Thứ sáu, 29/03/2024 13:14 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/12/2018

MTĐT -  Thứ bảy, 01/12/2018 11:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/12/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/12/2018.

Bạc Liêu chủ động xây tường kè ngăn triều cường

Trong khi chờ nguồn vốn của Trung ương cho xây kè kiên cố chống ngập, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ trương cho xây tường kè ngăn triều cường.

Thị xã Giá Rai đang tiến hành xây tường kè ở những nơi thường xuyên bị ngập sâu do triều cường dọc theo tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau. Tùy theo vị trí thấp cao của mặt đường, tường kè có chiều cao trung bình từ 20 - 30cm. Đồng thời, cây xanh để chống sạt lở được trồng thêm ở phía ngoài tuyến tường kè.

Tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn thị xã Giá Rai có hơn 10 km bị ngập, đoạn ngập nặng nhất là phường Hộ Phòng, xã Tân Phong, phường Láng Tròn. Triều cường đã khiến giao thông bị gián đoạn, hàng loạt xe ngập nước bị chết máy, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Động đất 7 độ rung chuyển bang Alaska, kích hoạt cảnh báo sóng thần

Theo BBC, trận động đất xảy ra hôm 30/11, chấn tiêu ở độ sâu 40,9 km và cách Anchorage, thành phố lớn nhất tiểu bang Alaska, khoảng 11 km về phía Bắc. Trận động đất mạnh 7 độ đi kèm hơn 40 dư chấn lớn nhỏ, trong đó một dư chấn mạnh tới 5,8 độ và khoảng 10 dư chấn mạnh từ 5.0 trở lên được ghi nhận.

Ngay sau khi trận động đất xảy ra, cảnh báo sóng thần đã được kích hoạt tại Cook Inlet và bán đảo Kenai, các vùng bờ biển phía Nam bang Alaska. Tuy nhiên cảnh báo sóng thần đã được thu lại sau đó.

Khoảng 300.000 người được ước tính sống tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của trận động đất. Ít nhất 10.000 người được cho là đang sống trong cảnh mất điện. Tuy nhiên, chưa có báo cáo chính thức về con số thương vong sau trận động đất.

Thống đốc bang Alaska Bill Walker đã ban bố tình trạng thảm họa. Nhà chức trách đã ghi nhận báo cáo về các vụ sập cầu và đường xá bị hủy hoại sau trận động đất. Người dân được khuyến cáo nhanh chóng thông báo tình trạng bản thân bằng mạng xã hội hoặc tin nhắn.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẽ di dời toàn bộ cơ sở chăn nuôi khỏi khu dân cư

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 64 trại heo, 41 trại gà nằm ngoài vùng quy hoạch, dàn trải trên khắp các địa phương, đặt biệt là trong lòng các khu đông dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Để chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho các ngành chức năng tập trung tìm giải pháp và vào cuộc quyết liệt hơn.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Có thể nói, ngành chăn nuôi trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ và đem lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh, đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập. Tuy nhiên phần lớn phát triển theo cách tự phát, thiếu quy hoạch nên rất khó quản lý và kiểm soát về bảo vệ môi trường. Theo đó, hệ lụy của nó là đang làm cho môi trường ở các khu dân cư bị ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân.

Để thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở chăn nuôi heo trong khu dân cư, Sở TN&MT đã tham mưu, trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 1611 ngày 19/6/2018 Quy định Tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng di dời vào các KCN, CCN, vùng tập trung và Sở TN&MT đã có văn bản số 3654 ngày 11/7/2018 đề nghị các ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện.

Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố điều tra, thống kê, xác định các cơ sở thuộc đối tượng di dời vào KCN, CCN, khu tập trung trên địa bàn quản lý; lập danh sách cơ sở thuộc đối tượng di dời, ưu tiên tập trung di dời đối với các cơ sở nằm trong khu dân cư, đô thị gây ô nhiễm môi trường và đề xuất thời hạn di dời, dự kiến địa điểm di dời đối với từng cơ sở, báo cáo UBND tỉnh công bố danh sách, lộ trình các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải di dời.

Mùi hôi “lạ” vẫn tiếp tục hoành hành tại Đa Phước

Sau khi Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đưa tin về vấn đề mùi hôi “lạ” xuất hiện ở hai xã Đa Phước và Phong Phú thời gian qua, nhiều cơ quan chức năng trong đó có: Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, UBND huyện Bình Chánh… đã vào cuộc để xác minh nguồn gốc cũng như phương pháp xử lý mùi hôi “lạ” này.

Tuy nhiên, mới đây người dân 2 xã nêu trên vẫn tiếp tục phản ánh về việc vẫn tồn tại mùi hôi thối quanh khu vực.

Cụ thể, ngày 27/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã chủ trì chương trình khảo sát các nhà máy xử lý bùn thải trong khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (nhà máy của Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh và Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình).

Tiếp đó, ngày 2/10/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp cùng UBND huyện Bình Chánh (Phòng TN&MT), Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập, cán bộ môi trường 2 xã Phong Phú và Đa Phước cùng với đại diện người dân địa phương khảo sát 5 vị trí với kết quả ghi nhận 4 vị trí không phát sinh mùi hôi và vị trí thứ 5 tại ấp 1 xã Phong Phú (Cầu Xóm Gò) có mùi hôi thoảng qua từng cơn nhưng không liên tục (?).

Dù kiểm tra, tiếp xúc người dân là thế, nhưng mùi hôi “lạ” bị nghi xuất phát từ nhà máy của hai công ty Sài Gòn Xanh và công ty Hòa Bình thuộc khu xử lý chất thải Đa Phước vẫn tiếp tục hoành hành, mặc cho những lời “kêu cứu”, "khóc than" của người dân.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/12/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới