Thứ sáu, 19/04/2024 10:08 (GMT+7)

Tin MT ngày 4/7: Dự án trăm tỷ bỏ hoang, dân sống trong cảnh ô nhiễm

MTĐT -  Thứ tư, 04/07/2018 17:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) “khát” nước sinh hoạt mùa nắng nóng; Thanh Hóa, dự án trăm tỷ bỏ hoang, người dân làng nghề sống trong ô nhiễm… là một số tin môi trường trong ngày.

Vẫn còn 3 xã ở Lai Châu, hàng chục bản bị cô lập do mưa lũ

Theo VOV đưa tin, sau nhiều nỗ lực thông tuyến, địa bàn huyện Mường Tè, vẫn còn 3 xã, với hàng chục bản bị cô lập, đời sống người dân khó khăn, lương thực cạn dần.

Như vậy, đã 10 ngày trôi qua kể từ ngày 24/6, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn huyện Mường Tè. Trong đó thiệt hại lớn nhất là hệ thống giao thông trên địa bàn đã bị sạt lở, mất đường, với khối lượng hàng trăm nghìn mét khối đất đá, gây chia cắt nhiều địa phương với trung tâm huyện và trung tâm huyện với các xã trên địa bàn.

Hiện nay vẫn còn hàng chục bản, với hàng nghìn hộ dân ở các xã biên giới, nhất là ba xã Tá Bạ, Thu Lũm và Pa Ủ bị cô lập do sạt lở các tuyến giao thông.

Hiện công tác khắc phục các điểm sạt lở, đứt đường cũng đang được chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý cầu đường tích cực thi công. Ngoài tuyến quốc lộ 4H dài 164km có hơn 300 điểm sạt đứt đường, các tuyến đường liên xã từ Ka Lăng - Tá Bạ, Ka Lăng - Thu Lũm và Mường Tè xã - Pa Ủ cũng có khối lượng đất đá lớn, gây khó khăn cho việc khắc phục.

Nỗ lực chống khô hạn ở miền Trung

Nắng nóng vượt ngưỡng 40 độ kèm gió phơn (foehn) hoạt động mạnh, kéo dài từ đầu tháng 7 càng khiến khô hạn tại miền Trung thêm khốc liệt, các sông suối ở khu vực này dần cạn, các vùng hạ lưu nước mặn thâm nhập ngày một sâu.

Để đảm bảo nước tưới vụ hè thu, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành đang nỗ lực triển khai hàng loạt biện pháp chống hạn cho cây trồng, gia súc.

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam và chính quyền huyện Duy Xuyên vừa đắp xong đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Thu Bồn tại khu vực cầu Gò Nổi. Đập dài 200m, khối lượng khoảng 3.000m³ đất cát, kinh phí đầu tư hơn 300 triệu đồng, nhằm tích nước cho trạm bơm Xuyên Đông, cung ứng nước cho 600ha lúa vụ hè thu thuộc các xã, thị trấn là Nam Phước, Duy Phước, Duy Vinh của huyện Duy Xuyên.

Tại Thanh Hóa, thời gian gần đây có một số ngày dịu mát, nhưng không thể giải quyết được tình hình hạn hán trên diện rộng. Cánh đồng các xã Đông Quang, Đông Văn, Đông Nam… (huyện Đông Sơn), người dân cơ bản cấy xong, nhưng tình trạng thiếu nước đang đe dọa lúa non. Các xã Quảng Đức, Quảng Giao, Quảng Hải… (huyện Quảng Xương), người dân vừa cấy vừa dùng máy bơm dã chiến bơm nước lên đồng. Nhiều diện tích còn lại không có nước buộc phải bỏ hoang.

Tương tự, tại Nghệ An, nắng nóng kết hợp gió Tây Nam khiến việc thiếu nước diễn ra nặng hơn. Ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc, cho biết vụ hè thu năm nay, theo kế hoạch huyện gieo cấy hơn 4.500ha, nhưng thiếu nước nên không thể đạt được diện tích đề ra. Huyện chỉ đạo dừng sản xuất trên 2.500ha tại các xã thiếu nước, chuyển dần sang trồng ngô, đậu... Đồng thời, đề xuất Sở NN-PTNT điều tiết nguồn nước từ cống bara Nam Đàn về để hỗ trợ tưới cho vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc.

Huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) “khát” nước sinh hoạt mùa nắng nóng

Đang mùa nắng nóng, tại các xã miền núi Phước Tân, Sơn Hội, Sơn Long, Sơn Phước… của huyện Sơn Hòa (Phú Yên) xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Do nằm ở vùng núi cao, các công trình cấp nước tập trung mất nguồn nước ngầm, địa phương đang phải tiếp tục đầu tư giếng khoan “lặn” sâu tìm ra mạch nước ngầm bổ sung.

Những ngày nắng nóng này, tại thôn Hòn Ông, Ma Gú của xã Sơn Phước, nhiều người phải dùng xe bò, xe máy ra suối chở nước về dùng. Ông Ma Yên ở thôn Hòn Ông cho biết, mấy năm nay, đến mùa nắng, nhà ông phải “cử” một người túc trực lo chở nước dưới suối, mà nước dưới suối “ngậm” lá ủ, bay mùi hôi, phải lắng lọc. Mỗi ngày ông chở 5 can nhựa (mỗi can 20 lít) về chứa trong lu chất nấu ăn, tắm giặt.

Còn ông So Minh Sí, ở thôn Ma Gú dùng xe bò ra suối chở nước về, giãi bày: Nhà tôi có xe bò, vừa rồi được địa phương hỗ trợ bồn chứa nước loại 200 lít, tôi đặt lên bình thùng cộ bò kéo ra suối múc nước đổ lên bồn nhựa chở về.

Tại thôn Hòa Thuận, Hòa Nghĩa của xã Sơn Định, người dân đang thiếu nước sinh hoạt. Trước đây, tại khu vực trung tâm xã có công trình cấp nước tập trung Hòa Bình, tuy nhiên do mất nguồn nên công trình giờ bỏ hoang, người dân phải gánh nước suối, ao hồ về dùng.

Ông Trần Văn Hùng ở thôn Hòa Bình bày tỏ, mấy năm nay, vào mùa nắng, nông dân ở đây dùng nước suối nhưng vùng này người dân phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, phun xong họ xuống suối xúc bình nên nước bị ô nhiễm.

Thanh Hóa: Dự án trăm tỷ bỏ hoang, người dân làng nghề sống trong ô nhiễm?

Theo Thương hiệu và Công luận đưa tin, được triển khai năm 2014, đi vào hoạt động cuối năm 2015, đến nay Dự án quy hoạch cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô (xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa) vẫn trong tình trạng “ đắp chiếu”. Trong khi đó, người dân luôn phải sống trong nỗi lo ô nhiễm môi trường từ các hộ sản xuất trong khu dân cư.

Được biết đến là ngành nghề truyền thống, có từ thời xa xưa, nghề ươm tơ, dệt nhiễu tại xã Thiệu Đô đã và đang mang lại nguồn thu nhập, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, do tính chất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hộ cá thể, nhiều hộ gia đình vẫn ngang nhiên xả nước thải trực tiếp ra môi trường, gây bức xúc trong dư luận.

Qua khảo sát, làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô (xã Thiệu Đô) hiện có 26 cơ sở, hộ gia đình và một doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế toàn xã chỉ còn trên chục hộ làm nghề ươm tơ, dệt nhiễu. Hầu hết các cơ sở này hoạt động nhỏ lẻ, hộ gia đình, phân tán trong khu dân cư. Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, không đạt yêu cầu. Trong quá trình sản xuất, các cơ sở ngang nhiên xả thải trực tiếp ra môi trường. Trung bình mỗi hộ sản xuất thải khoảng 3 – 4 khối nước thải/ngày.

Theo phản ánh của các hộ dân 7,8,9,10 do nước thải không qua xử lý thải trực tiếp ngoài môi trường, thế nên tại khu vực trên quanh năm có muỗi, ruồi, nhặng, nhiều lần cử tri, người dân có ý kiến chính quyền địa phương, nhưng không thấy hồi âm. Trong khi, hầu như các cơ sở sản xuất, công ty có diện tích nhỏ, hẹp, chưa có công nghệ xử lý nước thải, khí thải…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 4/7: Dự án trăm tỷ bỏ hoang, dân sống trong cảnh ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?