Thứ sáu, 29/03/2024 05:42 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 30/3: Nuôi tôm ồ ạt, gây ô nhiễm nguồn nước

MTĐT -  Thứ sáu, 30/03/2018 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nuôi tôm ồ ạt, gây ô nhiễm nguồn nước ở Bình Định, Quảng Bình rác thải tràn lan trước Trung tâm văn hóa… là một số tin môi trường trong ngày.

Nuôi tôm ồ ạt, gây ô nhiễm nguồn nước

Theo báo Thanh niên, một số kênh mương, ao hồ ở gần khu vực nuôi tôm thuộc các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải (H. Hoài Nhơn, Bình Định) đang bị ô nhiễm, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Nhiều người dân ở xã Hoài Mỹ cho rằng việc nuôi tôm ở khu vực Bắc Lý và đầm Nam Lý (thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ) gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Trong đó, khu vực nuôi tôm ở Bắc Lý có diện tích 19 ha, nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Dù được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống ao xử lý nước thải, nhưng người nuôi tôm không xử lý nước thải theo quy trình đã được hướng dẫn mà xả thẳng ra kênh mương. Nước thải gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở thôn Kim Giao Trung, Kim Giao Nam (xã Hoài Hải).

Ảnh: Thanh Niên.

Còn vùng nuôi tôm dọc đầm Nam Lý mang tính tự phát, có diện tích tổng cộng khoảng 18 ha. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, vùng nuôi tôm này không có hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải nên nước thải và chất thải đều xả thẳng ra môi trường. Nhiều ao hồ, kênh mương xung quanh đầm này đang bốc mùi hôi thối.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND H.Hoài Nhơn, cho biết Phòng Kinh tế và Phòng TN-MT huyện này vừa tiến hành kiểm tra tình trạng các hộ nuôi tôm xả thải gây ô nhiễm môi trường tại xã Hoài Mỹ và Hoài Hải.

Ninh Thuận: Khoảng 30 hộ dân hàng ngày phải sử dụng nước suối sinh hoạt

Theo báo Ninh Thuận đưa tin, từ hơn một năm nay, do hệ thống nước tự chảy tại địa phương xuống cấp, cộng thêm nguồn nước không ổn định khiến người dân tại thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt, hiện có khoảng 30 hộ dân tại đây, họ phải sử dụng nước suối để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Địa phương đã kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý, khắc phục, nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp khả thi để giúp người dân ổn định đời sống.

Tại thôn Đá Hang, hiện có khoảng 30 hộ dân hàng ngày phải ra suối tắm giặt hoặc đi chở từng can nước về nhà để sinh hoạt. Là thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, thôn Đá Hang có 82 hộ với hơn 300 nhân khẩu sinh sống, hầu hết là người dân tộc Raglai. Việc thiếu nước sinh hoạt kéo dài khiến đời sống của người dân ở đây thêm phần vất vả.

Theo Ban Quản lý thôn Đá Hang, hệ thống nước tự chảy nơi đây được xây dựng từ lâu, hiện nay đã xuống cấp, đường ống không đảm bảo cao trình; nguồn nước vào không ổn định, chỉ cấp nước tới được các hộ dân ở vùng trũng thấp, còn lại khoảng 1/3 hộ dân trong thôn vẫn thường xuyên thiếu nước, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt.

Còn Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Do đây là một khu vực thuộc địa bàn vùng cao, công trình Trạm cấp nước thôn Đá Hang từ khi được bàn giao cho Trung tâm nước sạch quản lý, đưa vào vận hành không có hệ thống van điều phối nên không chủ động được nguồn nước về trạm. Do độ dốc ống lớn lại không có van chặn nên khi mở, nước chảy tuột xuống vùng sản xuất mà không chảy về trạm.

Quảng Bình: Rác thải tràn lan trước Trung tâm văn hóa

Theo báo TN&MT đưa tin, đủ các loại rác thải từ phế liệu xây dựng, rác sinh hoạt và ngay cả xác chết động vật, được tập kết thành dãy, tràn xuống cả cánh đồng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm ngay trước cổng chính của Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Bình và cũng chỉ cách trụ sở Tỉnh Ủy Quảng Bình khoảng 100m.

Theo ghi nhận của PV, trước cổng chính của Trung tâm văn hóa khoảng 50m, thuộc địa phận phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới rác thải được đổ về thành hàng, tràn xuống cả cánh đồng. Rác thải có đủ các loại từ rác sinh hoạt, xác chết động vật, vật liệu xây dựng, rác thải từ các nhà hàng kinh doan,… một quảng đường dài gần 500m tràn lan rác thải, khu vực này mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng bú bám khắp nơi, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trụ sở Tỉnh Ủy Quảng Bình chỉ cách điểm tập kết rác này chừng khoảng 100m.

Theo phản ánh của người dân rác thải thường được các xe tải đổ trộm vào lúc khoảng 1-2h sáng, tình trạng này đã diễn ra từ lâu gây nên tình trạng ô nhiễm nhưng đến nay chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Đại diện UBND phường Đồng Phú, giải thích do địa bàn rộng, việc đổ rác trộm lại vào ban đêm nên chưa xử lý dứt điểm.

Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” thu gom được 216kg vỏ chai thuốc BVTV

Năm 2018, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” được triển khai tại tỉnh Tây Ninh, tập trung ở các huyện Gò Dầu, Bến Cầu và thành phố Tây Ninh. Thực hiện chương trình, ngày 28/3, Trạm Trồng trọt và BVTV Thành phố Tây Ninh đã tổ chức ra quân thu gom được 216kg vỏ chai thuốc BVTV các loại sau sử dụng ngoài đồng ruộng.

Xuất phát từ nguy cơ ô nhiễm môi trường của rác thải nông nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) 22 tỉnh, thành phía Nam đã tổ chức chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về công tác bảo vệ môi trường.

Năm 2018, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” được triển khai tại tỉnh Tây Ninh, tập trung ở các huyện Gò Dầu, Bến Cầu và thành phố Tây Ninh. Tại mỗi điểm, chương trình sẽ trang bị 8 bể chứa rác thải thuốc BVTV. Nông dân các địa phương đã ra quân thu gom, phân loại và đem tiêu huỷ các loại rác thải BVTV đúng nơi quy định.

Thái Nguyên: Khó khăn trong xử lý tình trạng vứt rác thải tràn lan

Theo báo Thái nguyên thông tin, thời gian gần đây, tình trạng người dân vứt rác thải tràn lan dọc tuyến đường trục chính ở các xã, xóm trên địa bàn TP Sông Công (Thái Nguyên) diễn ra phổ biến. Điều này không những làm mất mỹ quan đô thị, gây mất vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.

Đi dọc tuyến đường trục chính của các xã: Bình Sơn, Vinh Sơn, Bá Xuyên và Tân Quang, chúng tôi thấy nhiều bao tải, túi ni lông đựng rác thải người dân vứt tràn lan. Ruồi nhặng bu đầy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Bà Nguyễn Thị Hương, ở xóm Long Vân, xã Bình Sơn cho hay: Xóm chúng tôi giáp với xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) nên lượng người đi làm qua xóm khá đông. Người dân đi làm vào sáng sớm và buổi đêm, về qua là “tiện tay” vứt rác luôn ở những bụi tre, vệ cỏ ven đường. Rác để lâu ngày, không có người thu gom nên rất mất vệ sinh. Gia đình tôi ở gần đây nên thường xuyên phải chịu mùi hôi thối.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Trước đây, xe chở rác của Công ty CP Môi trường và công trình đô thị thành phố để ở chợ trung tâm xã, nhưng nay người dân ở quanh khu vực không cho để vì ô nhiễm môi trường nên tổ thu gom rác thải của xã đã tạm thời dừng hoạt động từ đầu tháng 3. Hiện, rác thải của các hộ dân trong xã đều do họ tự xử lý dẫn đến tình trạng rác thải được người dân vứt dọc đường xã, xóm và kênh mương. Xã không có lực lượng thường xuyên trực để bắt các đối tượng vứt rác bừa bãi nên khó khăn trong quản lý, xử lý những bãi rác tự phát.

Thọ Xuân (Thanh Hóa): Kinh hoàng xưởng sản xuất tinh bột dong và sắn xả thải ra sông Chu

Theo báo TN&MT đưa tin, xưởng sản xuất tinh bột dong và sắn của hộ gia đình ông Đoàn Văn Tùng ở thôn 8, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đi vào hoạt động chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước…

Thế nhưng, trong suốt thời gian qua xưởng sản xuất này vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải trực tiếp ra sông Chu mỗi ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc.

Ghi nhận thực tế tại xưởng sản xuất tinh bột dong và sắn của hộ gia đình ông Đoàn Văn Tùng. Tại xưởng sản xuất những dụng cụ máy móc, nguyên liệu, bao bì được vứt bừa bãi khắp nơi, nước thải từ sản xuất chảy tràn lan bốc mùi hôi thối.

Phía sau xưởng được đào một hố sơ sài chứa nước thải, nước thải không qua xử lý mà chảy tràn lan khắp nơi ra ruộng đồng, rồi theo đường rãnh chảy thẳng ra sông Chu. Nước thải có màu đen kịt, sủi bọt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Một lượng nước thải lớn của xưởng sản xuất dong xả ra ruộng mỗi ngày làm cho cây cối không phát triển được dẫn đến héo rồi chết.

Người dân sống ở thôn 8, xã Xuân Bái bức xúc: Nhà tôi sống gần xưởng sản xuất tinh bột dong và sắn đến khổ bởi mùi hôi thối nồng nặc, ngày nắng như thế này càng bốc mùi thối, chúng tôi không thể nào chịu nổi. Họ xả nước thải tràn lan ra cánh đồng, rồi chảy thẳng xuống sông Chu. Không những mùi hôi thối mà nước thải xả trực tiếp ra môi trường làm thẩm thấu xuống tầng nước ngầm làm cho nguồn nước bị ô nhiễm thì chúng tôi biết lấy nước đâu mà ăn.

Nhiều lần tiếp xúc cử tri chúng tôi có kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng chẳng thấy địa phương kiểm tra hay xử lý, còn việc họ xả thải vẫn cứ vô tư xả. Các cô về kiểm tra xem giúp người dân chúng tôi di chuyển xưởng này đi nơi khác chứ xưởng sản xuất mà nằm trong khu dân cư thì ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Còn đại diện xã Xuân Bái thừa nhận: Việc xưởng sản xuất tinh bột dong và sắn của hộ gia đình ông Đoàn Văn Tùng ở thôn 8 xả thải gây ô nhiễm môi trường. Xã có đi kiểm tra và nhắc nhở, yêu cầu hộ gia đình ông Tùng xây dựng hầm biogas để xử lý nước thải.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 30/3: Nuôi tôm ồ ạt, gây ô nhiễm nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.