Thứ sáu, 29/03/2024 13:59 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 1/8

MTĐT -  Thứ tư, 01/08/2018 10:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội: Hiệu quả với môi trường xanh trong lòng đô thị; Lò đốt rác “đắp chiếu”, người dân phải sống chung với ô nhiễm... Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 1/8.

Hà Nội: Hiệu quả với môi trường xanh trong lòng đô thị

Cùng với hệ thống các ao hồ, cây xanh giữ một vai trò quan trọng, bởi ngoài chức năng điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, cây xanh còn làm tăng tính thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc. Tuy vậy, nếu xét về chỉ số diện tích cây xanh trên đầu người của Hà Nội trước kia so với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo đó, nếu như tại thủ đô Paris của nước Cộng hòa Pháp có chỉ số diện tích cây xanh trên đầu người là 25 m2/người; thủ đô của Singapore, một trong những nước nằm cùng khu vực Đông Nam Á với Việt Nam có chỉ số diện tích cây xanh lên tới 30,3 m2/người; thậm chí thủ đô Seoul của Hà Quốc còn lên đến là 41 m2/người… trong khi đó chỉ số diện tích cây xanh trên đầu người thủ đô Hà Nội của chúng ta chỉ đạt khoảng 2 m2/người.

Xuất phát từ thực tế trên, ngày 5/6/2016 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – Nguyễn Đức Chung bắt đầu khởi xướng chương trình trồng 1 triệu cây xanh, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020. Qua tìm hiểu, được biết cho đến nay, sau hơn 2 năm triển khai con số cây xanh được trồng mới đã lên tới gần 500.000 cây, trong đó tính riêng quý I năm 2017 đã trồng được 9.248 cây, có đường kính trên 25cm, đặc biệt cây trồng mới là những cây được lựa chọn cẩn thận và có giá trị cao về tính quý hiếm, kiến trúc cảnh quan, môi trường sinh thái phù hợp với quá trình đô thị hóa của Hà Nội như các loại cây: Sang, hoa Ban, Chà Là, Cọ dầu...

Bình Thuận họp báo 6 tháng đầu năm 2018: Lĩnh vực môi trường được quan tâm

Theo báo TN&MT đưa tin, chiều 30/7, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, chủ trì buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, với sự tham dự của đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại buổi họp, các cơ quan, ban ngành đã giải đáp một số thắc mắc của các cơ quan báo chí, trong đó lĩnh vực môi trường được phóng viên đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, tại buổi họp báo, các phóng viên, cơ quan thông tấn báo chí đã đưa ra nhiều câu hỏi, liên quan đến các vấn đề gây bức xúc trong dư luận suốt thời gian qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, đời sống của người dân như: công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã đủ mạnh để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chưa? công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án lớn (dự án nhiệt điện Vĩnh Tân) đã được quan tâm giám sát chặt chẽ chưa?...

Bên cạnh đó, một số phóng viên đặt câu hỏi trực tiếp, đề nghị lãnh đạo Sở TN&MT Bình Thuận trả lời các vấn đề như: Sở TN&MT đã thành lập đoàn kiểm tra và có phương án giải quyết vụ súc lò hơi làm khói đen bốc lên gây ô nhiễm môi trường ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1? Vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển gần Nhà máy điện Vĩnh Tân ngày 15/7/2018 đến nay, Sở TN&MT và Sở NN&PTNT đã đánh giá được nguyên nhân ?…

Tại cuộc họp, ông Hồ Lâm - Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, đã trực tiếp trả lời các câu hỏi các phóng viên đặt ra. Theo đó, về việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý có hiệu quả các điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh; kiên quyết trong việc tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp huyện, cấp xã và các đơn vị có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà không xử lý, có hiện tượng buông lỏng, móc nối…

Về việc đánh giá nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt tại Thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; Sở TN&MT Bình Thuận đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức khảo sát thực tế và lấy mẫu nước biển, mẫu trầm tích, mẫu cá tại các lồng bè gửi Chi cục Thú y Vùng VI - TP.HCM để phân tích các nguyên nhân liên quan đến dịch bệnh.

Lò đốt rác “đắp chiếu”, người dân phải sống chung với ô nhiễm

Theo thông tin trên TTXVN, sau khoảng ba năm đi vào hoạt động, lò đốt rác xã Vũ Hội (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được đầu tư 500 triệu đồng đã hư hỏng và ngừng hoạt động.

Không có biện pháp nào xử lý hiệu quả, rác thải từng ngày ùn ứ, chất cao thành đống. Vì vậy, từ năm 2017 đến nay, hơn 11.000 người dân trong xã phải sống chung với bãi rác lộ thiên nằm ngay gần khu dân cư, ngày đêm bốc mùi hôi thối, khó chịu, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và sức khỏe của người dân.

Bãi rác xã Vũ Hội nằm ngay sát con đường dẫn vào thôn Đức Lân và thôn Hiếu Thiện. Cách đó khoảng 100 mét là Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trạm Y tế xã Vũ Hội. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mỗi lần đi qua đây người dân đều phải qua thật nhanh, những hộ dân sống xung quanh khu vực bãi rác luôn bị mùi hôi từ bãi rác xộc thẳng vào nhà.

Nguyên nhân là do lò quy mô nhỏ, trong khi lượng rác thải quá lớn, mặt khác rác còn ẩm cũng không thể đốt được. Trung bình mỗi ngày với hai lao động chỉ có thể sàng lọc và phơi đốt được một xe rác thải sinh hoạt, còn lại phải phơi chất đống tại bãi.

Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội cho biết, mặc dù công suất thiết kế là 5-6 tấn/ngày nhưng thực tế lò đốt này chỉ đốt được tối đa 1 tấn/ngày. Vì vậy sau 3 năm hoạt động, đến nay, lò đốt rác này không sử dụng được nữa. Lượng rác tồn dư lớn khiến địa phương phải 2 lần mở rộng diện tích bãi rác, từ 2.500 m2 lên 4.500m2. Tuy nhiên, diện tích này vẫn không đủ chứa rác nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả, triệt để.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 1/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới