Thứ năm, 28/03/2024 19:07 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 7/8

MTĐT -  Thứ ba, 07/08/2018 17:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tràn lan lò gạch hoạt động không phép; TP. Biên Hòa: Cầu cống ngập rác sau cơn “đại hồng thủy”… là một số tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 7/8.

Gia tăng lũ lụt do khai thác trắng rừng trồng

Theo VTV, thời điểm này, tại các tỉnh Nam Trung Bộ, nhiều diện tích rừng trồng keo lá tràm được khai thác trắng đồng loạt trước mùa mưa lũ.

Thực tế này đang khiến khu vực miền núi xuất hiện những đồi trọc. Đây chính là nguy cơ làm gia tăng tình trạng sạt lở, lũ lụt trong mùa mưa lũ sắp tới.

Do lo ngại việc khai thác rừng trồng gặp trắc trở trong mùa mưa nên rừng keo lá tràm nào đến tuổi và được giá bán, người dân tiến hành khai thác ngay. Khai thác đến đâu, người dân phát dọn thực bì đến đó, thậm chí đốt sạch thực bì trên đồi.

Trong khi đó, ở vùng núi các tỉnh Nam Trung Bộ, độ che phủ rừng chủ yếu là rừng trồng. Vì vậy, kiểu khai thác trắng như hiện tại sẽ làm gia tăng lũ lụt và sạt lở đất.

Thống kê mới nhất, Nam Trung Bộ là khu vực có độ che phủ rừng đứng thứ 3 trên cả nước, sau Bắc Trung Bộ và Đông Bắc với tổng diện tích rừng là hơn 1,77 triệu hecta, độ che phủ rừng là 38,9%.

Tràn lan lò gạch hoạt động không phép

Tại Hòa Bình, Bắc Giang, rất nhiều lò gạch trái phép đã mọc lên không theo quy hoạch nào đang có nguy cơ gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới tài nguyên của địa phương.

Trong khi đó, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển gạch không nung, giảm các lò gạch thủ công.

Tại tỉnh Hòa Bình, khoảng 2 km đã có đến 20 lò gạch. Một số lò gạch nằm trên địa bàn xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Người dân ở đây cho biết đất làm nguyên liệu cho lò gạch là do xẻ núi mà có.

Tương tự, đại diện huyện Thanh Lương, tỉnh Hòa Bình cho biết hiện có 17 doanh nghiệp hoạt động lò gạch trên huyện. Riêng xã Thanh Lương có 7 lò gạch nhưng có 2 lò hoạt động không được cấp phép.

Tình trạng xẻ đồi lấy đất không chỉ diễn ra tại Hòa Bình mà tại Bắc Giang, tình trạng này cũng đang diễn ra. Số đất được san lấy từ các quả đồi bị san lấp lại được vận chuyển đến nhà máy sản xuất gạch Tân Xuyên ngay gần đó. Người dân cho biết nhà máy rộng hàng trăm ha này đã hoạt động liên tục từ nhiều năm nay và nguyên liệu là đất được lấy từ hàng chục quả đồi xung quanh.

TP. Biên Hòa: Cầu cống ngập rác sau cơn “đại hồng thủy”

Theo báo CAND, 2 ngày qua, người dân tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) “khốn khổ” vì tình trạng ngập nặng, giao thông ùn tắc tại một số tuyến đường do mưa lớn. Bên cạnh đó là rác rưởi chèn đọng kín mặt cầu, cống thoát nước góp phần gây ra ngập úng nghiêm trọng hơn.

Theo ghi nhận của PV Báo Công an TP.HCM, tại TP. Biên Hòa nơi có nhiều điểm ngập trong những ngày qua đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đến giao thông, môi trường đô thị, cuộc sống sinh hoạt...

Cụ thể, tại cây cầu khu vực KP.1, P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) bị ứ đọng hàng đống rác chèn ngang cầu. Mỗi khi có mưa lớn gây ngập người dân phải bì bõm dùng gậy gộc để khơi thông dòng chảy trông rất nguy hiểm.

Trận mưa lớn vào chiều tối 6/8, vừa qua gây ngập nặng tại nhiều nơi ở TP. Biên Hòa đặc biệt là vòng xoay cổng 11, QL51 và đường Đồng Khởi. Nước mưa chảy ào ạt cuốn trôi nhiều rác chèn kín các mặt cống thoát nước trông rất nhếch nhác.

Dân lo mất đất trước miệng hà bá

Hàng trăm mét khối đất, cây trồng và cả trụ điện cao thế đều bị "hà bá" cuốn phăng xuống sông Đạ Quay (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng). Sạt lở gây thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng, khiến người dân vô cùng lo lắng

Nước sông Đạ Quay liên tục dâng cao những ngày vừa qua đã khiến đoạn gần cầu Đạ Quay trên Tỉnh lộ 721, nối huyện Đạ Huoai và huyện Đạ Tẻh, sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm mét khối đất, cây trồng và trụ điện cao thế bị "hà bá" nuốt chửng dưới dòng xoáy cuồn cuộn nước lũ. Đoạn sạt lở dài hơn 400 m, rộng 20 m, sâu 4 m ăn vào vườn rẫy của hàng chục hộ dân trên địa bàn thôn 3, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai cuốn phăng hàng chục cây sầu riêng, cà phê, măng cụt, dâu tằm..., gây thiệt hại hơn 2.000 m2 đất nông nghiệp.

Ông Võ Văn Đào, Chủ tịch UBND xã Đạ Oai, cho biết lực lượng chức năng xã đã khảo sát và báo cáo vụ việc lên UBND huyện để phối hợp với Điện lực Đạ Huoai và huyện Đạ Tẻh di dời trụ điện, khắc phục hậu quả. Đồng thời, đề xuất phương án khi nước sông rút xuống sẽ khai thông dòng chảy tránh sạt lở ảnh hưởng đến người dân.

TP HCM: Khổ vì mùi hôi khi qua cầu Bình Triệu

Nước từ sông Bình Triệu, quận Bình Thạnh (TP. HCM) chảy vào sông Sài Gòn dưới chân cầu Bình Triệu bốc mùi hôi thối, khiến người dân khổ sở khi mỗi ngày lưu thông qua cầu này.

Mỗi ngày ở cầu Bình Triệu có hàng nghìn người dân lưu thông qua, người dân khi qua đây phải bịt mũi, khổ vì mùi hôi từ dưới chân cầu bốc lên bức tử.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, mùi hôi xuất hiện trên cầu do dòng nước từ sông Bình Triệu vào sông Sài Gòn khu vực gần chân cầu bị ô nhiễm bốc mùi hôi thối. Ghi nhận của phóng viên tại con sông này, dòng nước đục đen bốc mùi hôi rất khó chịu và đủ loại rác thải trôi nổi trên con rạch, dòng nước từ sông này cũng do nước từ con rạch Cầu Sơn đổ vào. Người dân sống gần sông Bình Triệu cho biết, tình trạng con sông bị ô nhiễm bốc mùi đã nhiều năm nay.

Ông Hồ Thành Nam, người dân ở đây, phản ánh mỗi ngày đều phải hứng chịu mùi hôi từ con sông bốc lên, nhất là vào những ngày nắng nóng. Theo ông Nam, nguyên nhân nước ở con sông này ô nhiễm có thể do nhiều xí nghiệp đóng hai bên bờ sông này xả thải ra môi trường và nước ô nhiễm từ con rạch Cầu Sơn đổ vào sông Bình Triệu. Dọc con sông này có hai công ty giết mổ gia súc đang hoạt động là Xí nghiệp chế biến thực phẩm Nam Phong, Công ty Việt Nam kĩ nghệ Súc Sản.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 7/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.