Thứ sáu, 29/03/2024 13:42 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/11/2019

MTĐT -  Thứ hai, 11/11/2019 14:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/11/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/11/2019.

Nghệ An: Chấn chỉnh công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Sở TN&MT tỉnh Nghệ An ra văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh yêu cầu chấn chỉnh công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn tồn tại tình trạng xả rác thải bừa bãi, không đúng quy định; Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý còn nhiều bất cập; Công tác quản lý rác thải ở nhiều địa phương còn yếu kém dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và mỹ quan khu vực.

Để chấn chỉnh công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã ra Công văn số 3088/STNMT-BVMT, ngày 5/6/2019 về việc chấn chỉnh công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường chấn chỉnh, chỉ đạo hướng dẫn và đôn đốc kiểm tra UBND các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn và các quy định khác của pháp luật có liên quan, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khu lưu giữ chất thải nguy hại, bố trí thiết bị đáp ứng yêu cầu thu gom chất thải và phù hợp với việc phân loại tại nguồn phục vụ cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung.

Tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường và chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương.

Nhật Bản sử dụng rác thải nhựa từ biển làm chai đựng nước rửa

Procter & Gamble Japan, Công ty hàng đầu về hàng hóa tiêu dùng ở Nhật Bản sẽ tái chế rác thải nhựa được thu dọn từ bờ biển để làm chai đựng nước rửa bát. Sản phẩm sẽ bắt đầu được bán ra thị trường trong tháng này.

Khoảng 6 tấn vỏ chai nhựa được thu nhặt từ các khu vực bờ biển của Nhật Bản được chế biến tại các nhà máy. Rác nhựa được xay nhỏ và kết hợp với các nguyên liệu khác để làm ra 550.000 chiếc chai. Mỗi chai này chứa 25% rác nhựa tái chế.

Công ty này cho biết, đây là hoạt động thân thiện với môi trường đầu tiên trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng. Chủ tịch công ty, ông Stanislav Vecera cho biết, ông muốn các sản phẩm mới này sẽ giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về ô nhiễm biển.

Quỹ Ellen Macarthur có trụ sở tại Anh cảnh báo cho tới năm 2050, nếu không có biện pháp gì thì ở biển có thể rác nhựa sẽ nhiều hơn cá.

Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản đẩy mạnh cắt giảm rác thải nhựa bằng cách chuyển sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như giấy để làm ống hút và hộp cơm.

Từ đầu tháng này, hệ thống cửa hàng tiện lợi hàng đầu của Nhật Bản Seven Eleven bắt đầu bán cà phê đá có nắp đậy không kèm ống hút. Khách hàng muốn sử dụng sẽ được cung cấp ống hút bằng giấy hoặc làm từ thực vật.

Cháy rừng lan rộng tại Australia

Hơn 100 đám cháy được ghi nhận, bầu trời chuyển màu cam cùng khói bụi dày đặc tại nhiều khu vực ở miền Đông Australia. Theo các chuyên gia khí tượng, mùa mưa tới chậm hơn so với thường lệ, khiến các khu rừng khô, nóng, tạo điều kiện cho các đám cháy rừng cực đoan xảy ra.

Cách đây 2 ngày, Chính phủ Australia đã ban bố tình trạng khẩn cấp về cháy rừng tại bang New South Wales. Cháy rừng lan nhanh trên phạm vi chưa từng có, ít nhất 3 người đã thiệt mạng, 30 người khác bị thương, 150 ngôi nhà bị thiêu rụi.

Con số thương vong có thể còn tăng lên khi các đám cháy được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong những ngày tới.

Ô nhiễm kênh Bắc Hưng Hải ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân

Có đến 4 địa phương miền Bắc là Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đang phải chịu sự ô nhiễm nghiêm trọng của dòng kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Nước thải có màu đen kịt, bốc mùi nồng nặc, nhiều người dân phản ánh họ thường xuyên bị ảnh hưởng đường hô hấp. Đó là những gì diễn ra tại đoạn sông Cầu Bây, nơi chảy qua thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây cũng là điểm cuối của khúc sông này, nơi tiếp giáp với kênh Bắc Hưng Hải..

Dùng đủ mọi cách để che chắn mùi hôi từ nước sông nhưng tình trạng ô nhiễm kênh cũng chỉ giảm chút ít. Chạy qua cống Xuân Thụy là tới kênh Bắc Hưng Hải. Với những hộ dân sống ngay cạnh sông, nhiều ngày trước mùi nước sông rất khó chịu. Người dân cũng không dám sử dụng nguồn nước này để tưới tiêu.

Từ hơn một năm qua, các tỉnh thành Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh đã triển khai những giải pháp quan trắc tự động để kiểm soát nguồn xả thải từ nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm chỉ giảm chút ít so với các năm trước. Ngoài nước thải từ các hộ dân, hiện vẫn có hơn 26% nước thải từ những khu công nghiệp chảy ra kênh Bắc Hưng Hải. Hàng nghìn hộ dân ven sông vẫn phải sống như thế này trong nhiều năm qua.

Xả thải vượt quy chuẩn, doanh nghiệp may mặc bị phạt 345 triệu đồng

Ngày 9/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử cho biết, UBND tỉnh vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Thiên Sơn Hưng Yên, tổng mức phạt là 345 triệu đồng về các hành vi xả thải vượt quy chuẩn cho phép.

Công ty TNHH Thiên Sơn là doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu, trụ sở tại xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), đi vào hoạt động từ năm 2011. Trong quá trình hoạt động, Công ty TNHH Thiên Sơn đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 4 hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Trong đó, doanh nghiệp thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đầy đủ, không thực hiện quan trắc khí thải ống khói lò hơi, vi phạm quy định tại điểm c, Khoản 7, Điều 12 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với hành vi này, Công ty TNHH Thiên Sơn bị phạt 35 triệu đồng và phải khắc phục bằng biện pháp thực hiện đúng và đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt.

Nguy hiểm hơn, Công ty đã xả nước thải sinh hoạt vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3 đến dưới 40 m3/ngày đêm. Theo kết quả phân tích mẫu nước, tổng lượng Coliform vượt hơn 2 lần; các thông số BOD5, TSS, TDS, NH4+ đều vượt từ 1,12 lần đến 1,57 lần. Hành vi này vi phạm điểm d, Khoản 3 và Khoản 7, Điều 13 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó doanh nghiệp bị phạt 120 triệu đồng bao gồm cả phạt hành chính và phạt tăng thêm.

Mặt khác, Công ty TNHH Thiên Sơn còn xả khí thải vượt quy chuẩn về chất thải từ 3 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500m3/giờ đến dưới 5.000m3/giờ, với thông số CO vượt 3,095 lần, vi phạm điểm b, Khoản 5, Điều 15 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Hành vi vi phạm này bị xử phạt 120 triệu đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới