Thứ bảy, 20/04/2024 19:44 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 28/8

MTĐT -  Thứ ba, 28/08/2018 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 28/8. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 28/8 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

"Sống trong sợ hãi" bên vùng đất lở bờ sông Ngàn Sâu

Theo báo Hà Tĩnh đưa tin, hàng chục hộ dân sinh sống bên vùng đất lở của sông Ngàn Sâu thuộc 2 thôn Hương Giang, Hương Bình (xã Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh) đang nơm nớp lo âu trước mùa mưa lũ do đất đai, ruộng vườn bị sụt lở, nhà cửa bị uy hiếp...

Dọc sông Ngàn Sâu qua các thôn Hương Giang, Hương Bình (xã Lộc Yên), tình trạng bị sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng. Những vết sạt lở kéo dài hàng chục mét, ăn sâu vào các hộ dân, trong đó nhiều hộ chỉ cách mép sông chưa đầy 5m.

Để ngăn chặn, chống chọi lại với tình trạng sạt lở, người dân nơi đây đã trồng thêm số loại cây như xoan đâu, bưởi, cọ, tre... dọc bờ sông, nhưng tất cả đều vô ích khi chỉ qua vài trận lũ là số cây này lại đổ xuống sông.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, tình trạng sạt lở từ nhiều năm nay đang ảnh trực tiếp đến hơn 40 hộ dân sống ở 2 thôn Hương Bình, Hương Giang.

Tuy nhiên, việc xây dựng bờ kè đòi hỏi nguồn lực lớn, vượt khỏi khả năng của địa phương và quỹ đất thì đang thiếu nên chưa thể bố trí đất để di chuyển các hộ dân này; do đó, đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào khả thi để xử lý tình trạng sạt lở diễn ra ngày một nghiêm trọng ở đây.

Phân loại rác thải cồng kềnh chưa được chú ý đúng mức

Hiện nay, hầu hết rác sinh hoạt cồng kềnh (giường, tủ, bàn ghế hỏng, thạch cao, gỗ, nhựa… bản lớn) tại Hà Nội đang được thu gom, xử lý như các loại hình chất thải khác nên gây khó khăn cho công tác vệ sinh môi trường. Điển hình, nhiều chiếc bàn, ghế, sofa đệm mút… bị bỏ ngay trên vỉa hè, trước cửa nhà tạo nên những chướng ngại vật, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng giao thông, mất mỹ quan đô thị...

Theo các chuyên gia môi trường, rác thải cồng kềnh vừa khó xếp lên xe vận chuyển, vừa khó cuốn ép, chôn lấp và có chất liệu đa dạng nên không thể chôn lấp mà cần được phân loại để xử lý riêng cho phù hợp. Điển hình, Chi nhánh Môi trường Đống Đa - URENCO 4 có sáng kiến tổ chức thu gom chất thải rắn cồng kềnh vào sáng thứ bảy hằng tuần tại một số điểm quy định.

Để giải quyết tốt hơn tình trạng tập kết tùy tiện rác thải cồng kềnh ra vỉa hè, lòng đường, sông, hồ, các ngành, đoàn thể và chính quyền sở tại cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đặc điểm, tác hại của loại chất thải này.

TP. Uông Bí (Quảng Ninh): Quyết tâm xóa bỏ lò vôi thủ công

TP Uông Bí là địa phương có số lượng lò vôi nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với 68 lò sản xuất vôi thủ công với 115 ống lò. Điều đáng lo ngại là, tất cả các lò vôi trên địa bàn TP Uông Bí đều hoạt động tự phát, không có giấy phép theo quy định, trong quá trình sản xuất đã phát thải khói, bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như môi trường tự nhiên.

Nhằm nỗ lực thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2018 được UBND tỉnh Quảng Ninh đề ra là “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, TP Uông Bí đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm “xóa bỏ” các lò sản xuất vôi thủ công đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh trước ngày 31/12/2018. Để thực hiện nhiệm vụ này, từ năm 2016, UBND TP Uông Bí đã xây dựng Đề án hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công với tổng kinh phí dự toán trên 11 tỷ đồng, trong đó dành gần 6 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và trên 5 tỷ đồng hỗ trợ việc tháo dỡ các lò vôi, khôi phục mặt bằng.

Theo Đề án, điều kiện để người lao động được hỗ trợ là phải có hộ khẩu thường trú tại TP Uông Bí; có hợp đồng lao động với các chủ cơ sở sản xuất. Mức hỗ trợ là 3 tháng lương tối thiểu đối với lao động thường xuyên (làm việc liên tục, ổn định tại một cơ sở từ trên 12 tháng) và 1,5 tháng lương cơ sở đối với lao động không thường xuyên (làm việc ổn định, liên tục tại một cơ sở sản xuất vôi từ 6- 12 tháng).

Đồng thời, đối với việc hỗ trợ tháo dỡ các lò vôi, khôi phục mặt bằng, mức hỗ trợ được tính theo thời gian thực hiện tháo dỡ lò và công suất sản xuất của lò, trong đó giá cố định là 20.000 đồng/tấn.

Hà Nội: Chất lượng không khí các điểm giao thông đang xấu đi trong ngày đầu tuần

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, nhìn chung chất lượng không khí trong ngày 27/8 ở mức trung bình, duy nhất khu vực Kim Liên đạt mức tốt.

Chỉ số chất lượng không khí ngày (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc tại Hà Nội (số liệu được cập nhật vào lúc 14h ngày 27/8/2018): Trung Yên 3: 76 (Trung bình); Minh Khai - Bắc Từ Liêm: 84 (Trung bình); Hoàn Kiếm: 58 (Trung bình); Hàng Đậu: 79 (Trung bình); Kim Liên: 48 (Tốt); Thành Công: 72 (Trung bình); Tân Mai: 56 (Trung bình); Mỹ Đình: 56 (Trung bình); Phạm Văn Đồng: 80 (Trung bình); Tây Mỗ: 56 (Trung bình). So với hôm qua, 8/10 chỉ số đo được tăng, 1 chỉ số giữ nguyên (Tây Mỗ), 1 khu vực chỉ số giảm (Kim Liên từ 50 xuống 48). Kim Liên cũng là trạm quan trắc duy nhất đạt chất lượng không khí tốt trong ngày hôm nay.

Tại các điểm giao thông, chỉ số AQI tăng cao, nguyên nhân do trong ngày đầu tuần, lượng phương tiện giao thông đông làm sản sinh các chất gây ô nhiễm không khí.

Bình Dương: Khu công nghiệp xả nước thải ra môi trường “bức tử” con kênh D

Theo thông tin trên báo Công lý, thời gian gần đây, nhiều người dân sống cạnh kênh D có địa chỉ tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương tiếp tục phản ánh việc họ hàng ngày đang phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc bốc lên từ kênh D nơi có nguồn nước thải từ KCN Đồng An 1 xả ra kênh cả ngày lẫn đêm. Người dân trong khu vực cho hay, nguồn nước thải từ KCN được tống ra kênh D, đổ ra rạch Vĩnh Bình rồi chảy thẳng ra sông Sài Gòn.

Mặc dù, kênh D đã bị ô nhiễm nặng từ nhiều năm nay nhưng chưa có đơn vị nào xử lí cũng như cải tạo nguồn nước từ con kênh này. Theo ghi nhận của PV, nước tại kênh D có màu đục, mùi hôi nồng nặc, nổi bọt trắng xóa. Lượng nước đổ ra kênh D từ cống thoát nước mưa và cống nước xả thải từ KCN rất lớn.

Tuy nhiên, thời điểm PV có mặt ghi hình, dù trời không mưa nhưng nước ở cống thoát nước mưa xả ra liên tục với khối lượng lớn, có màu xanh, sủi bọt ô nhiễm; còn cống thoát nước thải chỉ có một lượng nước rất ít được chảy ra kênh, trong khi khối lượng nước thải trung bình của khu công nghiệp là khoảng 4.000m3/ngày, đêm. Điều này cho thấy phần lớn nước thải đã đi theo đường nước mưa ra ngoài rồi đổ ra kênh.

Được biết, công ty Hưng Thịnh làm chủ đầu tư của KCN đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt về vi phạm môi trường nhưng tình trạng trên vẫn không được khắc phục mà còn tiếp tục diễn ra. Ngày 28/7/2015 Đoàn thanh tra của Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại kênh D nơi KCN xả nước thải ra đây. Qua quá trình thanh kiểm tra, đoàn thanh tra tiếp tục phát hiện sai phạm về ô nhiễm môi trường tại đây. Đoàn thanh tra đã lập biên bản và gia hạn cho doanh nghiệp khắc phục sửa chữa. Tuy nhiên, con kênh D vẫn đang hàng ngày bị bức tử do lượng nước thải từ KCN đổ ra.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 28/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất