Thứ năm, 28/03/2024 22:22 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tiếp tục tái diễn nghiêm trọng

MTĐT -  Thứ năm, 20/02/2020 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (20/2), AirVisual xếp hạng Hà Nội ở vị trí thứ 2 trong tổng số 10.000 TP ô nhiễm nhất trên thế giới với AQI 291, nồng độ bụi mịn PM 2.5 là 241,8 µg/m³.

Lúc 9 giờ sáng nay, Cổng thông tin quan trắc chất lượng môi trường của UBND TP.Hà Nội hiển thị giá trị AQI là 144, ở ngưỡng “cam” là ngưỡng “kém” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam, những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe.

Trong khi đó, lúc 10 giờ sáng nay, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ghi nhận chỉ số AQI ở mức 187, ở ngưỡng "xấu" - những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Đáng chú ý, vào lúc 10 giờ sáng 20/2, trang quan trắc AQI thời gian thực AirVisual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ) xếp hạng Hà Nội ở vị trí thứ 2 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới với AQI 291, nồng độ bụi mịn PM 2.5 là 241,8 µg/m³.

Air Visual cảnh báo đa số các khu vực nội thành đều có chất lượng không khí ở ngưỡng màu đỏ với giá trị AQI khá cao, thậm chí khu vực Tây Hồ và Tô Ngọc Vân còn có chất lượng không khí ở ngưỡng màu tím với AQI lần lượt là 296 và 287.

Ứng dụng Pam Air cũng cảnh báo, tất cả các khu vực trong nội thành Hà Nội đều có chất lượng không khí ở ngưỡng màu đỏ - mức độ xấu (ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tất cả mọi người), với giá trị AQI cao, tiệm cận màu tím.

Tại TP.HCM, Air Visual cảnh báo chất lượng không khí ở ngưỡng màu vàng, giá trị AQI là 154 – mức độ chất lượng không khí xấu.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Nguyễn Bình, chuyên gia về ô nhiễm không khí cho biết, đợt ô nhiễm này có thể liên quan đến điều kiện thời tiết không thuận lợi. Gió tốc độ thấp, nền nhiệt thấp khiến không khí không lưu thông được. Nguồn ô nhiễm bị tập trung, ứ lại sát mặt đất. Dự báo ô nhiễm không khí có thể kéo dài thêm nhiều ngày tới.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nghịch nhiệt thường xảy ra trong cả mùa đông, nhất là vào các thời kỳ cuối của mỗi đợt không khí lạnh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những ngày có chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.

Cần kiểm soát nguồn khí thải

Bên cạnh đó, Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do phương tiện giao thông. Đáng nói, nhiều trong số đó đã quá niên hạn sử dụng, phát tán khí thải gây ảnh hưởng xấu đến CLKK. Dù Hà Nội chưa có những thống kê cụ thể nhưng nồng độ bụi mịn PM2.5 từ các phương tiện giao thông rất là cao.

Ông Hoàng Duơng Tùng cũng cho rằng, cần đưa ra nhiều biện pháp rốt ráo, quyết liệt hơn nữa việc rà soát, đăng kiểm lại toàn bộ xe máy trên địa bàn TP Hà Nội nhằm kiểm soát nguồn phát tán khí thải, hạn chế ô nhiễm bụi. "Nhiều TP trên thế giới đã áp dụng biện pháp này và đạt hiệu quả tốt, nếu qua kiểm tra phát hiện nguồn khí thải vượt ngưỡng cho phép thì chủ xe phải sửa chữa. Xe máy nào đạt tiêu chuẩn mới được lưu thông trong nội thành” - ông Tùng khiến nghị.

Trao đổi với KT&ĐT, ông Phạm Hải Dương – chuyên viên Trung tâm Quản lý điều hành dữ liệu quan trắc môi trường Hà Nội, hiện nay, đối với các trạm trong cùng một khu vực thì các trạm đặt tại khu vực có mật độ giao thông cao như Minh Khai, Phạm Văn Đồng… cho kết quả chỉ số AQI cao hơn rất nhiều so với các trạm đặt trong khu dân cư (Tân Mai, Kim Liên), và chỉ số PM 2.5 thường cho chỉ số cao nhất.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 - loại bụi có khả năng đi trực tiếp vào máu, gây ra nhiều loại bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch. Do kích thước rất nhỏ, bằng khoảng 1/30 sợi tóc nên các loại khẩu trang y tế, khẩu trang vải thông thường không thể ngăn được bụi này. Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, người dân nên sử dụng khẩu trang chống bụi mịn khi ra đường. 

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tiếp tục tái diễn nghiêm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.