Thứ năm, 25/04/2024 20:29 (GMT+7)

Sống đơn giản để giảm rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ sáu, 22/11/2019 08:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc dùng đồ nhựa một lần và lạm dụng những sản phẩm như thế từ lâu là do tính tiện ích trong cuộc sống sinh hoạt của con người. Nhưng xét về sâu xa thì là còn do tính lười và thói ích kỷ.

Rác thải nhựa là chủ đề về môi trường của năm nay - một vấn nạn không chỉ ở riêng nước ta mà còn nóng cả trên toàn cầu. Thời gian qua, thấy việc các cơ quan, tổ chức và các cá nhân bàn về việc hạn chế dùng đồ nhựa hoặc nói không với việc hàng ngày sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần mà tốn nhiều công sức, giấy mực quá. Với tôi, việc gì cũng thế, chỉ cần mỗi chúng ta chọn một lối sống đơn giản thì mọi việc đều dễ dàng và tốt đẹp.

Tính thấp nhất, một quầy bán cháo dinh dưỡng ăn ngay cho trẻ em và người già mỗi ngày cũng tiêu thụ hết 30 hộp đựng bằng nhựa, có kèm theo 30 cái thìa nhựa và 30 túi nilong. Đó là mới chỉ là con số tính tạm ở cái thị xã nhỏ nơi tôi đang sinh sống, nhân lên 10 cửa hàng cháo là có tới 300 hộp nhựa  dùng để đựng cháo bị thải ra ngoài môi trường.

Chưa tính toàn tỉnh hay tính ở các thành phố lớn, chưa kế còn rất nhiều loại đồ ăn uống nữa như xôi, bánh, chè và các hàng ăn nhanh, hàng bán rong ở trong thành phố. Thế nên tính ra, con số hộp nhựa, túi nilong, ống hút, thìa nhựa sẽ lớn gấp hàng triệu lần của số 300 kia. Phần lớn những người phải sử dụng đồ nhựa một lần là mua mang về nhà, mua cho người khác, mua để ăn uống trên đường đi nhưng lại không mang hộp ở nhà đi dù việc này thường có kế hoạch trước.

Từ lâu, chúng ta đã biết về những cảnh báo từ sự độc hại của đồ nhựa dùng một lần. Những thứ mà chúng ta dùng đựng đồ ăn hàng ngày tại hàng quán đều được làm từ nhựa tái chế, rất bẩn và ngây hại cho sức khỏe con người. Mỗi khi cầm một sản phẩm nhựa tái chế trên tay, bạn hãy tưởng tượng ra rằng nó được làm từ những ống tiêm truyền trong bệnh viện hoặc từ những vỏ chai thuốc. Tất cả cùng cho vào máy, với hóa chất tẩy trắng rồi nghiền vụn hết rồi lại cho ra lò những sản phẩm tiện dụng, giá rẻ. Và đương nhiên là cái gì vừa rẻ vừa nhanh cũng đều tỉ lệ thuận với chất lượng. Nghĩ đến thế là mọi người phải hạn chế rồi dần dần từ bỏ những sản phẩm độc hại này.

Một quán cà phê, sinh tố ở gần cơ quan tôi, trung bình mỗi tháng tiêu tốn hết hơn  2000 ống hút, tương đương 3,5kg nhựa. Những hàng quán sinh tố, nước mía, trà sữa tiêu thụ nhiều ống hút nhựa và hộp nhựa nhiều quá. Ngồi  tại chỗ, mà người ta  không dùng cốc thủy tinh và thìa kim loại  để khuấy đều thức uống của bạn mà lại phải dùng ống hút cắm qua cái lớp màng bọc miệng cốc rồi lắc lên lắc xuống để uống  để ăn uống. Thật chẳng ra làm sao, tụi trẻ vì ích kỷ và chỉ cần ăn cho đẹp miệng mình là được, chứ nghĩ gì đến độc hại hay bảo vệ môi trường.

Đi ăn ở nhà hàng, tôi thấy nhiều người mang rượu từ nhà đi để đảm bảo an toàn nhưng chẳng ai nhớ mang hộp đựng của nhà mình đi kèm, rồi khi ăn xong, còn thừa đồ lại gói đem về bằng hộp nhựa, hộp xốp dùng một lần của nhà hàng.

Đó mới là chỉ chuyện ăn uống, và sinh hoạt việc bếp núc, còn chưa tính những hoạt động khác của xã hội như công việc, đi lại, xây dựng, vui chơi giải trí. Nếu mỗi ngày, mỗi người chỉ thải ra một sản phẩm nhựa hoặc nilong dùng một lần thì như vậy thì cả nước sẽ có 90 triệu sản phẩm như vậy mà tạo nên một núi rác thải độc hại.

Tôi thấy nói về những cái ống hút được làm bằng nguyên liệu tự nhiên đang nổi như cồn trong trào lưu không sử dụng đồ nhựa tái chế hiện nay. Nào là ống hút gạo, ống hút cỏ. Chúng ta luôn phức tạp cái chuyện ăn uống thế, không dùng ống hút thì mình vẫn có cách để ăn ngon mà. Còn như tôi đã vào đến hàng quán để uống nước thì chẳng cần ống hút gì, cứ dùng thìa inox mà ăn uống trực tiếp thôi, chỉ có quả dừa là không thể bổ xong rồi lại đổ nước ra cốc được thì không tránh được. Thế thôi. Tối giản nhu cầu sử dụng của mỗi người, không phức tạp hóa những thứ mà dịch vụ phải hoàn hảo để cung cấp cho bạn. Nếu các bạn từ chối dùng ống hút thì hàng quán sẽ không phục vụ nữa và mỗi ngày sẽ không có hàng triệu ống hút nhựa bị thải ra môi trường.

Cái ống hút ở hàng quán chỉ là ví dụ, nhưng còn vô vàn các sản phẩm nhựa cấp thấp tương tự như thế. Nếu bạn sống vì cộng đồng, nếu biết nghĩ đến mọi người thì cứ để một cái túi to ở trong cốp xe, thêm vài cái hộp nữa nếu thấy không quá bất tiện. Những cái hộp nhựa, nhôm hay thủy tinh được tái sử dụng trong phòng bếp có thể để đựng thịt cá hay thực phẩm chín khi bạn mua ở ngoài mang về nhà.

Thay vì mua những chai nước suối ở tiệm mỗi lần ra ngoài đường thì bạn có thể mang sẵn một chai nước ở nhà lên xe hoặc đựng trong túi cá nhân. Những thứ không cần phải mang xách thì bạn có thể từ bỏ việc đựng bằng túi nilong. Việc làm nhỏ của một cá nhân nhưng nhân rộng ra cộng đồng là bớt được một núi rác thải nhựa, nilong. Nếu bạn có trách nhiệm với môi sinh này thì bạn sẽ được hưởng một cuộc sống tốt nhất mà không phải lo ốm đau, bệnh tật và thiên tai đeo đuổi. Hậu quả thì phải chịu chung, nhưng việc làm lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân.

Tuyên truyền hạn chế, giảm dần và tiến tới không sử dụng các sản phẩm từ nilong  hay nhựa dùng một lần mới chỉ là vài câu khẩu hiệu xáo rỗng. Nếu không thiết thực và không khơi ngợi được bản tính cộng đồng của người dân thì lại như một phong trào như kiểu đánh trống bỏ dùi - vừa tốn kém, lãng phí, vừa thành bệnh trầm kha khó chữa.

Bạn đang đọc bài viết Sống đơn giản để giảm rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Minh Minh

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng