Thứ sáu, 29/03/2024 21:06 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 6/6: Bùn đen ở biển Quy Nhơn không phải dầu tràn

MTĐT -  Thứ tư, 06/06/2018 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bùn đen trên bãi biển Quy Nhơn - không có hiện tượng dầu tràn; Núi rác tạm tồn tại hơn 10 năm giữa khu dân cư… là một số tin môi trường trong ngày.

Bình Định: Bùn đen trên bãi biển Quy Nhơn - không có hiện tượng dầu tràn

Nhiều ngày nay dọc bãi biển Quy Nhơn từ khu vực mũi Tấn đến Tượng đài Chiến Thắng xuất hiện nước biển màu đen đục kéo thành vệt dài cùng với rác sinh hoạt liên tục tấp vào bờ làm cho bãi biển Quy Nhơn kém phần hấp dẫn, nhất là vào thời điểm mùa du lịch.

Mỗi ngày trung bình khoảng hơn 1,5 tấn rác dọc bãi biển Quy Nhơn cần phải thu gom xử lý, Công ty CP Môi trường đô thị TP. Quy Nhơn phải huy động 12 công nhân cùng các phương tiện chuyên dụng để thu dọn rác sinh hoạt dọc bãi biển Quy Nhơn.

Không chỉ có rác mà những ngày qua bờ biển Quy Nhơn từ khu vực mũi Tấn đến Tượng đài Chiến Thắng xuất hiện nước biển màu đen đục kéo thành vệt dài, khiến cho người dân lẫn du khách không khỏi lo lắng sợ nước biển bị nhiễm dầu từ các tàu hàng bị đắm trên biển Quy Nhơn và cọ rửa tàu của các ngư dân.

Qua kiểm tra ban đầu không có hiện tượng của tràn dầu và mùi dầu trên biển từ tàu hàng bị đắm trên biển. Ảnh: Báo TN&MT.

Trao đổi với Báo TN&MT, cán bộ Phòng TN&MT TP. Quy Nhơn thông tin: Chúng tôi đã đến hiện trường khu vực xuất hiện bùn đen trên bãi biển Quy Nhơn, qua kiểm tra ban đầu không có hiện tượng của tràn dầu và mùi dầu trên biển từ tàu hàng bị đắm trên biển. Bùn đen có thể là bùn từ các ống cống thoát nước của thành phố chảy ra do mưa lớn trong những ngày qua. Nguyên nhân bùn đen từ đâu thì đến nay vẫn chưa kết luận được.

Sông Cần Lố liên tục sạt lở

Sáng 5/6, tại bờ sông Cần Lố, đoạn chảy qua xã Nhị Mỹ (H. Cao Lãnh, Đồng Tháp) xảy ra sạt lở với chiều dài 30m và xuất hiện các vết nứt mới ăn sâu vào đất liền, đe dọa nhà và đất của nhiều hộ dân.

Ngày 3 và 4/6, cũng tại vị trí này, một đoạn bờ sông với chiều dài 40m đã bị sạt lở làm 2 căn nhà tạm của 2 hộ dân bị sụt xuống sông.

Hà Nội thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn

Theo Kinh tế đô thị đưa tin, ngày 5/6, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2737/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội.

Theo quyết định, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phụ trách chung; các Phó Trưởng ban gồm: Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội: Trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó lũ, bão, mưa lớn, úng ngập, sạt lở đất khu vực ngoại thành; phòng cháy, chữa cháy.

Ảnh minh họa: Internet.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự toàn xã hội khi có sự cố, thiên tai.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó sư cố úng ngập, gẫy đổ cây xanh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường khu vực nội thành; đảm bảo an toàn giao thông, ứng phó sự cố tai nạn giao thông, động đất, sập đổ nhà, công trình xây dựng.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Trực tiếp chỉ đạo công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội: Thường trực công tác phòng, chống thiên tai; ứng phó sự cố hư hỏng công trình thủy lợi, phòng chống cháy rừng và các sự cố khác do thiên tai gây ra đối với lĩnh vực nông nghiệp; Phụ trách Văn phòng Ban Chỉ huy.

Ông Nguyễn Doãn Anh, Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Thường trực công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND Thành phố quản lý, chỉ huy điều hành toàn diện các hoạt động phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố.

Núi rác tạm tồn tại hơn 10 năm giữa khu dân cư: Bao giờ mới thôi “bức tử” dân?

Theo VTCNews đưa tin, hàng chục năm nay, một bãi rác dân sinh bỗng dưng mọc lên sát bên đường Dương Thị Mười (quận 12, TP. HCM), bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nặng nề cho người dân sinh sống ở khu vực xung quanh.

Mỗi ngày, có rất nhiều xe lớn nhỏ các loại tập trung đến đây để đổ rác. Được biết, số rác này được chở từ nhiều huyện, phường trên địa bàn TP. HCM về đây tập kết, xử lý một cách thô sơ.

Chính điều này khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mùi hôi thối nồng nặc, luôn vây ám không khí của cả khu vực.

“Bình thường mọi người điều phải đeo khẩu trang suốt ngày. Dù là mùa nắng hay mùa mưa lúc nào cũng có mùi hôi bốc lên. Người dân đã nhiều lần kêu lên chính quyền địa phương, họ đã hứa sẽ sớm giải quyết nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy thay đổi gì, bãi rác vẫn hoạt động”, bà Bùi Thị Hồng (38 tuổi) nói.

Được biết, trước đó vào khoảng tháng 10/2017, người dân đã mang ô tô, xe máy… ra chặn các xe vào bãi rác. Lúc này, chính quyền địa phương hứa sẽ xử lý, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn không có tiến triển, bãi rác vẫn ngang nhiên tồn tại.

Bãi rác tạm hành hạ khu dân cư. Ảnh: VTCNews. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Thân Thế Hùng, Trưởng phòng TN-MT quận 12 cho biết, bãi rác này được thuê lại và thực hiện việc tập kết từ công ty môi trường đô thị thành phố.

“Hiện nay công ty môi trường đô thị của thành phố đang sử dụng trên đất công, không phải của người dân tự đổ. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại rồi sẽ có câu trả lời chính xác. Cần phải xác minh lại ở phường là ai đổ tại đây? Những vấn đề hôi thối này UBND phường xử lý chưa? Điều này phải có quá trình xác minh", ông Hùng nói.

Biến đổi khí hậu: Thảm họa thiên nhiên ảnh hưởng nặng nề tới Ấn Độ

Theo PV TTXVN tại New Delhi dẫn nguồn tin từ báo The Times of India ngày 6/6 cho biết, chỉ tính riêng ở thành phố Chennai của nước này, nhiệt độ đã tăng thêm 0,9 độ C kể từ những năm 1960-1970. Nhiệt độ tăng lên kéo theo những hậu quả lớn hơn từ thảm họa thiên nhiên như bão, lũ lụt và hạn hán.

Thống kê cho thấy những thảm họa này đã tăng từ 32 vụ trong những năm 1960 lên 110 vụ trong thập kỷ hiện nay.

Trong những năm 1900, thảm họa thiên nhiên đã ảnh hưởng tới 1 triệu người ở Ấn Độ song với tác động ngày một tăng từ biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên giờ đây đang gây ảnh hưởng tới 596 triệu người dân quốc gia Nam Á này và thiệt hại do những thảm họa thiên nhiên gây ra cũng đang ngày một tăng theo.

Trong thập kỷ này, chi phí thiệt hại do thảm họa thiên nhiên ở Ấn Độ được dự báo sẽ chạm ngưỡng 53,6 tỷ USD, tăng lên đáng kể so với mức 19,9 tỷ USD trong thập kỷ trước đó.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 6/6: Bùn đen ở biển Quy Nhơn không phải dầu tràn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới