Thứ năm, 28/03/2024 18:15 (GMT+7)

Thành phố du lịch nói không với rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ sáu, 05/04/2019 16:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, nhiều huyện, thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn đau đầu tìm cách "giải thoát" cho địa phương khỏi bài toán rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Trong đó nổi bật là Hội An (tỉnh Quảng Nam), thành phố du lịch mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan mua sắm đã có những cách làm hay giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.

Nằm ở phía đông nam tỉnh Quảng Nam, xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) mỗi năm hứng một lượng lớn rác thải thải ra môi trường. Rác thải từ biển tấp vào, rác thải sinh hoạt từ khu dân cư, rác thải từ những khách tham quan "quên" mang về khiến ghềnh đá Bàn Than của xã đảo này như một bãi chứa rác công cộng kéo dài hàng km.

Dù chính quyền và người dân địa phương thường xuyên dọn dẹp, nhưng rác thải vẫn luôn là bài toán nan giải. Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều du khách tới ghềnh đá Bàn Than để tham quan, picnic, nhưng sau đó nhiều người lại vô tư ra về, bỏ lại những túi ni lông đựng trái cây, những chai nhựa đựng nước nằm ngổn ngang trên ghềnh đá.

Bờ kè biển An Lương tràn ngập trong rác thải.

Ở dưới khu vực bãi biển sát ghềnh đá, nhiều người cũng vô tư đem rác thải sinh hoạt, trong đó có nhiều bao ni lông, chai nhựa đổ thẳng ra khu vực này. Người dân địa phương cho biết, từ nhiều năm nay, khu vực bãi biển này luôn hứng chịu ô nhiễm môi trường do vấn đề rác thải.

"Ở đây cho đến hôm nay vẫn chưa có cách giải quyết về vấn đề rác thải. Rác thải không được chuyển đi, dồn ứ lại lâu ngày đã ô nhiễm, thêm vào đó nhiều người còn vô tư đem rác thải trực tiếp ra khu vực này để bỏ khiến cho tình trạng rác thải ngày càng trầm trọng hơn", ông Nguyễn Văn Thành (xã Tam Hải) cho hay.

Để tháo gỡ vấn đề rác thải tồn đọng trên xã đảo, chính quyền xã Tam Hải đã đề xuất xây lò đốt rác tại thôn Bình Trung (xã Tam Hải), nhưng vì đất chật, khoảng cách không đảm bảo nên vấp phải sự phản đối của người dân. Đến nay, vấn đề rác thải vẫn còn là dấu chấm hỏi đang được bỏ ngỏ khiến chính quyền địa phương đau đầu.

Không chỉ riêng tại xã đảo Tam Hải mà đi dọc bờ biển từ khu vực huyện Núi Thành kéo dài đến huyện Duy Xuyên, nhiều nơi vẫn còn tràn ngập trong rác thải, nhất là các loại rác thải nhựa khó phân hủy. Hơn 1km bờ kè biển An Lương (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) cũng có vô số rác thải chất chồng, bốc mùi hôi thối.

Rác thải đủ loại từ các loại túi ni lông, chai lọ, các loại nhựa cho đến các loại xác động vật… trôi nổi dưới nước và cả trên bờ, dưới chân hàng quán gây ô nhiễm và mất mỹ quan. Dù một số người dân ở khu vực này tiến hành gom dọn rác thành từng đống rồi đốt, nhưng tình hình vẫn không khả quan vì chỉ chưa đầy 20 ngày sau, rác đã chất chồng khắp khu vực bờ kè trở lại.

Người dân Hội An sử dụng lá chuối gói rau và túi vải đi chợ để hạn chế rác thải nhựa.

"Ở đây gần khu vực cảng cá nên rác thải rất nhiều, nhất là các loại bao ni lông gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan, nhưng việc thu gom rác thời gian qua tại đây chưa thực sự hiệu quả, bởi một tuần mới thu gom rác một lần nên rác tồn đọng nhiều.

Ngoài ra, ý thức của người dân chưa cao khi vứt rác sinh hoạt xuống bờ kè, biển. Tôi buôn bán ở đây mà thấy môi trường không đảm bảo khiến số lượng khách giảm hẳn", anh Lê Văn Minh (43 tuổi, thôn An Lương) buôn bán một quán nhỏ sát bờ kè An Lương nói.

Về vấn đề rác thải ở khu vực này, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, do đoạn bờ kè biển An Lương nằm ở cuối sông Thu Bồn nên nhận lượng lớn rác thải từ trên thượng nguồn dòng sông Thu Bồn - Vu Gia đổ về, một phần là do rác từ phía biển Cửa Đại tấp vào gây ứ đọng. Ngoài ra, khu vực này gần chợ và cảng cá nên cũng gây nên tình trạng trên.

"Chính quyền địa phương đang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ra sức vận động, tuyên truyền người dân thu gom rác thải. Trước mắt, địa phương trích nguồn ngân sách ra để xử lý", ông Thống cho hay.

Trong khi chính quyền nhiều nơi đang loay hoay với cách xử lí, giải bài toán thu gom rác thải thì tại TP Hội An đã có nhiều cách làm hay, tích cực góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.

Thời gian gần đây, khi vào các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn TP Hội An, chúng ta hiếm thấy hình ảnh những chai nước nhựa như trước. Thay vào đó, những chai nước thủy tinh được các cơ quan, ban, ngành đưa vào sử dụng để hạn chế tình trạng rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, đây là chương trình "Công sở không rác thải nhựa" nằm trong kế hoạch "Hướng đến không rác thải nhựa" mà TP Hội An đang thực hiện để bảo vệ môi trường.

"Để kêu gọi cộng đồng sử dụng có trách nhiệm, tiến tới không sử dụng các sản phẩm bằng nhựa, các cơ quan hành chính của TP Hội An đang là những mũi tiên phong cho "cuộc chiến" này. Đặc biệt, đây là những hành động đầu tiên đến từ các cơ quan hành chính nhằm tiến đến thay đổi dần thói quen sử dụng các vật dụng làm từ nhựa. Từ đó, UBND muốn xây dựng một Hội An trở thành thành phố sinh thái, văn minh", ông Dũng nói.

Ngoài thực hiện "Công sở không rác thải nhựa", nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, UBND TP Hội An còn triển khai thực hiện chương trình "Giảm thiểu sử dụng và giảm phát thải túi ni lông" tại các khu chợ và doanh nghiệp sử dụng túi ni lông trên địa bàn TP Hội An.

Lấy tuyên truyền giáo dục là chính, tăng cường quản lí làm hạt nhân, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng tiểu thương buôn bán tại các khu chợ, người nội trợ và doanh nghiệp về tác hại của việc sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày. Từ nhận thức biến thành hành động, làm cho các đối tượng có thói quen hạn chế sử dụng, thải bỏ và dần đi đến nói không với túi ni lông.

Bình nước làm từ tre.

Trong chương trình này, TP Hội An thực hiện kêu gọi người nội trợ mang giỏ nhựa, hộp nhựa, cà mèn đựng thức ăn… khi đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni lông; Tổ chức ký cam kết đối với các tiểu thương về việc không cấp phát miễn phí túi ni lông cho khách hàng, sử dụng túi thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông; Đổi túi ni lông lấy túi sinh thái, giỏ nhựa tại các khu chợ trên địa bàn thành phố.

Khách hàng có thể mua hoặc có thể tận dụng các loại túi ni lông sử dụng nhiều lần để chứa sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp nằm trong khu phố cổ thì thực hiện chương trình "Cửa hàng nói không với túi ni lông"… Từ khi thực hiện chương trình đến nay, lượng rác thải từ túi ni lông phát sinh tại các khu vực chợ và doanh nghiệp đã giảm một cách đáng kể.

"Từ khi thành phố phát động chương trình này, tôi đã mang giỏ nhựa đi chợ để đựng thức ăn. Nhìn đơn giản vậy thôi nhưng đã giảm đáng kể lượng bao ni lông mà gia đình tôi thải ra hằng ngày. Giờ đi ra đường hay lại các thùng đựng rác, tôi cũng thấy lượng rác thải giảm hẳn", chị Nguyễn Thị Kiều Phương (phường Cẩm Thanh, TP Hội An) kể.

Không chỉ từ công sở đến các chợ, nhiều cửa hàng bán đồ ăn, thức uống trên địa bàn TP Hội An cũng dần vắng bóng các chai nhựa, ly nhựa, hộp nhựa, ống hút nhựa, thay vào đó, các hàng quán này sử dụng các ly giấy, bao giấy, ống hút tre,… những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng được chính người dân Hội An tận dụng để sáng tạo nên những sản phẩm độc và lạ, thân thiện với môi trường.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến tham quan Hội An. Ở đây chúng tôi không chỉ được tham quan cảnh sắc đẹp, nét văn hóa độc đáo mà chúng tôi còn rất bất ngờ vì những gì Hội An đang làm để bảo vệ môi trường. Nào là ống hút tre, hoa thì được gói bằng giấy báo cách điệu rất lạ mắt nhưng cũng rất dễ thương, mua hàng thì là những túi giấy thân thiện với môi trường. Đây là một cách làm hay, khó nơi nào có được, cũng là một cách để chúng tôi học hỏi và áp dụng ở quê mình", chị Trà Thị Thủy (Bắc Giang) chia sẻ.

Ông Dũng nói, việc thay đổi một thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, ni lông… là rất khó. Tuy vậy, để hướng Hội An trở thành một thành phố sinh thái thì cần hành động, dần thay đổi thói quen từ việc làm nhỏ nhất đến tiến tới bảo vệ môi trường một cách bền vững. "Mục tiêu tiếp theo của kế hoạch là thay thế các vật dụng trong văn phòng, trong các cuộc họp… bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường", ông Dũng cho hay.

Theo CSTC

Bạn đang đọc bài viết Thành phố du lịch nói không với rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.