Thứ năm, 28/03/2024 19:41 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/10/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 04/10/2019 11:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/10/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/10/2019.

Air France muốn giảm khí thải từ máy bay

Hãng hàng không Pháp Air France đặt mục tiêu, đến năm 2020, sẽ hạn chế khí thải CO2 từ 500 chuyến bay nội địa hàng ngày bằng quyết định chi hàng triệu euro vào các dự án bảo vệ môi trường.

“Để hạn chế tác động, Air France sẽ cấp tài chính cho hàng loạt dự án hỗ trợ trồng cây, bảo vệ rừng và chuyển đổi sang năng lượng ít ô nhiễm trên toàn cầu”, bà Anne Rigail cho biết và nhấn mạnh hãng bay của Pháp hành động hoàn toàn tự nguyện.

Ngoài các dự án trên, Air France dự định còn tham gia vào một số dự án như cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần như dao kéo trên các chuyến bay nội địa từ đầu năm tới đồng thời khởi động phân loại, tái chế rác thải từ tháng 10.

Ngành công nghiệp hàng không đang bị chỉ trích vì thải ra quá nhiều khí CO2 ra môi trường, trung bình mỗi hành khách sử dụng máy bay sẽ dẫn đến phát thải 285 gram CO2/km, cao hơn nhiều so với các hình thức giao thông khác - Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết.

Tháng 7 vừa rồi, Pháp thông báo sẽ đưa thêm một số loại thuế mới vào vé máy bay (khoảng 1,5 euro đến 18 euro/chuyến), thu về khoảng 180 triệu euro/năm để đầu tư vào hạ tầng vận tải xanh. Tuy nhiên, động thái này vấp phải chỉ trích từ Air France.

Ô nhiễm không khí ở TQ làm mờ ánh sáng, ảnh hưởng pin mặt trời

Theo CNET, Trung Quốc từng tuyên bố năng lượng tái tạo là tương lai đất nước. Song một nghiên cứu mới cho thấy mức độ ô nhiễm do than đá đang làm tổn hại đến tiến trình “xanh hóa” nguồn năng lượng của quốc gia này.

Nghiên cứu do tạp chí Nature công bố ngày 8/7 cho thấy tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc đã nghiêm trọng đến mức làm mờ ánh sáng, khiến sản lượng điện từ pin mặt trời giảm.

Cụ thể, sản lượng điện mặt trời năm 2015 đã giảm 11-15% so với hồi 1960. Trong khoảng thời gian này, tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc trở nên nghiêm trọng do sự phát triển của các nhà máy điện đốt than.

Đặt giả thiết không khí ở Trung Quốc trong lành như thế kỷ trước, sản lượng điện mặt trời vào năm 2016 sẽ tăng thêm 14 TWh. Đến năm 2030, con số có thể đạt 70 TWH nhờ sự mở rộng số lượng pin mặt trời được lắp đặt.

Xét về kinh tế, không khí sạch mang lại 1,6 tỷ USD giá trị điện chỉ trong năm 2016 và đạt mức 6 tỷ USD vào năm 2030. Bên cạnh đó còn là lợi ích về chi phí y tế.

Ngăn ngừa nguy cơ đảo ngọc thành đảo rác

Đi dọc bờ biển chạy quanh huyện đảo Phú Quý người ta dễ dàng bắt gặp những loại rác thải, trong đó rác thải nhựa là phổ biến. Từ rác sinh hoạt, rác thải nilong được tập kết thành từng đống, đến những vỏ trái dừa, vỏ chai nhựa nằm lăn lóc hay được sóng biển đưa vào bờ. Tuy Phú Quý chưa bị rác “xâm chiếm” bằng các đảo du lịch nổi tiếng như Côn Đảo, Phú Quốc… song huyện đảo này cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng của rác thải. Chỉ một góc nhỏ trên bãi biển Vịnh Triều Dương, đảo Phú Quý, không khó để thấy những gì khách du lịch bỏ xuống biển sau mỗi cuộc vui chơi thì đại dương lại trả lại cho con người những thứ đó.

Với dân số khoảng 30 nghìn người và khách du lịch đến Phú Quý ngày càng nhiều, nên lượng rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải du lịch là rất lớn so với năng lực xử lý của địa phương. Ở Phú Quý, trước đây có nhiều hộ nuôi hải sản bằng lồng bè, nay chuyển sang kinh doanh du lịch, phục vụ du khách vui chơi, ăn uống tại chỗ, nhưng chỗ vệ sinh, nơi bỏ rác thải lại chưa được đầu tư. Nhiều du khách thiếu ý thức vẫn vô tư xả rác ra các điểm du lịch. Chính vì vậy, nguy cơ rác thải không được thu gom xử lý tồn tại ngày một nhiều trên đảo là hiện hữu, đòi hỏi chính quyền và người dân nơi đây có giải pháp hữu hiệu.

Ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho biết, Phú Quý là huyện đảo có diện tích khoảng 17 km2 nằm giữa Biển Đông, là khu vực có nhiều tàu thuyền qua lại và tàu thuyền khai thác từ các nơi đến, nên lượng rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ, vô cơ…là rất lớn so với diện tích của đảo. Ô nhiễm môi trường do rác thải đang là vấn đề rất nhức nhối ở địa phương. Vấn đề này đã được huyện hết sức quan tâm với rất nhiều giải pháp; song song với xử lý rác trên bờ, huyện cũng hướng tới việc xử lý rác thải đại dương từ ngoài biển trôi tấp vào đảo.

Trước vấn nạn rác thải ngày càng gia tăng trên đảo Phú Quý, tháng 3/2019, huyện Phú Quý đã triển khai dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất phân hữu cơ. Dự án trên được xây dựng trên diện tích khoảng 2,15 ha tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Nhà máy được lắp đặt công nghệ tiên tiến từ dây chuyền nhập khẩu có quy mô xử lý 70 tấn rác/ngày, sẽ giải quyết 100% lượng rác thải phát sinh hằng ngày tại địa phương, và lượng rác thải hiện đang tồn đọng; đồng thời tận thu nguồn chất thải có khả năng tái chế, sản xuất phân vi sinh từ rác.

12 tác phẩm đạt giải cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu”

Ngày 3/10, tại Hà Nội, Cổng thông tin Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu”. 12 tác phẩm đã xuất sắc đạt giải cuộc thi.    

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Bình Minh, Chánh văn phòng Trung ương Đoàn, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, qua 5 tuần triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được 125 tác phẩm được gửi về từ các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc. Các tác phẩm dự thi đã thu hút 2 triệu lượt người tiếp cận, 126.000 lượt tương tác (like, chia sẻ, bình luận) trên mạng xã hội Facebook.

Trong thời gian diễn ra cuộc thi đã xuất nhiều ý tưởng sáng tạo trên các lĩnh vực khác nhau, có chủ đề mang tính phổ quát, những cũng có những ý tưởng đề xuất hành động rất cụ thể có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao. Đặc biệt, có nhiều mô hình, giải pháp được cộng đồng mạng đánh giá cao và chia sẻ rộng rãi, trở thành tư liệu áp dụng tại địa phương.

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ, mỗi tác phẩm dự thi là một hành động cụ thể, thiết thực, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó có thể là thay đổi một thói quen hằng ngày, phương thức sản xuất, thực hiện các công trình... góp phần giảm bớt sự nóng lên của trái đất.

Sự thành công của cuộc thi là việc đã tạo được môi trường để các bạn trẻ phát huy sức sáng tạo, tham gia đề xuất các giải pháp cụ thể vào một vấn đề mang tính toàn cầu tại Việt Nam.

Tại lễ trao giải, Đại sứ bổ nhiệm của Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Alerti đánh giá cao hành động và cam kết của lớp trẻ Việt Nam. Ông Giorgio Alerti chia sẻ: “Lớp trẻ hôm nay sẽ chính là những nhà lãnh đạo của tương lai; đồng thời cũng sẽ gánh chịu những hậu quả nếu như ngày hôm nay chúng ta không có bất cư hành động gì. Sự tham gia của thanh niên vào hành động vì khí hậu và môi trường cho phép họ cùng vẽ nên một tương lai bền vững hơn”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.