Thứ sáu, 29/03/2024 14:43 (GMT+7)

Phát triển CN làng nghề: Lợi ích đi lên, môi trường đi xuống

MTĐT -  Thứ hai, 11/11/2019 15:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những làng nghề nổi tiếng với sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, doanh thu ngày càng lớn nhưng lại đang lâm vào tình trạng ô nhiễm khó kiểm soát.

Khu vực làng nghề tạo ra những sản phẩm độc đáo của các vùng miền, địa phương, tăng thu nhập, việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Song vấn đề đặt ra là những làng nghề nổi tiếng với sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, doanh thu ngày càng lớn... lại đang lâm vào tình trạng ô nhiễm khó kiểm soát.

Ô nhiễm làng nghề khó kiểm soát

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên và có đến 27% số làng nghề bị ô nhiễm dạng vừa. Nếu không có những hành động cụ thể và thích hợp trong bảo vệ môi trường, chính những hoạt động của làng nghề sẽ là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển mạnh mẽ của nó.

Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội cho rằng, cùng với những thay đổi tích cực, các làng nghề nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức hàng đầu là duy trì bản sắc làng nghề, hội nhập mà không mất bản sắc riêng nhưng phải bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

“Ô nhiễm chất vô cơ tại các làng nghề dệt nhuộm tạo ra nước thải có hàm lượng cặn lớn, nhưng hầu hết chưa được thu gom xử lý mà xả thẳng vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và các nguồn nước mặt, nước ngầm tại các địa phương”, nghệ nhân Hà cho biết.

Nước mặt tại các ao hồ, mương cồng làng nghề đã có dấu hiệu ô nhiễm.

Cũng ngay tại quận Hà Đông, cách làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc không xa, khu làng nghề rèn Đa Sỹ có tổng diện tích hơn 30ha nhưng có đến gần 900 lò làm rèn nên mức độ ô nhiễm ngày càng tăng cao. Mặc dù năm 2007 làng nghề cũng đã được phê duyệt diện tích 12,3ha làm điểm công nghiệp làng nghề nhưng hiện vẫn chưa triển khai trong khi nhu cầu của nhân dân rất lớn lại sản xuất ngay trong khu dân cư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội nghề rèn Đa Sỹ, Hà Đông, Hà Nội cho biết, mức độ ô nhiễm tiếng ồn tại làng nghề rất lớn do có khoảng 100 hộ sản xuất sử dụng búa máy và máy đột dập. Ngày trước sản xuất thủ công làng nghề không có nhiều bụi, chủ yếu chỉ là bụi than nhưng giờ sản xuất bằng máy nên có thêm các loại bụi của cát, đá, mạt sắt,… gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh của các hộ dân trong làng.

“Việc xử lý tiếng ồn búa máy đang hết sức nan giải đối với làng rèn Đa Sỹ. Nhiều hộ sản xuất đào các đường hào xung quanh xưởng sản xuất đã đỡ được độ rung nhưng không thể xử lý triệt để được. Đối với việc xử lý ô nhiễm bụi, Hiệp hội vận động mỗi nhà sử dụng một túi lọc nơi có nguồn bụi phát sinh để thu gom”, ông Chính cho hay.

Nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1 - 1,67 lần

Theo nghệ nhân Vũ Văn Quý, nồng độ bụi tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,0 - 1,67 lần. Bụi từ các máy cưa xẻ, pha gỗ có kích thước lớn thường dễ lắng. Bụi từ các máy chà, máy đánh giấy ráp có kích thước nhỏ và dễ phân tán nên là nguồn gây ô nhiễm bụi không chỉ đối với khu vực sản xuất mà còn đối với môi trường không khí xung quanh của làng nghề.

Bên cạnh đó, mùi dung môi hữu cơ phát sinh trong quá trình sản xuất, đặc biệt ở các khâu đánh thuốc (sơn hoặc đánh véc ni) hoàn thiện sản phẩm cũng ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không khí. Chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất chủ yếu là các mùn gỗ, đầu mẩu… hiện vào khoảng 19 tấn/ngày; trong đó, lượng chất thải rắn công nghiệp là 8,5 tấn/ngày, chiếm khoảng 48%.

“Ô nhiễm môi trường không khí ở những làng nghề chế biến gỗ đã đến mức báo động. Đến lúc phải ngăn chặn tình trạng này và nâng cao ý thức của chính các hộ sản xuất địa phương”, nghệ nhân Quý nói.

Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội nghề rèn Đa Sỹ, Hà Đông, Hà Nội.


Ông Lê Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh thừa nhận, rất nhiều làng nghề trong tỉnh đang có tình trạng ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý như làng nghề tái chế giấy Phú Lâm, tái chế nhôm Văn Môn, đúc đồng Đại Bái...

“Tại các làng nghề, nước mặt tại các ao hồ, mương cồng đã có dấu hiệu ô nhiễm, hàm lượng ôxi hoà tan trong nước cũng đều bị suy giảm. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại, cần sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan quản lý và ý thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương”, ông Dũng khẳng định.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Phát triển CN làng nghề: Lợi ích đi lên, môi trường đi xuống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.