Thứ sáu, 29/03/2024 06:09 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/1/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 17/01/2020 15:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/1/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/1/2020.

Đức sẽ ngừng sản xuất điện với than vào năm 2035

Theo AFP, với quyết định ngừng sản xuất điện với than vào năm 2035, Đức đã về đích 3 năm sớm hơn so với kế hoạch trong thỏa thuận được ký kết bởi Thủ tướng liên bang Angela Merkel và lãnh đạo các bang.

Trước đó, chính phủ Đức đã lên kế hoạch ngừng sử dụng than để sản xuất điện vào năm 2038. Tuy nhiên, các quan chức tin rằng họ có khả năng kinh tế để đóng cửa các nhà máy điện gây hại cho môi trường, trước mốc đó 3 năm. Kế hoạch mới sẽ được thông qua vào đầu năm 2020.

Lịch trình chính xác ngừng hoạt động của các nhà máy điện than sẽ được trình bày vào giữa năm 2020. Sau đó, các nhà điều hành nhà máy điện và đại diện của các mỏ than phải gửi đề xuất của họ hoặc đồng ý với dự án.

Việc từ bỏ sớm các nhà máy điện than cũng sẽ cho phép cứu hầu hết khu vực rừng Hambach ở Tây Đức, nơi trước đây dự định mở rộng một mỏ than đòi hỏi phải cắt giảm một phần rừng, gây ra sự phản đối hàng loạt của người dân.

Ấn phẩm Deutsche Welle lưu ý rằng, chính phủ đang chịu áp lực mạnh mẽ từ công chúng đòi hỏi giảm lượng khí thải carbon dioxide và tuân thủ thỏa thuận khí hậu Paris. Một trong những bước để giảm khí thải là loại bỏ than - loại khoáng sản không thân thiện với môi trường nhất.

Để chuyển sang loại hình sản xuất "xanh", ngân sách liên bang sẽ phân bổ tiền cho các bang để tạo ra các nhà máy thân thiện với môi trường. Các khu vực sẽ nhận được 1,3 tỉ euro trong 20 năm và thêm 700 triệu euro sẽ được chuyển từ Berlin sang ngân sách các bang trong 20 năm tới.

Thách thức mới trong cuộc chiến chống ô nhiễm tại Trung Quốc

Cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc đối mặt với những mối đe dọa mới do lượng khí thải ozone tăng cao bất chấp thành tích ấn tượng của nước này trong việc giảm mật độ bụi mịn trong không khí.

Theo báo cáo ngày 16/1 của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, giai đoạn 2015-2019, Trung Quốc đã cắt giảm 27% mật độ bui mịn PM2.5 và giảm tới 55% lượng dioxide lưu huỳnh trong không khí.

CREA đánh giá đây là sự tiến độ vượt bậc của Trung Quốc trong nỗ lực giảm ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, mức độ khí thải ozone lại tăng tới 11% trong cùng thời gian trên, bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống ô nhiễm.

Theo nhận định của CREA, Ozone cùng với NO2 có thể trở thành "rào cản" đối với Trung Quốc trong cuộc chiến này.

Trung Quốc hiện áp dụng quy trình xử lý khí thải ô nhiễm bằng hệ thống lọc và hệ thống này hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các nhà máy điện than để lọc không khí trước khi được thải ra môi trường nhằm đáp ứng các quy chuẩn mới về chống ô nhiễm.

Tuy nhiên, Ozone và NO2 là hai loại khí khó kiểm soát bằng bộ lọc đó, do vậy, hai khí này là nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn người chết sớm ở Trung Quốc mỗi năm.

Từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2019, Trung Quốc đã xây dựng đủ số lượng nhà máy điện than với công suất gần 43GW, thay thế các nhà máy điện than ngừng hoạt động trên toàn thế giới.

Nền kinh tế số 2 thế giới này có kế hoạch bổ sung điện năng 147,7GW từ các nhà máy điện than, gần bằng công suất điện than của toàn Liên minh châu Âu.

Ngành du lịch Australia thiệt hại 680 triệu USD do cháy rừng

Ngành du lịch của Australia có khả năng thiệt hại tới 1 tỷ AUD (680 triệu USD) do cháy rừng.

Ngày 16/1, Bộ trưởng Du lịch Australia Simon Birmingham đã có cuộc họp với các thành viên cấp cao của ngành du lịch để xem xét các giải pháp nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh quốc gia, thúc đẩy du lịch, trong bối cảnh các vụ cháy rừng vẫn đang diễn ra ở các bang New South Wales, Victoria và Nam Australia.

Trả lời phỏng vấn truyền thông Australia, ông Birmingham khẳng định chính phủ liên bang sẵn sàng giúp ngành du lịch phục hồi sau các vụ cháy rừng, bao gồm việc hỗ trợ các cộng đồng bị hỏa hoạn cũng như các khu vực không bị ảnh hưởng.

Thống kê của Hội đồng Công nghiệp Du lịch Australia (ATIC) cho biết, 100% lượng đặt phòng tại khu vực ảnh hưởng bởi cháy rừng đã bị hủy bỏ, trong khi con số này tại các khu nghỉ dưỡng khác không bị ảnh hưởng do cháy rừng thuộc hai bang New South Wales và Victoria là hơn 60%.

Hiệp hội Công nghiệp Caravan của Australia xác nhận lượng đặt phòng trị giá 57 triệu AUD (38,76 triệu USD) đã bị hủy do cháy rừng. Tương tự, 80% số vé đặt trước tại một số công viên giải trí nổi tiếng cùng bị hủy hoặc tạm hoãn.

Mặc dù cháy rừng không xảy ra ở thủ đô Canberra, nhưng theo các nhà điều hành du lịch địa phương, khói từ cháy rừng bao phủ và gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Điều này khiến lĩnh vực du lịch của Canberra cũng bị ảnh hưởng, với tỷ lệ hủy tour lên tới 20%.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu du lịch xanh

Với lợi thế hơn 156 km bờ biển, thời gian qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chất lượng cao.

Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định việc bảo vệ môi trường là yếu tố rất quan trọng, đóng vai trò quyết định trong định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện gần 40 khu, điểm du lịch ven biển và gần 2.000 cơ sở lưu trú. Trong quá trình hoạt động, hầu hết doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, trồng cây xanh, thu gom rác thải, các doanh nghiệp du lịch còn dùng hệ thống điện năng lượng mặt trời, máy nước nóng năng lượng mặt trời, thay hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact tiết kiệm điện.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp còn tích cực tuyên truyền, vận động ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường trong đội ngũ nhân viên, lao động và du khách để từ đó lan tỏa ra cộng đồng…

Hiện nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai Đề án “Đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch giai đoạn 2018 -2020”. Theo đó, địa phương này đặt quyết tâm không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở hoạt động du lịch, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên triển khai thực hiện các dự án du lịch thân thiện với môi trường; đến năm 2020 phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện mô hình “du lịch xanh”; kiểm soát chặt chất thải phát sinh từ hoạt động của du lịch.

Đồng thời, bảo đảm 100% cơ sở du lịch phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc phương án bảo vệ môi trường, có hệ thống thu gom, xử lý rác thải và nước thải đúng quy định, nhà vệ sinh công cộng bảo đảm sạch sẽ, đạt chuẩn; 100% khu, điểm du lịch công cộng, bãi tắm, điểm dừng chân... có thùng rác kết hợp phân loại rác…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.