Thứ sáu, 29/03/2024 22:43 (GMT+7)

Nước sông Sài Gòn đang trong tình trạng ô nhiễm vì nhựa ở mức cao

Ngọc Hoa -  Thứ năm, 23/05/2019 18:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 23/5, tại Hội trường Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM (42 Võ Thị Sáu, quận 1) đã diễn ra buổi hội thảo kết nối mạng lưới tái chế nhựa.

Buổi hội thảo này do Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM), cùng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM (Citenco) phối hợp tổ chức.

Được biết, nhựa đang trở thành một trong những vật liệu quan trọng nhất trong xây dựng, những sản phẩm công nghệ, sản phẩm tiêu dùng và đóng gói. Hiện nay, mối quan ngại về vấn đề rác thải nhựa đang ngày càng tăng.

Hệ quả là cạn dần các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường sống và môi trường biển. Tình trạng này còn có các mối đe dọa từ việc tái chế bằng những vật liệu ô nhiễm và sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc.

Vì vậy, việc thúc đẩy mối quan tâm khả năng tái chế nhựa an toàn cho sức khỏe, môi trường và xã hội là rất cần thiết.

Buổi hội thảo kết nối mạng lưới tái chế nhựa.

Tham gia buổi hội thảo gồm có các thành viên dự án “Mạng lưới liên kết giữa Đông Nam Á – Châu Âu để xây dựng năng lực giáo dục và đào tạo về lĩnh vực tái chế nhựa ở Lào và Việt Nam”.

Dự án này được thực hiện từ tháng 10/2017 – 10/2020. Liên danh dự án bao gồm 10 thành viên (Các trường Đại học và các đối tác công nghiệp chuyên ngành liên quan) đến từ các nước Lào, Việt Nam, Đan Mạch và Áo.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Quế Lâm (Phó trưởng phòng CNMT & KTCL Citenco) đã nêu ra Hiện trạng quản lý chất thải nhựa và các giải pháp giảm thiểu tại TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Quế Lâm (Phó trưởng phòng CNMT & KTCL Citenco) phát biểu tại buổi hội thảo.

Cũng theo đó bà Lâm, chất thải sinh hoạt là 8.900 tấn, chất thải công nghiệp không nguy hại là 1.500 - 2.000 tấn, chất thải xây dựng là 1.500 - 1.700 tấn, chất thải nguy hại là 350 - 400 tấn và chất thải y tế nguy hại là 22 tấn.

Riêng tại TP.HCM, chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày. Trong đó chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác.

Về hoạt động thu gom chất thải nhựa hiện nay, bà Lâm cho rằng: “TP.HCM chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải nhựa và chưa thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn”. Đối với hoạt động tái chế chất thải nhựa, TP.HCM cũng chưa có khu xử lý, tái chế nhựa tập trung và tính không ổn định của nguyên liệu đầu vào.

Từ đó, bà Lâm trình bày giải pháp tổng thể đối với vấn đề phân cấp quản lý chất thải theo cấp độ giảm dần từ: Tiết giảm tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, đốt thu hồi nhiệt, đốt giảm thể tích và chôn lấp.

Cũng tại buổi hội thảo, các vấn đề về Hiện trạng sử dụng và tái chế nhựa tại Lào; Xu thế sử dụng và tái chế nhựa tại Châu Âu cũng được báo cáo cụ thể.

PGS. TS Lê Hùng Anh (Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường - Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho biết: “Theo nghiên cứu, nguồn tạo ra vi nhựa trong môi trường là xuất phát từ 2 nguồn. Nguồn sơ cấp do sản xuất hạt nhựa, mài mòn công nghiệp, in 3D, mỹ phẩm,... Còn nguồn thứ cấp là do phân rã từ các chất thải nhựa lớn do tia UV, nhiệt, nóng,...”.

PGS. TS Lê Hùng Anh (Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường - Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) phát biểu tại buổi hội thảo.

Theo thống kê năm 2018, Việt Nam xếp ở vị trí thứ tư về phát thải rác thải nhựa trên thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Khảo sát tại sông Sài Gòn cho thấy có 172.000-519.000 sợi vi nhựa/m3 nước, 10-233 mảnh vi nhựa/m3 nước.

Như vậy, hiểm hoạ của vi nhựa đối với môi trường hiện nay là rất. Bởi, nó gây là ô nhiễm đại dương, ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm nước ở các con sông và cả không khí. Ngoài ra, hơn 5.000 tỷ mảnh nhựa trong đại dương, chiến khoảng 94% trong số đó là vi nhựa.

Qua buổi hội thảo, Ban tổ chức cho biết, dự án “Mạng lưới liên kết giữa Đông Nam Á – Châu Âu để xây dựng năng lực giáo dục và đào tạo về lĩnh vực tái chế nhựa ở Lào và Việt Nam” sẽ khởi xướng và tăng cường năng lực ứng dụng của các trường Đại học về việc truyền tải giáo dục học thuật chất lượng cao và hiện đại, cũng như đào tại phát triển chuyên nghiệp trong lĩnh vực tái chế nhựa và kỹ năng quản lý từ cơ bản đến nâng cao. Trong khuôn khổ dự án sẽ tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp, các giảng viên và sinh viên về lĩnh vực tái chế nhựa.

Hội thảo Kết nối mạng lưới tái chế nhựa có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức về tái chế nhựa, các công nghệ tái chế, phát triển các giải pháp quản lý và hỗ trợ quá trình tạo ra các sản phẩm nhựa và thay thế nhựa an toàn và thân thiện môi trường. Dự án hỗ trợ thành lập 2 Trung tâm đào tạo và nghiên cứu về tái chế nhựa tại Đại học Công nghiệp TP.HCM và Đại học Quốc giao Lào.

Trong năm 2019, Viện sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xét nghiệm miễn phí về đánh giá vi nhựa trong sản phẩm nước ăn uống và đánh giá an toàn sản phẩm nhựa theo tiêu chuẩn châu Âu (RoHS).

Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động của hội thảo, các khách mời đến tham dự Hội thảo còn được đi tham quan Trạm trung chuyển rác thải tại Quang Trung - Gò Vấp và nhà máy sản xuất nhựa để hiểu rõ hơn.

Bạn đang đọc bài viết Nước sông Sài Gòn đang trong tình trạng ô nhiễm vì nhựa ở mức cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới