Thứ bảy, 20/04/2024 03:13 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn đang ở mức gây hại cho sức khỏe

MTĐT -  Thứ tư, 18/09/2019 13:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 18/9, chất lượng không khí Hà Nội thuộc nhóm không tốt cho những người nhạy cảm như trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp.

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, sáng 18/9, chất lượng không khí Hà Nội thuộc nhóm vàng (Chỉ số chất lượng không khí AQI là 50-100, thuộc nhóm trung bình) và cam (Chỉ số AQI từ 100-150, không tốt cho những người nhạy cảm như trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp). So với ba ngày trước, chất lượng không khí ở Hà Nội đang có dấu hiệu cải thiện.

Những ngày qua, không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức đáng báo động. Theo AirVisual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 17/9 tại nhiều điểm trong Hà Nội ở "mức kém", liên tục dao động từ 100 đến 200. Các ngày 14-16/9 chỉ số AQI đo ở hơn 20 địa điểm luôn trên 100. Điểm đo tại Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm AQI trên 150. Tình trạng chất lượng không khí ở mức kém sẽ duy trì đến cuối tuần.

Chỉ số bụi mịn PM2.5 hôm qua tại Hà Nội là 111,3 µg/m3, cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11,1 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo WHO, mức PM2.5 lý tưởng trong không khí là 10 µg/m3. Mỹ chia chất lượng không khí ra làm 5 mức, trong đó lượng PM2.5 từ 0-12,0 là tốt, từ 12,1 đến 35,4 trung bình, từ 35,5 đến 55,4 là nguy hiểm cho người nhạy cảm. Chỉ số 55,5-150,4 mức nguy hiểm, từ 150,5 đến 250,4 là rất nguy hiểm, từ 250,5 trở lên là độc hại. Khi nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù.

Không khí ở Hà Nội đang ở mức không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở. Nguyên nhân chính là do bụi PM 2.5 cộng với khí CO hay SO2, NO2 làm kích ứng niêm mạc, đồng thời cản trở hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy, dẫn đến suy giảm chức năng phổi, làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.

Theo các bác sĩ,  thứ nhất nên lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, càng nhiều cây xanh càng tốt. Nếu vì điều kiện chưa đủ, phải sống sâu trong ngõ ngách thành phố thì nên đầu tư hệ thống các loại máy lọc không khí.

Ngoài ra, cuối tuần nên tạo thói quen cho cả nhà ra ngoại ô, vùng biển hoặc lên núi đồi, nơi nhiều cây xanh để “thanh lọc” hệ hô hấp.

Ngoài đeo khẩu trang bảo vệ đường hô hấp, tránh khói, bui, cần đeo kính bảo vệ mắt.

Nếu bất đắc dĩ, sống gần các khu công nghiệp, các nhà máy hoặc làm việc trong những môi trường nguy cơ cao như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng dầu thì luôn cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn và tích cực kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

Người dân cần hạn chế đốt rác, rơm rạ, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.

Người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông… Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố chất lượng không khí của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Để biết nơi bạn đang sống ô nhiễm không khí đến mức độ ra sao? Bạn có thể theo dõi chất lượng không khí qua các trạm đo trên cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường. Bản đồ sẽ cho chúng ta biết chỉ số AQI của từng khu vực cụ thể cùng thông tin chi tiết.

Hoặc cài một trong các ứng dụng dưới đây: Air Quality | AirVisual, Air Matters, Air Quality Index BreezoMeter, Air Quality: Real time AQI, Air Quality Index Near Me, AirNow...

Theo đó, giá trị AQI từ 0-50 là Tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe; từ 51-100 là Trung bình, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ở ngoài; từ 101-200 là Kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; 201-300 là Xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài; từ 301: Nguy hại, mọi người nên ở trong nhà.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn đang ở mức gây hại cho sức khỏe. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...