Thứ năm, 28/03/2024 21:11 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 30/11/2018

MTĐT -  Thứ sáu, 30/11/2018 09:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 30/11/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 30/11/2018.

Hà Nội: Chất lượng không khí nhiều khu vực mức kém

Từ bảng thống kê chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội từ 15h ngày 28/11 đến 14h ngày 29/11 của Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho thấy, AQI tại tất cả các trạm quan trắc đều tăng so với ngày hôm trước.

Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí ngày (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc: Trung Yên 3: 86 (Trung bình); Minh Khai – Bắc Từ Liêm: 161 (Kém); Hoàn Kiếm: 82 (Trung bình); Hàng Đậu: 171 (Kém); Kim Liên: 82 (Trung bình); Thành Công: 101 (Kém); Tân Mai: 86 (Trung bình); Mỹ Đình: 89 (Trung bình); Phạm Văn Đồng: 116 (Kém); Tây Mỗ: 82 (Trung bình).

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí trong ngày tại các điểm quan trắc ở mức trung bình, AQI dao động từ 82 – 171. Có 4 điểm quan trắc giao thông AQI ở mức kém là Hàng Đậu (171), Minh Khai (161), Phạm Văn Đồng (116), Thành Công (101).

So với ngày hôm trước, AQI tại tất cả các trạm quan trắc đều tăng, nguyên nhân là do thời tiết Thủ đô 24 giờ qua không có mưa, hanh khô, độ ẩm khá thấp đã làm cho các khí thải khói bụi có trong không khí không phát tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại bề mặt đô thị khiến nồng độ các chất thải ở mức khá cao.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước kiểm kê khí nhà kính

Đây là một trong những thành tựu nổi bật của Thành phố Hà Nội sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Kiểm kê khí nhà kính được Hà Nội tập trung vào 2 lĩnh vực là chất thải và năng lượng. Đối với chất thải, ước tính đến năm 2020 phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2. Đối với lĩnh vực năng lượng, dự tính đến năm 2020, phát thải KNK trên toàn Thành phố tăng lên đến 18,2 triệu tấn CO2 tương đương và đến năm 2030 con số này tăng lên đến 42,7 triệu tấn (tăng lên hơn 3 lần so với mức phát thải năm 2015).

Hiện tại, Hà Nội đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu theo kết quả kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Ngoài ra, theo đánh giá công tác thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, Hà Nội đã hoàn thành việc nâng cao năng lực dự báo; chủ động phòng, chống thiên tai; ứng phó và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra.

6.046 vụ vi phạm quy định bảo vệ, phát triển rừng năm 2018

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) tại Hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2018; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2019 các tỉnh khu vực phía Bắc, tính đến ngày 31/12/2017, tổng diện tích có rừng của khu vực phía Bắc là 8,735 triệu hecta, trong đó, rừng đặc dụng 1.155.977ha; rừng phòng hộ 2.805.000ha; rừng sản xuất 4.253.080ha; rừng ngoài quy hoạch 521.285 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng năm 2017 đạt 49,84%.

Thống kê của 31 tỉnh khu vực phía Bắc, đến hết ngày 30.11.2018, đã phát hiện 6.046 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, chiếm 49% số vụ vi phạm cả nước, giảm 1.098 vụ (15%) so với năm 2017; diện tích rừng bị thiệt hại 452 ha, giảm 223 ha (33%) so với năm 2017. Tổng số vụ đã xử lý là 5.378 vụ, trong đó, khởi tố hình sự 66 vụ, xử lý hành chính 5.312 vụ.

Năm 2018, các tỉnh khu vực phía Bắc để xảy ra 149 vụ cháy rừng, diện tích rừng thiệt hại 232 ha, giảm 9,5% về số vụ và giảm 20% về diện tích thiệt hại so với năm 2017. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ.

Theo đánh giá của ông Cao Chí Công – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua giảm mạnh, có sự chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương, đã góp phần vào thành tích chung trong công tác quản lý bảo vệ rừng của toàn quốc (số vụ vi phạm giảm 15% và diện tích thiệt hại giảm 33%).

Về cơ bản, rừng đã và đang được quản lý bảo vệ và phát triển; tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép trên quy mô lớn được kiềm chế, giảm thiệt hại đến tài nguyên rừng và cơ bản đã kiểm soát được các “điểm nóng” phá rừng, khai thác rừng trái phép.

Báo động nạn nhà kính ở Đà Lạt

Thay vì những mảng xanh ngút ngàn, giờ đây, Đà Lạt bị bao vây bởi những làn sóng trắng của những nhà kính.

Hai tháng trước, những trận mưa lớn đã khiến khu vườn trồng rau và hoa của gia đình ông Thân Dũng (người dân TP Đà Lạt - Lâm Đồng) bị ngập sâu. Giờ đây, vợ chồng ông phải tranh thủ dọn lại mảnh vườn để xuống lứa hoa mới.

Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, những năm gần đây, nhiều khu vực của TP Đà Lạt bỗng xảy ra tình trạng ngập cục bộ khiến hoa màu, nhà cửa đều ngập chìm trong biển nước. Theo đánh giá, đây là một trong những hệ quả do sự tăng nhanh của diện tích nhà kính.

Thừa Thiên Huế phát động phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần”

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần” giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Ngày nay, túi ni lông đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Với ưu điểm rẻ, tiện lợi, túi ni lông được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, ảnh hưởng của túi ni lông tới môi trường và sức khỏe con người là rất lớn, tác động lâu dài nhưng hầu như không được cộng đồng quan tâm, chú ý. Mặc dù đã có nhiều biện pháp để hạn chế, nhưng thói quen sử dụng túi ni lông đối với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư vẫn chưa được chuyển biến rõ rệt.

Vì thế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hưởng ứng phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần”.

Theo đó, mỗi năm, tỉnh sẽ lựa chọn một địa phương tổ chức sự kiện chính vào tuần thứ 3 tháng 9.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 30/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.