Thứ sáu, 19/04/2024 15:01 (GMT+7)

Sông, hồ Hà Nội ngày càng ô nhiễm

MTĐT -  Thứ ba, 20/05/2014 10:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng ô nhiễm nước sông, hồ trên địa bàn Hà Nội chưa được cải thiện mà có dấu hiệu ngày càng tăng

Sau thời gian khảo sát, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC) đưa ra kết luận: Không có điểm nào ở bất kỳ các con sông trên địa bàn TP Hà Nội đạt loại I (không ô nhiễm hoặc ô nhiễm nhẹ).

Sống chung với nước bẩn

Là một trong những dòng sông lớn nhất TP Hà Nội, sông Tô Lịch mỗi ngày hứng hàng ngàn m3 nước thải sinh hoạt. Mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng, con sông này đang từng ngày trở thành “dòng sông chết”. Mặc dù TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm cho sông Tô Lịch nhưng “đâu vẫn hoàn đó” vì lượng nước thải không ngừng tuôn vào đây.

Bà Nguyễn Thị Ái, bán hàng nước bên bờ sông Tô Lịch, cho biết những ngày hè oi bức hoặc sau trận mưa rào thì mùi xú khí từ sông bốc lên rất khó chịu. Tình trạng nước thải đen ngòm, rác nổi lềnh bềnh trên sông là chuyện thường ngày. “Trời nóng lẽ ra đắt hàng nhưng mùi hôi thối quá nhiều nên quán không có khách, chỉ lác đác vài khách vãng lai. Tôi cũng chẳng còn cách kiếm sống nào khác vì nhà cửa ở đây rồi”- bà Ái than phiền. Còn ông Nguyễn Văn Toàn, sống tại xã Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, cũng phản ánh nước sông Nhuệ ô nhiễm rất nặng nề, thậm chí còn không dùng để tưới hoa màu được. Trước đây, ông Toàn vẫn lấy nước sông Nhuệ tưới rau nhưng hiện nay phải chuyển sang dùng nước máy.

Ngoài sông Tô Lịch, sông Nhuệ, các sông, hồ khác ở TP Hà Nội cũng bị ô nhiễm đáng kể như: hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu, hồ Tây, sông Kim Ngưu…

Nước thải quá nhiều, xử lý không xuể

Theo kết quả khảo sát mới đây của VESDEC, hệ thống sông, hồ trên địa bàn TP Hà Nội tiếp nhận mỗi ngày hàng triệu m3 nước thải công nghiệp, nước thải đô thị, nước thải từ đồng ruộng và các khu vực nuôi trồng thủy sản. Dự báo, lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội sẽ lên đến 440.934 m3/ngày đêm vào năm 2020. “Như vậy, trong tương lai gần, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông, hồ ở TP Hà Nội sẽ gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ô nhiễm do chất thải công nghiệp, sinh hoạt. Đây là cảnh báo khẩn cấp cho công tác bảo vệ và phục hồi chất lượng nước của TP Hà Nội” - đại diện VESDEC nhấn mạnh.

Đứng trước tình trạng ô nhiễm nước sông, hồ, từ năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã khoanh vùng, tìm giải pháp “làm sống lại” những sông, hồ chết nhưng hiệu quả chưa cao. Sông Tô Lịch nằm trong danh sách thí điểm được “rửa” bằng nước sông Hồng nhằm làm giảm nồng độ ô nhiễm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ngoài ra, 12 hồ trên địa bàn TP cũng được thử nghiệm “làm sạch”. Theo ông Tạ Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý dự án và truyền thông - Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội, nhiều hồ nước đã trong trở lại, kết quả quan trắc tiệm cận yêu cầu nhưng một số nơi chất lượng chưa được cải thiện do lượng nước thải đổ vào hồ quá lớn, công tác nạo vét chưa được thực hiện triệt để.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết đối với những hồ đã được xử lý ô nhiễm, định kỳ hàng quý, cơ quan này tiếp tục tái xử lý ô nhiễm theo công nghệ được Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển giao. “Tuy nhiên, khi có mưa lớn thì các hồ vẫn tiếp nhận nước phát sinh kèm đất, rác thải gây ô nhiễm. Ngoài ra, nhiều hồ nuôi thả cá kinh doanh cũng là nguồn gây ô nhiễm đáng kể, rất khó xử lý” - đại diện công ty này nói.

Nước thải chưa được xử lý triệt để

Hiện TP Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 244 làng có nghề truyền thống. Kết quả khảo sát sơ bộ của VESDEC cho thấy mức độ ô nhiễm do nước thải và rác thải các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội tăng qua từng năm. Trong khi đó, theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nước các con sông chảy qua địa bàn bị ô nhiễm trầm trọng như hiện nay là do nguồn nước thải trực tiếp đổ ra sông, hồ không được xử lý triệt để. 

Theo Người lao động

Bạn đang đọc bài viết Sông, hồ Hà Nội ngày càng ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.