Thứ sáu, 29/03/2024 17:13 (GMT+7)

Hà Nội: Xã Dị Nậu bất lực trước tình trạng đổ trộm rác thải?

Ứng Chi -  Thứ hai, 18/11/2019 14:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tuy chỉ cách UBND xã Dị Nậu khoảng 400m nhưng một bãi rác tự phát mọc lên chình ình gồm: rác sinh hoạt, rác thải xây dựng và rác may mặc. Tuy nhiên cán bộ xã lại ngơ ngác không biết nguồn thải.

Nạn đổ trộm rác thải

Nhận được phản ánh của người dân về tình trạng đổ trộm rác thải trên địa bàn xã Dị Nậu, cách UBND xã khoảng 400m, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã về địa phương để xác minh thông tin, từ đó có cơ sở để phản ánh lại bạn đọc.

Bãi rác nằm trên một thửa đất nông nghiệp rộng, dọc theo chiều dài của con kênh nhỏ. Ở đây, ngổn ngang đủ các loại rác: rác sinh hoạt, rác công nghiệp may mặc, vật liệu xây dựng thừa… Rác ngổn ngang khắp nơi, nằm phơi nắng phơi sương từ ngày nay qua ngày khác, phơi mình giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm.

Bãi rác càng lớn thì sự bức xúc của người dân lại càng tăng cao. Rác sinh hoạt hàng ngày được bọc vào túi nilon, vứt la liệt ra mọi nơi, dọc bên đường, ngay cạnh con kênh  - nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp. Đây là nơi trú ngụ của ruồi nhặng, chuột – mầm mống gây bệnh. Bàn ghế, tủ cũ, ván gỗ không sử dụng cũng bị người dân vứt ngổn ngang, gây mất mỹ quan.

Không chỉ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng, gồm: đất bùn, vữa xi măng, gạch đá, ván gỗ… cũng chịu chung số phận, bị đổ trộm bừa bãi khắp nơi. Ngày 24/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 về Quản lý chất thải và phế liệu. Trên cơ sở đó, ngày 16/5/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 8 quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng.

Trong đó, quy định chất thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc các cơ sở tái chế.

Văn bản pháp luật là thế, còn trên thực tế, chính quyền địa phương xã Dị Nậu vẫn không thể kiểm soát, quản lý nguồn đổ thải nguy hại này.

Rác xây dựng, gồm: vữa thừa, đất, gạch đá… nằm ngổn ngang khắp nơi.

Theo ghi nhận của PV, tại bãi rác còn xuất hiện rất nhiều những miếng vải vụn, vải phi bóng, xốp…Chất thải ngành dệt tạo ra nhiều mối nguy hại đến hệ sinh thái và sinh vật bởi có các hợp chất gây nhiễm độc chì, gây ung thư. Các hợp chất tồn tại trong rác thải may mặc có thể gây trơ hóa đất, ăn mòn vật liệu, ô nhiễm môi trường nước và đất. Chưa kể, nếu đốt nguồn rác này sẽ vô cùng độc hại đối với bầu không khí, đe dọa sức khỏe người dân.

Rác vải trong ngành may mặc là rác nguy hại, khó phân hủy, có khả năng ngấm xuống đất và nhiễm vào nguồn nước, đe dọa sức khỏe người dân.

Một người dân sinh sống tại đây chia sẻ với PV: “Ngày nắng thì bãi rác sinh ruồi nhặng, hôi thối. Ngày mưa thì lầy lội, bẩn thỉu, ai đi qua đây cũng phải che chắn khẩu trang. Có những ngày, không biết ai châm lửa đốt mà bãi rác bốc khói nghi ngút, mùi nhựa, mùi vải nồng khét khiến chúng tôi cảm thấy buồn nôn, chóng mặt”.

“Sáng nay, tôi thấy hai bao tải rác thải may mặc được vứt trộm ra đây. Một lúc sau có người đi nhặt ve chai đổ hết vải trong bao ra để lấy bao tải. Vì vậy, khu đất này lúc nào cũng ngổn ngang rác. Mong rằng lãnh đạo địa phương sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm nạn đổ trộm rác” – ông N.V.M bức xúc

Cán bộ xã “quanh co đổ thừa”

Trước tình trạng trên, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu. Dù đã đưa ra hình ảnh ghi nhận mới nhất về thực trạng trên nhưng ông Xuân vẫn khẳng định không có đơn vị nào đổ trộm. Chỉ tới khi PV yêu cầu lập đoàn kiểm tra, chứng kiến núi rác chất đống ngất ngưởng thì vị Chủ tịch này mới thừa nhận sự việc.

Ông Nguyễn Văn Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu khẳng định không có cơ sở may mặc nào trên địa bàn xã đổ trộm.

Tại buổi kiểm tra đột xuất, ông Xuân cho biết:Trên địa bàn không có xưởng may, chỉ có một cơ sở dạy nghề may mặc. Tuy nhiên, đây không phải là rác thải may mặc của cơ sở đó. Tôi nghĩ xã bạn bên cạnh đã đổ trộm. Còn việc hình thành bãi tập kết rác tại đây là sai quy định. Công tác quản lý của xã còn chưa tốt, cán bộ phụ trách còn chưa được sâu sắc. Bên cạnh đó, ý thức người dân chưa tốt. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm”.

Đoàn kiểm tra gồm: cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Xuân – Phó Chủ tịch xã; bà Đỗ Thị Phượng – Cán bộ Môi trường, ông Nguyễn Huy Xuân – Trưởng Công an xã kiểm tra nơi bị đổ thải trộm.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Phượng – Cán bộ Môi trường xã Dị Nậu cho biết:Hiện nay, tại địa phương có một số cơ sở gia công cắt may áo mưa Nghĩa Hải. Vải vụn, vải phi bóng này, khả năng cao là của cơ sở đó. Tôi sẽ lấy các mẫu vải để đem đi xác minh xem của đơn vị nào”.

Bà Đỗ Thị Phượng – Cán bộ Môi trường lấy các mẫu vải để xác minh cơ sở may mặc đổ trộm.

Phó Chủ tịch xã cương quyết khẳng định trên địa bàn không có cơ sở may mặc nào đổ trộm, nghi vấn là của xã bạn. Còn cán bộ môi trường lại trả lời bất nhất, cho rằng nguồn rác thải trên là của đơn vị gia công áo mưa. Liệu ở đây có sự nhập nhằng, quanh co, bất nhất, bao che cho nhau hay không?

Trước tình trạng trên, bước đầu, đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy các mẫu vải để xác minh cơ sở đổ trộm. Sau đó, sẽ nhắc nhở và lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu cơ sở trả lại hiện trạng đất nguyên vẹn. Trong trường hợp không xác minh được đơn vị đổ trộm, UBND xã Dị Nậu có trách nhiệm giải quyết nguồn rác thải trên bằng các phương pháp hợp lý, đúng với pháp luật quy định.

Một bãi rác tổng hợp lớn nằm ngay gần UBND xã Dị Nậu nhưng các vị cán bộ ở đây đều làm ngơ, tỏ ra không biết và không quan tâm nguồn rác ở đâu tới, của đơn vị nào. Liệu đây có thể hiện sự tắc trách, năng lực quản lý yếu kém, phong cách làm việc vô trách nhiệm hay không?

Đề nghị các cơ quan có chức năng sớm vào cuộc để giải quyết vấn nạn trên, trả lại cho người dân một bầu không khí trong lành, một nguồn đất và nguồn nước “sạch”, không bị vấy bẩn bởi rác thải.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Xã Dị Nậu bất lực trước tình trạng đổ trộm rác thải?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.