Thứ năm, 28/03/2024 22:48 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/10/2018

MTĐT -  Thứ sáu, 12/10/2018 10:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/10/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/10/2018.

Hơn 30km bờ biển ở TT- Huế bị sạt lở nghiêm trọng

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh TT- Huế, do ảnh hưởng của các đợt thiên tai vừa qua khiến hơn 30km trên tổng chiều dài 127 km đường bờ biển sạt lở , trong đó có 12 điểm sạt lở nghiêm trọng, đe doạ cuộc sống hơn 2.000 hộ dân.

Trước tình hình sạt lở bờ biển đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất người dân , đầu năm 2018, HĐND tỉnh TT - Huế cũng đã thống nhất, quyết định chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền, chiều dài 3,1km, với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm, nhằm bảo vệ trực tiếp khu dân cư tập trung của 5 xã vùng bãi ngang ven biển với khoảng 1.316 hộ dân, hơn 450 ha lúa, 85 ha nuôi trồng thủy sản…

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh TT- Huế cho biết, thời gian qua nhiều tuyến đê kè chống sạt lở bờ biển đã được triển khai phát huy hiệu quả nhưng đây cũng chỉ giải pháp tạm thời. Hiện địa phương đang tính toán phương án đầu tư chống sạt lở phù hợp và lâu dài nhưng trước mắt, tỉnh tập trung ưu tiên các điểm sạt lở ở Quảng Công (Quảng Điền), Phú Thuận, Vinh Thanh (Phú Vang), như Vinh Hải (Phú Lộc)… Dự tính nguồn kinh phí để đầu tư phương án chống sạt lở lâu dài phải cần khoảng 1.700 tỷ đồng.

Trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường

Báo Nhân dân đưa tin, thời gian qua, hơn 30 gia đình ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do một trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn trên địa bàn gây ra.

Trước đây, môi trường khu vực xóm Soi Vàng trong lành, dễ chịu, người dân dùng nước giếng để sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở lại đây, ông Trần Xuân Phong xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Mơ, ở xóm Soi Vàng bức xúc cho biết: Trang trại chăn nuôi lợn xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm, khiến nước giếng có mùi hôi, tanh cho nên hằng ngày chúng tôi phải đi mua nước về để uống, nấu ăn, rất tốn kém và mất thời gian. Diện tích ruộng của một số hộ bị nước thải từ trang trại chăn nuôi chảy ra gây ô nhiễm, không canh tác được.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, ở xóm Soi Vàng, từ khi có trang trại chăn nuôi lợn đến nay, tình trạng ô nhiễm kéo dài cả ngày lẫn đêm, nhất là vào buổi chiều, khi trang trại tiến hành vệ sinh, xả nước, quạt gió thì mùi hôi nồng nặc bốc ra, nhiều gia đình phải đóng cửa. Cực nhất là người già, trẻ em ở nhà cả ngày phải chịu cảnh không khí ô nhiễm. Trang trại chăn nuôi lợn của ông Trần Xuân Phong rộng khoảng 1 ha, thường xuyên nuôi hàng nghìn con lợn thịt, lượng chất thải đổ ra rất lớn, nhưng các công trình bảo vệ môi trường không bảo đảm cho nên nước thải chảy ra suối có mầu đen ngòm, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ đây có thể phát tán dịch bệnh chăn nuôi đối với địa phương.

Được biết, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập biên bản hiện trạng đối với trang trại chăn nuôi lợn này. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường của cơ sở chăn nuôi này vẫn chưa được cải thiện.

Quảng Nam: 36 tỷ đồng bảo vệ đảo ngọc Tam Hải khỏi xâm thực của biển

Là một trong 3 trụ cột của tam giác kinh tế biển đảo Cù Lao Chàm-Tam Hải (Quảng Nam)-Lý Sơn (Quảng Ngãi), xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành được xem như viên ngọc quý chưa qua mài giũa để trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Tam Hải còn đang được tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án trình Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Tuy nhiên, vì nằm giữa biển, vào mùa mưa, bờ biển xã Tam Hải bị sóng biển gây sạt lở nhiều nơi, có nơi sóng ăn sâu hàng chục mét, kéo dài hàng trăm mét.

Nỗ lực trong việc bảo vệ Tam Hải trước sự xâm thực ngày càng dữ dội của sóng biển bước đầu đã thu được những kết quả khả quan.

Để ngăn chặn sự xâm thực ngày càng dữ dội của sóng biển, cách đây hàng chục năm, xã đảo Tam Hải đã được đầu tư xây dựng tuyến kè biển xung yếu nhằm bảo vệ nhà cửa, vật kiến trúc, cơ sở hạ tầng và đất sản xuất của người dân.

Trước sự công phá mạnh của triều cường và sóng biển trong mùa mưa bão, tuyến kè xung yếu bảo vệ xã đảo Tam Hải đã bị hư hỏng nặng, khiến đời sống và sản xuất của hàng trăm hộ dân ở hai thôn Tân Lập và Thuận An bị xáo trộn.

Hàng chục gia đình bị mất nhà do sóng biển và triều cường gây sạt lở. Nạn mất đất sản xuất, nhà cửa bị triều cường và sóng biển đe dọa, nhiều năm liền là mối lo thường nhật của người dân xã đảo.

Đầu năm 2018 này, tuyến kè ở khu vực sạt lở năng nhất của xã đảo Tam Hải dài 1,8km đã được xây dựng với nguồn kinh phí hơn 36 tỷ đồng, trong dự án tổng thể lên đến hàng trăm tỷ đồng nhằm ngăn chặn tình trạng xói lở ngày càng nghiêm trọng và ổn định đời sống cho người dân.

Xây dựng NTM thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 11/10 tại TP Yên Bái, Văn phòng điều phối NTM Trung ương phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo “Xây dựng NTM bền vững từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động phòng, chống thiên tai ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc”… Tham dự có 14 tỉnh miền núi phía Bắc, các Cục, Vụ của Bộ NN-PTNT cùng nhiều tổ chức quốc tế.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM TƯ phát biểu đề dẫn, đặt ra nhiều vấn đề như SX nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam mỗi năm phải hứng chịu hơn 10 cơn bão đã tàn phá SX nông nghiệp và nông thôn rất nặng nề. Hạn hán kéo dài, làm giảm 20-30% năng suất cây trồng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân.

Ông Đặng Quang Minh, Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục PCTT) đã đưa ra những con số rủi ro thiên tai và giải pháp phòng, chống hiệu quả. Trong 20 năm qua, cả nước đã hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần) đã gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng tác động xấu tới môi trường sống, SX, kinh doanh của người dân nhất là khu vực nông thôn, nông nghiệp.

Số lượng người chết và mất tích hàng năm do thiên tai trên 300 người; Thiệt hại vật chất khoảng 1- 1,5% GDP. Cụ thể, năm 2016 thiệt hại kinh tế do thiên tai gần 40.000 tỷ, tương đương 1,77 tỷ USD, 11 tháng đầu năm 2017, thiệt hại gần 60.000 tỷ, tương đương 2,64 tỷ USD.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.