Thứ ba, 23/04/2024 20:45 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 6/8

MTĐT -  Thứ hai, 06/08/2018 10:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội: Chủ động phòng ngừa ô nhiễm sau úng ngập; Châu Âu hứng chịu thiệt hại vì nắng nóng kỷ lục… là một số tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 6/8.

Hà Nội: Chủ động phòng ngừa ô nhiễm sau úng ngập

Do ảnh hưởng mưa lũ, thời gian qua, toàn thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) bị nước lũ cô lập. Ông Nguyễn Hữu Thức (thôn Thông Đạt) cho biết, hơn chục ngày nước tràn vào nhà đã kéo theo nhiều loại rác, xác gia súc, gia cầm.

Còn tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) - địa phương bị ngập nặng, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chiến Thắng, ngoài những khó khăn về sinh hoạt thì vấn đề đáng ngại trong những ngày qua là rác thải, ô nhiễm...

Để xử lý kịp thời rác thải phát sinh cũng như phòng tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường sau khi nước rút, từ sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể cùng người dân địa bàn bị ảnh hưởng bởi ngập lụt đã tích cực phát huy phương châm "4 tại chỗ".

Ông Nguyễn Tiến Thiệp, ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, kể: “Khi mưa lớn bắt đầu, các hộ trong thôn đã bảo nhau xử lý rác thải, vệ sinh chuồng trại nhằm tránh rác theo nguồn nước tràn vào nhà”.

Thực tế, vấn đề xử lý môi trường, phòng tránh nguy cơ ô nhiễm trong mùa mưa bão luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao. Các sở, ngành chức năng cũng chủ động hướng dẫn các địa phương về công tác này: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Công văn số 4976/STNMT-CCBVMT về triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường; Chi cục Thú y Hà Nội ban hành Công văn 583/TY-YT về triển khai tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường sau mùa mưa bão năm 2018...

Trên cơ sở những chỉ đạo và hướng dẫn này, các địa phương, sở, ngành liên quan phối hợp xây dựng phương án phù hợp. Nhiều phương án vệ sinh môi trường đã được các địa phương tích cực thực hiện, tập trung vào các khu vực và công việc trọng điểm: Khử trùng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy xác động vật; khu thu gom rác thải, chất thải; các nơi nguy cơ liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm…

Tại Chương Mỹ, Quốc Oai và các huyện bị ngập úng, những ngày qua cùng với mực nước lũ rút dần, chính quyền và nhân dân khẩn trương phục hồi sản xuất, kết hợp với tổng vệ sinh môi trường các khu dân cư, trường học, trạm y tế... Các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với công ty môi trường thu gom, vận chuyển rác thải kịp thời. Trung tâm y tế các huyện đã bám sát địa bàn, phun thuốc khử trùng phòng dịch bệnh, đồng thời cấp phát phèn chua để lọc nước và nhiều loại thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Châu Âu hứng chịu thiệt hại vì nắng nóng kỷ lục

Trong tuần qua, một nửa các nước châu Âu đã phải ban bố báo động cam (mức độ cao thứ 2) về nguy cơ nhiệt độ rất cao. Trong khi đó, tại các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Croatia, nhà chức trách đã phải ban bố báo động đỏ - mức báo động cao nhất - về tình trạng nhiệt độ cực cao.

Những cơn gió nóng từ sa mạc Sahara mang theo nhiệt độ cao đỉnh điểm đã tấn công hàng loạt các nước châu Âu, đặc biệt các nước nằm trên bán đảo Iberia. Tại Pháp, nhiệt độ thực tế đo được tại 54 tỉnh, thành phố đã vượt mức 40 độ C. Một số thành phố tại Tây Ban Nha, nhiệt độ đã đạt 45 độ C. Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ kỷ lục đã được ghi nhận ở mức 46,8 độ C tại khu vực Alvega), phía bắc thủ đô Lisbon, vượt qua mốc nhiệt kỷ lục năm 1981 là 43 độ C.

Nắng nóng đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người dân châu Âu. 3 người đã thiệt mạng tại Tây Ban Nha vì nhiệt độ không khí quá cao. Cháy rừng bùng phát tại một số nơi ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Nhiều tuyến đường ở Cao Bằng sạt lở, vật nuôi bị cuốn trôi

Mưa lớn kéo dài làm mực nước các sông, suối dâng cao làm ngập cục bộ nhiều khu vực của các huyện Hà Quảng; Hòa An; Quảng Uyên; Trùng Khánh… gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, diện tích cây trồng và nhiều công trình công cộng.

Ước tính sơ bộ có trên 500 căn nhà, gần 400 ha hoa màu bị ngập, hơn 120 ha ao cá và gần 50.000 con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở với khối lượng hàng ngàn mét khối đất đá, 2 cầu dân sinh bị phá hủy.

Hiện trên địa bàn Cao Bằng vẫn có mưa làm mực nước sông Bằng tiếp tục dâng cao.

Lượng mưa đang ảnh hưởng lớn tới chất lượng không khí tại Hà Nội

Tổng hợp dữ liệu quan trắc chất lượng không khí (AQI) tại 10 đo trên địa bàn TP Hà Nội tuần qua (29/7 - 4/8) cho thấy, số ngày có chỉ số chất lượng không khí đạt mức tốt giảm nhẹ so với tuần trước tại các điểm quan trắc khu vực dân cư. Trong tuần này chỉ số AQI dao động trong khoảng 39 - 103. Các trạm nền đô thị AQI khá thấp dao động trong khoảng 39 - 79, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 45 - 103.

Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, chất lượng không khí trong tuần qua có nhiều ngày đạt mức trung bình hơn so với tuần trước đó. Cụ thể khu vực Kim Liên số ngày AQI ở mức tốt đạt 71.4%, Trung Yên 3 đạt 57.1%, Tân Mai và Tây Mỗ là 42.9%, Mỹ Đình là 28.6% không có bất kỳ chỉ tiêu quan trắc nào trong những khu vực này vượt giới hạn cho phép.

Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, trong tuần này điểm quan trắc Phạm Văn Đồng chất lượng không khí vẫn tiếp tục duy trì ở mức khá tốt, 100% số ngày có AQI đều ở mức trung bình. Riêng trạm quan trắc Minh Khai có 1 ngày chỉ số chất lượng không khí chạm ngưỡng kém (ngày 4/8). Chỉ số AQI cao nhất trong tuần tại 2 điểm quan trắc này lần lượt là 103 và 94.

Tại các điểm quan trắc giao thông nội thành là Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, AQI luôn ở mức trung bình. Chỉ số AQI của trạm quan trắc Hàng Đậu gần như không có biến động nhiều so với những chỉ số được ghi nhận của tuần trước đó, trạm Hoàn Kiếm có tỷ lệ số ngày AQI đạt mức tốt đạt 28.6%.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 6/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới