Thứ sáu, 29/03/2024 20:19 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/4/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 19/04/2020 15:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/4/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/4/2020.

Khẩn cấp ứng phó hạn hán, thiếu nước ở Ninh Thuận

Tại tỉnh Ninh Thuận, nước sinh hoạt đa phần được lấy từ nguồn nước thô ở các hồ chứa, các sông suối. Tuy nhiên, nhiều hồ chứa đã và đang cạn kiệt.

Tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu các sở ngành liên quan triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với hạn mặn. Đây là địa phương thứ 6 ở miền Tây Nam Bộ công bố tình huống khẩn cấp với mức độ rủi ro cấp 2, sau Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang và Cà Mau.

Còn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mùa khô năm nay dự báo sẽ diễn ra khá nghiêm trọng tại khu vực này. Với tình trạng nguồn nước như hiện nay, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước trên diện rộng, ở mức hạn vừa đến hạn nặng, thậm chí hạn hán cực đoan nếu xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài.

14/21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận đã cạn dưới mực nước chết. Sống bên những hồ nước cạn, để có nước sinh hoạt, người dân chỉ còn cách đi mua nước về dùng với giá đắt đỏ. Trong khi đó, nguồn nước thô, dùng để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân, chủ yếu được lấy từ đập Lâm Cấm, hạ du nhà máy thủy điện Đa Nhim, dẫn về nhà máy nước Tháp Chàm xử lý.

Những ngày gần đây, lưu lượng xả thấp khiến nước thô bị tù đọng, phát sinh rong, tảo, ngành cấp nước tỉnh phải rất vất vả để đảm bảo chất lượng nước đầu ra.

Xác định việc đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho người dân sử dụng trong mùa hạn là ưu tiên hàng đầu, tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu Công ty Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cân đối, điều tiết nguồn nước hợp lý từ các hồ về.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp cấp nước có đủ nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp sức trong vấn đề nước sạch.

Lãnh đạo tỉnh xác định, ngay cả trong những năm bình thường, Ninh Thuận vẫn luôn trong tình trạng thiếu nước. Nếu không có sự đầu tư quyết liệt ở cả giải pháp công trình lẫn phi công trình, vấn đề nước sinh hoạt, sẽ càng trở nên bức bối.

ASEAN tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân động đất, sóng thần tại Indonesia

"Làng ASEAN" ra đời là một phần trong các nỗ lực chung nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở của những người dân may mắn sống sót sau trận động đất và sóng thần vào năm 2018 ở Indonesia.

Ngày 16/4, Trung tâm Điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (AHA) đã bàn giao 75 ngôi nhà cho các nạn nhân sóng thần tại thành phố Palu, tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia.

Phát biểu tại buổi lễ được tổ chức trực tuyến, Giám đốc điều hành AHA, bà Adelina Kamal cho biết dự án cứu trợ thiên tai này nhận được sự hỗ trợ của Philippines và Brunei.

Dự án xây dựng được hoàn thành vào tháng Ba vừa qua sau 8 tháng thi công và được đặt tên là “Làng ASEAN."

Về phần mình, Thị trưởng thành phố Palu Hidayat nhấn mạnh rằng "Làng ASEAN" ra đời là một phần trong các nỗ lực chung nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở của những người dân may mắn sống sót sau trận động đất và sóng thần vào năm 2018.

Ngày 28/9/2018, một trận động đất độ lớn 7,5, gây sóng thần tại Palu, đã cướp đi sinh mạng của khoảng 4.300 người, trong đó có nhiều người mất tích.

Lực tác động của cơn địa chấn đã gây ra hiện tượng hóa lỏng đất, khiến mặt đất ở Palu hóa bùn và sụt lún, "nuốt chửng" hàng nghìn ngôi nhà và các tài sản khác.

Áo đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng, tồn tại 34 năm

Ngày 17/4, Áo đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng còn hoạt động tại quốc gia này, dù nước này vẫn đang gặp khó khăn trong việc triển khai các biện pháp nới lỏng hạn chế vì dịch Covid-19. Điều này đồng nghĩa sản xuất điện từ than giờ sẽ chỉ còn là quá khứ tại Áo, đồng thời mở hướng mới cho quốc gia này chuyển đổi sang 100% nguồn cung năng lượng sạch vào năm 2030.

Theo đúng kế hoạch, công ty cung cấp năng lượng Verbund của Áo đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng tại bang Styria miền Đông Nam nước này. Việc dừng khai thác nhà máy này đánh dấu sự kết thúc của hoạt động sản xuất năng lượng từ than tại Áo bởi nhà máy Mellach, nơi cung cấp nguồn sưởi ấm cho địa phương, chính là nhà máy điện than cuối cùng còn hoạt động tại quốc gia này.

Trong 34 năm qua, nhà máy đã sản xuất hơn 30 tỷ kWh điện năng và 20 tỷ kWh nhiệt sưởi. Trong tương lai nhà máy vẫn sẽ được duy trì ở trạng thái sẵn sàng phục vụ mục đích dự phòng. Verbund cũng cho biết sẽ phát triển Mellach trở thành một trung tâm đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng sạch.  

Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Áo Leonore Gewessler cho biết, việc đóng cửa nhà máy là một bước đi lịch sử, Áo cuối cùng đã thoát khỏi nguồn cung năng lượng từ than và tiến thêm một bước nữa trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Gầm cầu vượt bị đổ phế thải xây dựng

Nhiều tháng trở lại đây, dưới gầm cầu vượt bắc qua đường sắt (thuộc địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) bị biến thành nơi đổ rác và phế thải xây dựng. Theo phản ảnh, thời gian qua, người dân đua nhau mang phế thải ra đổ trộm ở gầm cầu vượt. Những đống rác và phế thải cứ ngày càng nhiều lên, có chỗ ùn ứ tràn ra cả lề đường.

Anh Nguyễn Văn Long ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho biết: “Khu vực này thường bị nhiều đối tượng đổ trộm rác, nhiều nhất là phế thải xây dựng. Chúng tôi sống gần đây rất bức xúc, rác thải khắp nơi làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài mà chưa có cơ quan chức năng nào giải quyết triệt để”.

Việc gầm cầu vượt bị biến thành nơi đổ rác, phế thải xây dựng không chỉ gây ô nhiễm trầm trọng, mà còn mất mỹ quan đô thị. Đề nghị chính quyền xã Kim Chung cần có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thừa Thiên Huế: Siết chặt quản lý chất thải để phòng, chống dịch Covid - 19

Nhằm đảm bảo công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, xử lý chất thải bỏ sau khi sử dụng tại các cơ sở y tế, khu điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm, khu vực cách ly đúng quy định; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra công văn chỉ đạo tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, xử lý chất thải để phòng, chống dịch Covid – 19.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương đơn vị liên quan thực hiện công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế lây nhiễm tại địa bàn, lĩnh vực, trách nhiệm được giao quản lý theo đúng quy định.

Trong đó cần tập trung chỉ đạo, giải quyết chất thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm, khu vực cách ly tập trung (Trường Trung cấp Công nghệ số 10, Trường Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Trường Nghiệp vụ Thuế, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Ký túc xá Trường Bia, khu nghỉ dưỡng Sun & Sea Resort và cách ly tại nhà) phải được thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT - BYTBTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, Thông tư số 36/2015/TT - BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới