Thứ ba, 16/04/2024 16:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/11/2018

MTĐT -  Thứ tư, 21/11/2018 12:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/11/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/11/2018.

Nguồn nước tại Sơn La ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải từ sơ chế cà phê

Cứ đến chính vụ thu hoạch cà phê, nước thải từ quá trình sơ chế cà phê xả thẳng ra sông, suối... gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại Sơn La.

Một số người dân ở đây cho biết, cùng thời điểm này năm 2017, 14.000 hộ tại thành phố Sơn La đã phải tạm dừng sử dụng nước sinh hoạt trong 10 ngày vì nguồn nước bị ô nhiễm.

Mỗi năm, từ khoảng tháng 10 đến tháng 12, nhất là thời điểm chính vụ thu hoạch cà phê, hồ chứa nước tại bản Nà Hạ (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, Sơn La) luôn trong tình trạng bị buộc phải tiếp nhận nguồn nước thải ô nhiễm.

Theo quy hoạch, cây cà phê là một trong những cây lợi thế để phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La. Đến năm 2018, diện tích cà phê toàn tỉnh khoảng hơn 20.000 ha, được trồng tập trung địa bàn xung quanh thành phố Sơn La. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở và hộ gia đình đều thực hiện công nghệ sơ chế cà phê ướt mà không có giải pháp xử lý triệt để. Nước thải sau quá trình sơ chế đều xả thẳng ra môi trường, hoặc tích trữ ở bể không có phương pháp bảo vệ.

Hang Tát Tòng - nguồn cung cấp chính cho nhà máy nước thành phố Sơn La, cấp nước cho 14.000 hộ dân. Theo lãnh đạo nhà máy này, nguồn nước đã nhiều lần bị ô nhiễm, năm 2017 là nặng nhất, phải ngừng sản xuất 10 ngày.

Năm nay, tỉnh Sơn La đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất cà phê và chỉ cho hoạt động nếu đảm bảo tiêu chuẩn. Hiện mới chỉ có 3 cơ sở đủ điều kiện, tuy nhiên còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ vẫn đang hoạt động mà chưa có giải pháp xử lý nước thải triệt để.

Hội An và Hạ Long - Thành phố du lịch không khói thuốc

Hội An và Hạ Long là 2 thành phố du lịch của Việt Nam được vinh danh trong Hội nghị các nước khu vực ASEAN về xây dựng thành phố không khói thuốc lần thứ 6.

Ảnh: Internet. 

Sự kiện đang được tổ chức tại Hội An, tỉnh Quảng Nam. Với chủ đề "Xây dựng môi trường du lịch không thuốc lá", hội nghị được tổ chức nhằm công nhận và quảng bá cho các địa điểm du lịch không khói thuốc lá; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, các thành phố, địa điểm du lịch trong khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương về việc triển khai du lịch không khói thuốc lá.

Tại Việt Nam, công tác xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc đã được Bộ Y tế và Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá triển khai từ năm 2009 ở Hội An và mở rộng thêm một số tỉnh, thành phố khác như:  Hạ Long, Huế, Nha Trang, Hải Phòng...

Đại công trường khai thác cát lậu trên biển

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử phạt hàng trăm vụ tại vùng biển giáp ranh TP.HCM và Vũng Tàu nhưng tình trạng vi phạm vẫn không thuyên giảm.

Cát tặc hoành hành khiến tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại, an toàn hàng hải bị đe dọa.

Theo những ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển vùng biển giáp ranh giữa Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Giờ - TP.HCM, vài tháng qua, lượng tàu hút cát lậu ngày càng nhiều.

Đội tàu hút cát trộm và thường hoạt động từ 21h hôm trước đến 2h hôm sau. Đội tàu này khi di chuyển trên biển không hề có đèn nên dẫn đến rất nhiều khó khăn cho ngư dân. Tai nạn làm đắm tàu thuyền khi qua vùng biển này cũng đã từng xảy ra.

Cứ khoảng 1h, hàng chục tàu hút cát quần đảo tại cồn Ông Thủ với chi chít những ống hút cát cắm xuống mặt biển. Tiếng máy nổ vang vọng một góc trời. Theo tiết lộ của một công nhân từng làm khai thác cát trên tàu, mỗi tàu chỉ cần bơm hút khoảng 1h30 phút là đầy, khoảng 300m3/tàu, sau đó chạy vào bờ bơm cho những khu san lấp mặt bằng.

Những ngư dân sống trên biển vùng giáp ranh giữa Cần Giờ và Vũng Tàu cho biết, một trong những địa danh trên biển là cồn Ngựa giờ cũng đã mất vì mỗi ngày có hàng ngàn m3 cát biển bị hút lên từ đây, giờ lại tiếp tục là cồn Ông Thủ.

Miền Trung: Khô hạn giữa mùa mưa

Dù đã vào mùa mưa nhưng các tỉnh miền Trung lại bị gặp khô hạn gay gắt. Khô hạn đang khiến nhiều hồ chứa thủy điện trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên và TP Đà Nẵng ở dưới mực nước chết. Thậm chí tại tỉnh  Quảng Nam, mức nước các sông và các hồ thủy điện đã khô kiệt nhất trong 40 năm qua.

Tại tỉnh Quảng Nam, suốt 3 tháng gần đây chỉ có vài cơn mưa rải rác khiến nhiều nhà máy thủy điện lâm vào cảnh rất khó khăn để tích trữ nước phát điện. Ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương cho biết, mặc dù đã vào mùa mưa nhưng lượng mưa trên lưu vực sông A Vương bị thiếu hụt nghiêm trọng, lưu lượng nước về hồ trung bình tháng 9 là 18,2m³/giây (tần suất 85 năm mới có 1 lần) và tháng 10 là 15m³/giây (tần suất 99 năm mới có 1 lần). Đây là 2 tháng có lưu lượng nước về hồ cực đoan so với chuỗi thủy văn quan trắc được kể từ năm 1977.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, hồ chứa nước Mạch Điểu, ở xã Đức Phú (huyện Mộ Đức) có dung tích thiết kế 2.274 triệu m3, nay mới chỉ tích được hơn 13% dung tích. Công trình đã cạn sâu, trơ đáy, người dân tận dụng lòng hồ làm nơi chăn thả trâu bò. Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, trong số 19 hồ chứa lớn nhưng có đến 13 công trình chưa tích được 50% dung tích thiết kế, còn lại đa số chỉ tích được 20% dung tích, nguy cơ không bảo đảm nước tưới phục vụ cho vụ sản xuất đông xuân sắp tới.

Chưa bao giờ người dân Đà Nẵng lại phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt gay gắt ngay giữa thời điểm mưa lũ như năm nay. Một trong những nguyên nhân là do nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn vượt gấp gần 20 lần nên nhà máy nước Cầu Đỏ phải giảm công suất. Trong khi đó, đập An Trạch (Hòa Vang), nước từ thượng nguồn Vu Gia đổ về rất thấp nên các phương án dự phòng sản xuất nước sinh hoạt bị phá sản. Hai hồ chứa nước thủy lợi lớn là Hòa Trung và Đồng Nghệ cũng trơ đáy.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới