo đến bao vây nhà máy. Chính quyền thành phố nên có câu trả lời rõ ràng với người dân và doanh nghiệp chứ không thể kéo dài mãi được. Việc đóng cửa nhà máy thép Dana Ý ảnh hưởng đến 1.000 công nhân, tác động trực tiếp đến 2.000 gia đình và hơn 4.000 trẻ em”.

Việc tạm dừng hoạt động của nhà máy đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Từ việc thiếu sót trong quy hoạch Cụm công nghiệp Thành Vinh đến sự không nhất quán về chủ trương và thực hiện chủ trương của thành phố đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư?”, ông Huỳnh Văn Tân, nói.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần thép Dana Úc cũng lâm vào cùng cảnh ngộ. “Nếu cứ tiếp tục như thế này khoảng 2 tháng nữa thì công ty sẽ phải tuyên bố phá sản”, ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Công ty CP thép Dana Úc, chia sẻ.

Thấp thỏm đê kè trước mùa bão lũ

Hơn 3.000 người dân có nhà cửa kề sát đoạn đê dài hơn 4km trong tổng số chiều dài tuyến đê biển 13km thuộc xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đang sống trước “miệng hà bá”. Chưa dừng lại, dọc bờ biển Kỳ Lợi hầu như không còn rừng phòng hộ nên mỗi khi xảy ra mưa bão, triều cường, sóng biển đánh vào khiến bờ biển bị sạt lở trên diện rộng, bờ cát bị sạt lở ăn sát vào nghĩa trang, đất vườn của người dân.

Theo ông Chu Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, xã đã nhiều lần kiến nghị đề xuất xây kè, đê biển kiên cố và khảo sát số hộ dân trong vùng nguy hiểm bị sạt lở để trình các cấp xem xét, hỗ trợ kinh phí di dời, nhưng đặc thù địa phương nằm trong vùng quy hoạch di dời, mặt khác đường bờ biển dài, kinh phí xây bờ kè, đê biển quá lớn nên chính quyền các cấp vẫn chưa có phương án.

Thời gian gần đây, tình trạng xói lở bờ biển ở ven biển từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Phú Yên đã và đang xảy ra một cách dữ dội. Kết quả điều tra và tính toán của nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý và Trường Đại học Quy Nhơn, khu vực miền Trung xói lở ở 233 đoạn có tổng chiều dài lên đến 492km. Riêng tỉnh Quảng Trị, hiện có 10km bờ biển bị xói lở, 6km đặc biệt nghiêm trọng. Những năm qua, Quảng Trị đã cho tu sửa các hệ thống đê biển, nhưng chỉ làm theo kiểu chắp vá. Với tốc độ xói lở như hiện nay, các khu di tích, công trình công cộng, hàng trăm hécta đất sản xuất, hàng ngàn nhà ở của người dân sẽ khó tồn tại trước sự xâm thực của biển.

Xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội)

Theo báo Nhân dân đưa tin, tại khu vực cụm dân cư số 5 và số 6, xã Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) có nhiều cơ sở sản xuất cơ khí, miến, bim bim… thuê đất của Công ty cổ phần Cồn, giấy, rượu Hà Tây xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Hiện một số đơn vị đã bị UBND huyện Phúc Thọ xử phạt nhưng để phòng ngừa việc xả thải sai quy định của các cơ sở này, các ban, ngành của huyện cần đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu hơn.

Ông Ðỗ Hữu Cát, 61 tuổi, ở xã Tam Hiệp (Phúc Thọ) cho biết: Trước đây không khí ở đây rất trong lành. Tại các mương máng có nhiều cá, tôm… sinh sống. Từ khi Công ty cổ phần Cồn, giấy, rượu Hà Tây (Công ty) cho một số đơn vị sản xuất bim bim, chế biến miến, cơ khí, thú nhồi bông… thuê đất để làm xưởng sản xuất khiến môi trường bị ô nhiễm. Nhà có nhiều cháu nhỏ cho nên chúng tôi phải thường xuyên đóng cửa để tránh khói đen, mùi khét nồng nặc thải ra từ các cơ sở sản xuất ở đây có thể gây các bệnh về hô hấp. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Gia Khánh mỗi lần sản xuất cọc bê-tông, bê-tông tươi đều xả thải trực tiếp ra đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. Các hộ dân nhiều lần gửi đơn phản ánh lên xã và các ban, ngành của huyện nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng…

Theo đại diện lãnh đạo Phòng TN và MT huyện Phúc Thọ, sau khi phát hiện những sai phạm của Công ty, huyện chỉ đạo các ban, ngành kiểm tra, giám sát việc khắc phục các sai phạm này. Ðồng thời đưa Công ty vào danh sách kiến nghị Sở TN và MT thành phố Hà Nội thanh tra toàn diện công tác quản lý sử dụng đất và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở kiến nghị của UBND huyện Phúc Thọ, Sở TN và MT thành phố đã ban hành Quyết định số 926/QÐ-STNMT-TTr thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường đối với Công ty...

Về phía đơn vị, bà Nguyễn Thị Nhàn, Giám đốc Công ty cũng gửi lãnh đạo Phòng TN và MT huyện văn bản thừa nhận một số sai phạm, đồng thời nêu rõ các giải pháp khắc phục vi phạm và cam kết hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật...

Hà Nội: Chất lượng không khí các điểm giao thông xấu đi

Theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô từ 15h ngày 2/10 đến 14h ngày 3/10 do Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội) công bố, chất lượng không khí trong ngày tại các điểm quan trắc ở mức trung bình, riêng AQI khu vực Minh Khai tiếp tục ở mức kém. 

Cụ thể, AQI tại 10 trạm quan trắc: Trung Yên 3: 78 (Trung bình); Minh Khai – Bắc Từ Liêm: 117 (Kém); Hoàn Kiếm: 54 (Trung bình); Hàng Đậu: 76 (Trung bình); Kim Liên: 63 (Trung bình); Thành Công: 71 (Trung bình); Tân Mai: 54 (Trung bình); Mỹ Đình: 59 (Trung bình); Phạm Văn Đồng: 92 (Trung bình) ; Tây Mỗ: 62 (Trung bình).

AQI đo được tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô từ 15h ngày 2/10 đến 14h ngày 3/10 dao động từ 54 - 117. So với hôm qua, chỉ số đo tại các khu vực: Trung Yên, Hoàn Kiếm, Hàng Đậu, Kim Liên, Thành Công, Mỹ Đình, Tây Mỗ, Tân Mai giảm nhẹ; trạm Phạm Văn Đồng giữ nguyên trong khi điểm quan trắc giao thông hướng ra ngoại thành Minh Khai tăng cao (101 lên 117). Trong ngày không có khu vực nào đạt chất lượng không khí tốt. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp chất lượng không khí tại trạm Minh Khai ở mức xấu.

Nguyên nhân do thời tiết tại Hà Nội nhiều nắng, gió nhẹ giúp các chất gây ô nhiễm phát tán lên các tầng khí quyển cao hơn, do vậy đa phần các khu vực có chỉ số AQI được cải thiện. Tuy nhiên, tại các điểm giao thông lượng phương tiện vẫn liên tục tăng cao, khiến chất lượng không khí tại các điểm này đang xấu đi.

Bình Dương: Rác thải “bủa vây” nhiều trạm xe bus

Tình trạng rác thải "bủa vây" nhiều trạm xe bus ở Bình Dương đang gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong dư luận.

Với người dân TP. HCM, ra khỏi quốc lộ 13, nhiều người sẽ nhẹ nhõm, thoải mái khi tới đoạn giữa Thuận An và TP Thủ Dầu Một vì đường rộng, ít xe hơn. Tuy nhiên, đối với hành khách đi xe bus lại chưa thoát khỏi tâm lý bực bội vì tình trạng rác thải "bủa vây" những trạm xe bus ở khu vực này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.