Thứ tư, 24/04/2024 19:18 (GMT+7)

Tin môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/11: TP.HCM, ĐBSC có gì

MTĐT -  Thứ bảy, 02/11/2019 17:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/11/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/11/2019.

 Bộ TN-MT bác thông tin TP.HCM, ĐBSCL bị xóa sổ năm 2050

 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa thông tin một cách đầy đủ và toàn diện về việc thời gian gần đây dư luận cho rằng "vào năm 2050, TP HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị xóa sổ".

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu khẳng định đây là thông tin chưa đủ cơ sở khoa học và dựa trên các giả định cực đoan.

Trước đó, nghiên cứu của Scott A. Kulp & Benjamin H. Strauss đến từ Climate Central đăng trên tạp chí Nature Communications đã đưa ra những nhận định về nguy cơ ngập bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu cho các đồng bằng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo nghiên cứu này, nước biển dâng do biến đổi khí hậu có thể xóa sổ một số thành phố ven biển. Nghiên cứu chỉ ra, miền Nam Việt Nam, cụ thể là ĐBSCL, có thể biến mất trong vòng 30 năm tới. Khoảng 20 triệu dân sẽ ảnh hưởng nặng nề do nước biển tăng cao. 

Xuất hiện vùng áp thấp trên Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 2/11, trên khu vực giữa Biển Đông xuất hiện một vùng áp thấp. Dự báo, trong 24 giờ tới (13 giờ ngày 2/11-13 giờ ngày 3/11), vùng áp thấp hầu như ít dịch chuyển và có khả năng mạnh thêm. Trong 24-48 giờ tiếp theo (13 giờ ngày 3/11-13 giờ ngày 4/11), vùng áp thấp có khả năng cao mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Ấn Độ ban bố tình trạng khẩn cấp do ô nhiễm không khí

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường Ấn Độ đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp ở thủ đô New Delhi và các khu vực lân cận khi chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao.

Tất cả các trường học ở Nam Delhi thuộc Hội đồng Thành phố New Delhi phải đóng cửa và mọi hoạt động xây dựng tại thủ đô tạm dừng đến ngày 5/11.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường Ấn Độ cũng cấm đốt pháo trong suốt mùa Đông, tức là đến cuối tháng 2 năm sau. Theo giới chức Ấn Độ, chỉ số chất lượng không khí được ghi nhận lúc trưa ngày hôm qua (1/11) tại thủ đô New Delhi là 480 - mức rất xấu.

Hạn mặn lại đe dọa miền Tây

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam vừa đưa ra cảnh báo về việc lũ thượng nguồn sông Mê Kông giảm nhanh và các tác động tiêu cực của việc suy giảm nguồn nước đối với vùng ĐBSCL.

Cơ quan trên cho biết mực nước biển Hồ (Tonle Sap - Campuchia) đã đạt đỉnh 7,21 m tại Kampong Luong, tương đương với dung tích lớn nhất xấp xỉ 38 tỉ m3, có thể xuống nhanh những ngày tới.

Trước đó, mực nước lũ lớn nhất tại Tân Châu đạt đỉnh 3,63 m (vào ngày 18-9) và Châu Đốc là 3,15 m (vào ngày 26-9). Vùng trung tâm đồng bằng, đỉnh lũ lịch sử tại Cần Thơ 2,25 m và Mỹ Thuận 2,12 m vào ngày 30-9. Lũ thượng nguồn có xu thế giảm nhanh, xuống dưới 2 m tại Tân Châu vào cuối tháng 10, trong khi vùng trung tâm đồng bằng, mực nước cũng giảm dần và tăng trở lại vào đợt triều cao cuối tháng 10.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định với việc trong cả năm 2019 toàn lũ nhỏ và mùa mưa có khả năng kết thúc sớm, dự báo hạn hán và xâm nhập mặn sẽ sớm đe dọa ĐBSCL. Theo đó, dự báo vào tháng 12-2019, ranh mặn 4 g/lít (còn gọi là độ mặn 4%0) ảnh hưởng đến 20-30 km; tháng 1 và tháng 2-2020, ranh mặn 4 g/lít vào sâu từ 40-67 km (cao hơn 10-15 km so với trung bình nhiều năm). Phạm vi ảnh hưởng mở rộng này đe dọa khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là trong các kỳ triều cường.

Đến tháng 3-2020, tùy thuộc vào lượng nước điều tiết từ các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông, trong trường hợp nguồn nước tăng như cùng thời điểm những năm trước thì xâm nhập mặn sẽ giảm. Ngược lại, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ở mức như tháng 1 và 2-2020.

Lúc đó, một số địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mặn sẽ là: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang); Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre); Trà Cú (tỉnh Trà Vinh); Long Phú, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Phước Long (tỉnh Bạc Liêu). Diện tích lúa đông xuân 2019-2020 tại ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng bởi mặn là hơn 100.000 ha.

Củi, rác thải phủ khắp hạ lưu sông Trà Bồng sau bão số 5

Cửa biển Sa Cần, khúc giao cuối cùng của hạ lưu sông Trà Bồng đổ ra cửa biển. Sau ảnh hưởng của bão số 5, rác thải, rễ cây, củi, túi ni lông, bao bì,…tràn ngập trên bãi biển, sóng vẫn tiếp tục tấp vào bãi.

Ít nhất hơn 2km bờ biển ngập rác, cành cây từ thượng nguồn đổ về bị sóng đánh dạt vào, nước đục ngầu.

Chỉ cách đây khoảng 2 tháng, dự án “Tử tế với Sa Cần” đã được thực hiện để dọn sạch rác tại khu vực bãi biển Sa Cần, xã Bình Thạnh. Mỗi ngày, mỗi tuần có hàng trăm thanh niên, người dân địa phương tích cực dọn sạch bãi biển.

Thế nhưng, với địa hình của cửa biển Sa Cần, dòng chảy cửa biển, lượng rác từ thượng nguồn không đổ ra biển mà lại theo sóng tấp vô bờ biển dọc xã Bình Thạnh.

Một số người dân cho biết, họ còn phát hiện cả xác động vật tấp vô, bốc mùi hôi thối, do vậy, cả xóm phải đi kéo lên bờ, chôn lấp.

Lượng lớn rác, rễ cây, củi, bao bì… tấp vào cửa biển Sa Cần đã khiến cho vấn đề xử lý xả rác từ thượng nguồn được đặt ra. Do vậy, các địa phương ở dọc sông Trà Bồng cần phải giảm thiểu, hạn chế tình trạng vứt rác xuống sông.

Các nhà bán lẻ Nhật Bản tính tiền túi nylon từ năm 2020

Theo kế hoạch này, Chính phủ Nhật Bản sẽ cố tạo cho người tiêu dùng nước này có thói quen mang túi đi chợ và giúp họ hiểu được biện pháp này là một bước tiến tới thay đổi lối sống của mình.

Các nhà bán lẻ Nhật Bản, trong đó có các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi sẽ được yêu cầu tính tiền túi nylon từ mùa Hè 2020 trước khi diễn ra Thế vận hội mùa Hè 2020 tại Tokyo.

Quyết định trên đã được một ủy ban của Chính phủ Nhật Bản nhất trí ngày 1/11.

Theo kế hoạch này, Chính phủ Nhật Bản sẽ cố tạo cho người tiêu dùng nước này có thói quen mang túi đi chợ và giúp họ hiểu được biện pháp này là một bước tiến tới thay đổi lối sống của mình. Mỗi nhà bán lẻ sẽ có thể quyết định về mức tính cước phí túi nylon.

Động thái này của Nhật Bản diễn ra sau khi các nền kinh tế chủ chốt trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí về một thỏa thuận nhằm làm giảm lượng rác thải nhựa ở các đại dương tại Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm này tổ chức hồi tháng Sáu vừa qua ở Osaka, Nhật Bản.

Theo Liên hợp quốc, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã chỉ trích Nhật Bản quá chậm chạp trong giảm lượng tiêu thụ nhựa, bởi nước này thải ra lượng rác thải nhựa tính theo đầu người lớn hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, trừ nước Mỹ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/11: TP.HCM, ĐBSC có gì. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.