Thứ sáu, 29/03/2024 20:21 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/11/2018

MTĐT -  Thứ ba, 20/11/2018 10:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/11/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/11/2018.

Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường

Nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thời gian qua TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và bước đầu đạt hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường cần sớm được tháo gỡ.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã phổ biến, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên chuyển biến tích cực.

Thành phố đã hoàn thành việc nâng cao năng lực dự báo; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, gắn kết lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, giảm mức phát thải khí nhà kính, hoàn thành mục tiêu từ 8 đến 10% trên đơn vị GDP so với năm 2010.

Đồng Nai khó giảm tỷ lệ rác chôn lấp

Năm 2015, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2017, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp trên địa bàn tỉnh sẽ ở dưới mức 15%.

Tuy nhiên, mục tiêu này đã không hoàn thành, tỉnh phải điều chỉnh, đặt mục tiêu năm 2018 giảm tỷ lệ rác sinh hoạt chôn lấp xuống dưới 50%, năm 2019 dưới 30%. Đến nay, năm 2018 sắp trôi qua, nhưng hơn 60% rác thải sinh hoạt tại Đồng Nai vẫn được chôn lấp.

Theo ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, để giảm tỷ lệ rác sinh hoạt chôn lấp, Đồng Nai triển khai nhiều dự án xử lý rác bằng phương pháp đốt và sản xuất phân compost.

Tuy nhiên, việc lắp đặt lò đốt, đầu tư công nghệ xử lý rác tại các dự án đang rất chậm. Hiện mới có 2 dự án vận hành hoàn chỉnh, có tỷ lệ rác chôn lấp dưới 15% là: dự án của Công ty Cổ phần dịch vụ Sonadezi (Khu xử lý chất thải Quang Trung, huyện Thống Nhất) và dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại xây dựng Đa Lộc (Khu xử lý chất thải Túc Trưng, huyện Định Quán).

Ảnh minh họa: Internet. 

Những dự án còn lại, tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt vẫn còn rất cao. Tại một số khu xử lý rác như: Bàu Cạn (huyện Long Thành), Tây Hòa (huyện Trảng Bom), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), 100% rác vẫn phải chôn lấp.

Ông Nguyễn Văn Cung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đồng Xanh (Công ty Đồng Xanh) cho biết, theo kế hoạch đã được tỉnh Đồng Nai chấp thuận, năm 2018, Công ty Đồng Xanh sẽ xây dựng xong nhà máy xử lý rác thành phân compost tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Tuy nhiên, công ty phải mất hơn 1 năm mới giải phóng được mặt bằng.

Người dân Tiền Giang căng băng rôn, dựng lều phản đối trại gà gây ô nhiễm

Bức xúc trước trang trại gà gây ô nhiễm nghiêm trọng, ngày 19/11, rất đông người dân xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã căng băng rôn, dựng lều để phản đối.

Ngày 19/11, rất đông người dân đã tập trung tại đường vào trang trại gà để phản đối tình trạng nuôi gà gây ô nhiễm của trại này. Bà con đã giăng rất nhiều băng rôn với nội dung như “không chịu nổi mùi hôi, nước ô nhiễm”. Thậm chí, người dân còn che lều tại khu vực phản đối. Đây là lần thứ hai tình trạng này diễn ra.

Suốt 1 năm qua, người dân xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Theo bà con nơi đây, nguyên nhân là do hoạt động của trại nuôi gà quy mô lớn đến hàng chục nghìn con. Theo người dân, bà con đã rất nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương về tình trạng hoạt động gây ô nhiễm của trang trại này nhưng đều không có kết quả.

Người dân căng băng rôn phản đối trại gà gây ô nhiễm. Ảnh: VNE. 

Mới đây, Tỉnh ủy Tiền Giang đã có buổi tiếp xúc với người dân và hứa sẽ giải quyết vấn đề trong 30 ngày. Tuy nhiên, đến nay trang trại này vẫn tồn tại và tiếp tục gây ô nhiễm. Bức xúc của người dân càng lên cao khi trong sáng 18/11, chủ trại gà này còn tiến hành san lấp mặt đường để thuận tiện cho việc di chuyển và sản xuất.

Người dân cho biết, trang trại gà này đã hoạt động được khá lâu. Tuy nhiên, từ tháng 10/2017, tình trạng ô nhiễm bắt đầu xuất hiện, cùng với mùi hôi nồng nặc là sự xuất hiện ở khắp nơi của ruồi nhặng, đe dọa về sức khỏe của người dân.

Tàu hóa chất bị chìm trên sông Đồng Nai, người dân lo lắng vì nguy cơ ô nhiễm

Sau sự cố tàu hóa chất bị chìm trên sông Đồng Nai, nhiều cư dân đã bày tỏ sự lo lắng khi khúc sông gắn liền với cuộc sống của họ có khả năng bị ô nhiễm.

Sau khi nhận được tin báo về sự việc chìm tàu hóa chất trên sông Đồng Nai, chiều 18/11, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Công an tỉnh đã có mặt và ghi nhận tình hình.

Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, tàu mang số hiệu BTr-0266 lấy hóa chất axit clohydric từ Nhà máy Hóa chất Biên Hòa, tiếp nhận từ cảng Nhất Nam. Trong quá trình cập cảng, do nước ròng nên tàu đã va vào đất đá và bị chìm tại bến. Hiện 20 thùng hóa chất đã được trục vớt an toàn, chưa có dấu hiệu bị rò rỉ.

Axit clohydric là một axit vô cơ mạnh được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp tẩy gỉ thép, sản xuất các hợp chất vô cơ và hữu cơ. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, tính chất của axit là rất độc hại, nếu hòa vào môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, tăng độ pH khiến các loài sinh vật sống dưới nước không tồn tại được trong vùng bị ảnh hưởng.

Để đảm bảo an toàn, người dân có thể hạn chế sử dụng nước sông trong những ngày này, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường về nước cần liên hệ ngay với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai theo số điện thoại đường dây nóng 0251.8608011 để được hỗ trợ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới